Bất chấp những chỉ trích, lên án từ các nước về việc quân sự hoá và gia tăng các hoạt động lấn lướt ở Biển Đông, ngay sau Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) và các diễn đàn an ninh khu vực (ARF, EAS), Bắc Kinh đã liên tục tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật trên biển. Mục đích của Trung Quốc trong các hành động này được cho là nhằm nâng cao năng lực phòng thủ nhằm đối phó với các nước có cùng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và với hoạt động tuần tra của Mỹ.
Thứ nhất, các cuộc tập trận nhằm đối phó với các nước có cùng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và các hoạt động tuần tra của Mỹ. Từ năm 2018, giới lãnh đạo Trung Quốc đã tuyên bố nước này sẽ tiến hành thường xuyên hơn các cuộc tập trận ở Cục Hải sự Trung Quốc hôm 12/8 thông báo, quân đội Trung Quốc tiếp tục tiến hành hoạt động “huấn luyện quân sự” kéo dài 3 ngày gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) trên Biển Đông từ sáng ngày 13/8 tới chiều ngày 15/8. Cuộc tập trận này là một phần quan trọng trong chiến lược của Trung Quốc nhằm đưa ra những tuyên bố chủ quyền vô lý và đơn phương trên phần lớn diện tích Biển Đông. Giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc muốn nâng cao năng lực phòng thủ xung quanh quần đảo Hoàng Sa nhằm đối phó với các nước có cùng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và với hoạt động tuần tra nhằm đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông của quân đội Mỹ. Trung Quốc xem việc Mỹ thường xuyên điều động tàu thuyền và máy bay hoạt động gần các thực thể mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông chính là thách thức trực tiếp tới những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển chiến lược. Các cuộc tập trận quân sự còn có thể là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm cải thiện năng lực của hệ thống tìm kiếm và cứu hộ gần quần đảo Hoàng Sa.
Thứ hai, thể hiện “thông điệp rõ ràng” cho thấy nếu cần thiết, Bắc Kinh sẵn sàng dùng vũ lực để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền đơn phương ở Biển Đông. Trước đó, hôm 7/8, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc tiến hành huấn luyện quân sự ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc tiến hành các cuộc huấn luyện quân sự ở Hoàng Sa của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. Ngày 07/8/2019, Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp và trao công hàm phản đối hành động vi phạm nêu trên của phía Trung Quốc”. Tuyên bố của bà Lê Thị Thu Hằng được đưa ra sau khi tờ Japan Times đưa tin theo hai thông báo trên trang web của Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc hôm 5/8, quân đội Trung Quốc tiến hành tập trận trái phép gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) trong hai ngày 6 – 7/8.
Cụ thể, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) ra thông báo về các cuộc tập trận ngày 6 và 7/8 với các tọa độ thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Thông báo cũng yêu cầu tàu thuyền không tiến vào vùng biển nêu trên trong thời gian diễn ra các cuộc tập trận. Điều đáng nói, thời gian Trung Quốc tổ chức tập trận lại diễn ra đúng lúc tàu sân bay USS Ronald Reagan của hải quân Mỹ có mặt và thực hiện tuần tra trên Biển Đông. Theo những hình ảnh được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố, tàu sân bay USS Ronald Reagan đã có mặt ở Biển Đông vào ngày 5/8. Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ hiện neo đậu tại thành phố cảng Yokosuka thuộc tỉnh Kanagawa của Nhật Bản.
Thứ ba, phía Trung Quốc liên tiếp cảnh báo Mỹ cần nói rõ địa điểm tiến hành huấn luyện bởi Bắc Kinh cũng đang triển khai đợt tập trận 2 ngày gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông, tuyến đường biển chiến lược mang lại giá trị thương mại lên tới 5 ngàn tỷ USD mỗi năm. Thậm chí, để hiện thực hóa những tuyên bố chủ quyền phi lý, Trung Quốc đã cho tăng cường cải tạo, xây dựng hàng loạt hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Bắc Kinh còn tiến hành quân sự hóa Biển Đông bằng cách triển khai vũ khí ra một số đảo nhân tạo. Đáp trả, Mỹ tuyên bố tiếp tục điều tàu thuyền tới Biển Đông để tiến hành hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên tuyến biển chiến lược bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc.