Wednesday, December 25, 2024
Trang chủBiển nóngAnh, Pháp- Đức và Ấn Độ lên tiếng về tình hình Biển...

Anh, Pháp- Đức và Ấn Độ lên tiếng về tình hình Biển Đông

Ba nước Anh, Pháp, Đức với tư cách là thành viên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển vào ngày 29 tháng 8 lên tiếng quan ngại về tình hình căng thẳng ở biển Đông.Anh, Pháp, Đức và Ấn Độ kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông

Theo thông cáo báo chí chung được phát ra cùng ngày, 3 nước Anh, Pháp, Đức nêu rõ: “Chúng tôi quan ngại về tình hình ở biển Đông có thể dẫn đến sự mất an ninh và mất ổn định trong khu vực. Chúng tôi kêu gọi các quốc gia ven biển Đông có những biện pháp nhằm giảm căng thẳng, góp phần vào việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và an toàn trong khu vực, bao gồm việc tôn trọng quyền của các nước ven biển trong vùng biển chủ quyền và đảm bảo quyền tự do hàng hải trên biển và trên không ở biển Đông”.

Anh, Pháp Đức cũng hoan nghênh những cuộc đàm phán đang diễn ra  giữa các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc trong việc đạt được Bộ quy tắc ứng xử hiệu quả, hợp tác, tuân thủ pháp luật và phù hợp với Công ước Liên Hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS) ở biển Đông và mong muốn tiến trình đàm phán sớm đạt được kết quả.

Lên tiếng của ba nước Anh- Pháp- Đức như vừa nêu được đưa ra sau khi Liên Minh Châu Âu (EU) vào ngày 28/8 cũng ra thông cáo lên tiếng về những diễn biến tại khu vực Biển Đông.

Tại khu vực Nam Á vào ngày 29/8, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã lên tiếng, khẳng định nước này ủng hộ tự do hàng hải và luật pháp quốc tế ở Biển Đông, đặc biệt Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982.

Trích lời của người phát ngôn Bộ ngoại giao Ấn Độ từ báo Tuổi Trẻ, ông Raveesh Kumar nói rằng, biển Đông là một phần chung trên toàn cầu. Ấn Độ, vì vậy, đã tôn trọng lợi ích của hòa bình và ổn định khu vực. Ấn Độ quyết tâm ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và thương mại hợp pháp trong các vùng nước quốc tế, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.

Phát ngôn nhân của Bộ ngoại giao Ấn độ cũng nêu rõ Ấn độ tin rằng bất kỳ khác biệt nào cũng cần được giải quyết hòa bình bằng việc tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao và không có chỗ cho việc sử dụng đe dọa hoặc dùng vũ lực.

Cho đến thời điểm này, đã có các nước Mỹ, Malaysia, Úc, Liên Minh Châu Âu (EU), Anh, Pháp, Đức và Ấn Độ đều đã bày tỏ quan điểm kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế và nhấn mạnh vai trò của UNCLOS.

RELATED ARTICLES

Tin mới