Friday, January 3, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaCố vấn an ninh quốc gia Mỹ: “Hành vi áp đặt” của...

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ: “Hành vi áp đặt” của TQ trên Biển Đông là rất nghiêm trọng

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton (21/8) cho biết, những nỗ lực leo thang gần đây của Trung Quốc nhằm đe dọa các bên khác từ bỏ hoạt động khai thác tài nguyên ở Biển Đông là đáng lo ngại.

Theo ông John Bolton, “những nỗ lực leo thang gần đây của Trung Quốc nhằm đe dọa các bên khác từ bỏ hoạt động khai thác tài nguyên ở Biển Đông là đáng lo ngại; khẳng định “Mỹ kiên quyết đứng về phía những bên chống lại hành vi cưỡng ép và các thủ đoạn bắt nạt đe dọa đến hòa bình và an ninh khu vực”. Trước đó, ông John Bolton (19/7) cũng lên tiếng chỉ trích hành động đe dọa hòa bình và an ninh của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương; tái khẳng định tôn trọng chủ quyền và tự do hàng hải là vấn đề căn bản trong tầm nhìn Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ và ASEAN. Hành vi cưỡng ép của Trung Quốc nhằm vào các nước láng giềng Đông Nam Á đang phản tác dụng và đe dọa hòa bình – ổn định khu vực.

Tuyên bố của ông John Bolton được đưa ra trong bối cảnh giới chức Mỹ liên tục đưa ra các tuyên bố chỉ trích, lên án hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao Mỹ (22/8) đăng tải thông cáo cho biết chính quyền Mỹ quan ngại sâu sắc việc Trung Quốc tiến hành can thiệp vào các hoạt động dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Theo thông cáo trên, Mỹ cho biết Trung Quốc đã triển khai một tàu khảo sát thuộc sở hữu của chính phủ cùng với các tàu hộ tống có vũ trang vào vùng biển thuộc EEZ và thềm lục địa của Việt Nam hồi đầu tháng 8; khẳng định các hành động này của Trung Quốc tiếp tục đặt ra một câu hỏi nghiêm túc về các cam kết của Trung Quốc trong đó có Tuyên bố chung ASEAN – Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông trong đó lấy giải pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp hàng hải. Bộ Ngoại giao Mỹ gọi việc triển khai tàu khảo sát của Trung Quốc là sự leo thang của Bắc Kinh trong nỗ lực đe dọa các bên yêu sách khác rút khỏi việc khai thác, phát triển các nguồn tài nguyên ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao Mỹ thẳng thừng chỉ ra rằng, trong những tuần gần đây Trung Quốc đã có “hàng loạt bước đi gây hấn nhằm can thiệp” vào các hoạt động kinh tế đã tồn tại lâu dài của các nước khác ở Biển Đông – những nước thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang có tranh chấp với Trung Quốc. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, mục đích của Bắc Kinh là “dọa dẫm các nước để họ phải từ bỏ các mối quan hệ hợp tác với những công ty dầu khí nước ngoài và chỉ làm việc với các công ty nhà nước của Trung Quốc”. Bộ Ngoại giao Mỹ thẳng thừng cáo buộc Trung Quốc đang gây áp lực đối với Việt Nam vì việc Việt Nam hợp tác với một công ty năng lượng của Nga cũng như các đối tác quốc tế khác; nhấn mạnh các hành động của Trung Quốc làm phương hại đến hòa bình và an ninh khu vực cũng như gây ra những tổn thất về kinh tế cho các quốc gia Đông Nam Á bằng cách ngăn chặn khả năng tiếp cận của họ đối với nguồn hydrocarbon chưa được khai thác có trị giá lên tới 2,5 nghìn tỉ USD. Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, các công ty năng lượng của Mỹ có lợi ích ở Biển Đông và Washington “cam kết tăng cường an ninh năng lượng cho các đối tác và đồng minh của chúng tôi ở khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương và trong việc đảm bảo hoạt động sản xuất dầu khí không bị gián đoạn trên thị trường toàn cầu. Hạ nghị sĩ Mỹ Ted Yoho, thành viên cao cấp Tiểu ban châu Á – Thái Bình Dương, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ (22/8) bày tỏ quan ngại sâu sắc với những diễn biến hiện nay trên Biển Đông khi Trung Quốc đưa tàu khảo sát và các tàu hộ tống vào vùng Đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Ông Ted Yoho phản đối mạnh mẽ những hành động xâm phạm chủ quyền của quốc gia ven biển, thách thức luật pháp quốc tế, vi phạm UNCLOS, quân sự hóa các đảo nhân tạo xây dựng trái phép ở Biển Đông, sử dụng các thực thể đó triển khai các hoạt động, gây xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, đe dọa tự do hàng hải và hàng không, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định của khu vực. Chuẩn tướng Joel B. Vowell, thuộc Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Mỹ (USINDOPACOM) cho biết: “Mỹ và các đối tác của chúng tôi tin rằng không ai có thể tuyên bố Biển Đông là vùng lãnh thổ của riêng họ. Đó là vùng biển mở và tự do. Trung Quốc đã quân sự hóa quần đảo Trường Sa và một số thực thể trên Biển Đông, mặc dù họ từng tuyên bố rằng họ sẽ không làm như vậy. Chúng tôi biết họ đã làm điều đó. Chúng tôi quan ngại việc Trung Quốc đưa các tàu hải quân tới gần một số dự án khai thác của Việt Nam trên Biển Đông. Hành động này đã cản trở việc khai thác mở và tự do đối với các nguồn tài nguyên tự nhiên, ngay ở ngoài khơi bờ biển của Việt Nam, đó là một mối lo ngại. Và chúng tôi đã trao đổi với chính phủ Việt Nam thông qua Bộ Ngoại giao Mỹ để hỗ trợ tìm cách giải quyết vấn đề này”. Theo Chuẩn tướng Vowell, “để đảm bảo Biển Đông là khu vực mở và tự do, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Mỹ đã thực hiện các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực. Đây là nơi chúng tôi đã triển khai các tàu và máy bay, và chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục đưa tàu và máy bay tới khu vực này để cho thấy sự hiện diện, thể hiện cam kết và quyết tâm của chúng tôi, đồng thời bảo đảm rằng đây là khu vực mở và tự do. Đây là nơi không ai được phép tiến hành các hoạt động buôn lậu, không ai được phép ngăn chặn tàu thuyền bất hợp pháp như đã từng xảy ra tại các khu vực khác trên thế giới, mà là nơi mở và tự do. Các đối tác của chúng tôi, như Australia, và một số nước khác vẫn duy trì hiện diện quân sự theo từng giai đoạn tạm thời để đảm bảo rằng khu vực này vẫn luôn mở và tự do. Khu vực này không phải là nơi mà bất kỳ ai có thể cản trở đi lại và tác động tới thị trường toàn cầu”. Trước đó, Đại tướng David Goldfein, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ và Đại tướng Charles Brown Jr., Tư lệnh Không quân Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương cũng đều bày tỏ quan ngại về tình hình ở Biển Đông. Đại tướng David Goldfein, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ một lần nữa nhấn mạnh lại tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo rằng Mỹ luôn phản đối mạnh mẽ các hoạt động của Trung Quốc gây ảnh hưởng và thách thức quyền lợi chính đáng cũng như chủ quyền của Việt Nam. Còn Đại tướng Charles Brown Jr., Tư lệnh Không quân Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương thì khẳng định, Mỹ luôn kiên định với chính sách đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng mở và tự do. Ông Charles Brown Jr. nhấn mạnh thêm, một trong những phần quan trọng nhất là đảm bảo quyền tự do đi lại của tàu thuyền, máy bay trong bất kỳ khu vực nào mà luật pháp quốc tế cho phép, đảm bảo chủ quyền và quyền lợi hợp pháp của các nước tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Điều đáng chú ý là không chỉ Mỹ mà rất nhiều quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới đều bày tỏ mối quan tâm và lo ngại đến tình hình Biển Đông hiện nay. Philippines (9/8) đã tuyên bố trao công hàm phản đối về sự hiện diện của 2 tàu khảo sát của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này. Tuyên bố được Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng nước này Delfin Lorenzana đề nghị Bộ Ngoại giao tiếp tục phản đối sự hiện diện không báo trước của tàu khảo sát Trung Quốc trong EEZ của Philippines.Nhật Bản cũng  liên tục thể hiện quan điểm kiên quyết, nhất quán về vấn đề Biển Đông, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh việc triển khai hoạt động trên Biển Đông. Ngoại trưởng Nhật Bản Kono còn cảnh báo tình hình tại Biển Đông “mỗi năm một xấu đi” và kêu gọi các bên liên quan đảm bảo giải quyết tranh chấp hòa bình và phi quân sự hóa khu vực Biển Đông. Một tuyên bố khác của Bộ Ngoại giao Nhật Bản khẳng định: “Chính phủ Nhật Bản tin rằng vấn đề liên quan đến Biển Đông có liên quan trực tiếp đến hòa bình và ổn định trong khu vực, và là mối quan ngại chính đáng của cộng đồng quốc tế, bao gồm Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động nào làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. Nhật Bản nhất quán ủng hộ việc tuân thủ toàn diện luật pháp biển và muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực đối với các giải pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế mà không thông qua việc sử dụng vũ lực hay hăm dọa, nhằm giải quyết tranh chấp liên quan đến các vấn đề tại Biển Đông với các nước liên quan”.

RELATED ARTICLES

Tin mới