Friday, April 19, 2024
Trang chủĐàm luậnViệt Nam cần gắn kết vấn đề Biển Đông với các nước...

Việt Nam cần gắn kết vấn đề Biển Đông với các nước trong và ngoài khu vực

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung ngày 30-8 nhấn mạnh tầm quan trọng của mặt trận tuyên truyền về Biển Đông, trong đó có việc thúc đẩy nhận thức về lợi ích chung của việc duy trì hòa bình, ổn định tại vùng biển này.

Phát biểu tại Hội nghị báo cáo viên các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương ngày 30-8, Thứ trưởng Lê Hoài Trung điểm lại tình hình căng thẳng gần đây trên Biển Đông.

Ông Lê Hoài Trung nêu những thay đổi rõ rệt về Biển Đông và các vấn đề pháp lý, do đó nhấn mạnh sự cần thiết trong việc thấu hiểu và cân nhắc trong từng nước đi. Ở mặt này, lĩnh vực báo chí cũng đóng góp không nhỏ.

Những thay đổi hiện nay ở Biển Đông, theo ông Lê Hoài Trung, là việc Trung Quốc thay đổi hiện trạng. Bắc Kinh đã tăng cường khả năng kiểm soát, triển khai lắp đặt thiết bị dân sự, quân sự hoặc cả hai cũng như các phương tiện trên không, trên biển, dưới biển. Điều này giúp Trung Quốc cảnh báo và trinh sát được từ khoảng cách rất xa.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đẩy mạnh việc đưa lực lượng chấp pháp, tàu cá, dân quân… đi sâu vào vùng biển các nước, đồng thời tiến hành nhiều hơn các động thái cản trở khi tàu thuyền nước ngoài qua lại – đơn cử là Mỹ.

Thay đổi tiếp theo về mặt pháp lý là những tác động từ phán quyết của một tòa trọng tài thường trực ở The Hague (Hà Lan) năm 2016, xung quanh vụ Philippines kiện “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.

Việc nắm bắt tốt các thay đổi và hiện trạng sẽ là cơ sở để Việt Nam điều chỉnh chính sách cụ thể nhằm đảm bảo hai mục tiêu song song: bảo vệ chủ quyền biển đảo và tạo môi trường hòa bình để phát triển.

 

Đây là thách thức lớn, lộ ra khi Việt Nam chứng kiến Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa phía nam Việt Nam. Theo ông Lê Hoài Trung, Việt Nam đã rất nỗ lực trong công tác ngoại giao thời gian qua.

Việt Nam đến nay đã phản đối mạnh mẽ, yêu cầu Trung Quốc rút tàu, song cũng bình tĩnh và thận trọng trong các bước đi nhằm đảm bảo đường lối xử lý tranh chấp trong hòa bình và có tính xây dựng.

Một trong những nỗ lực quan trọng để đấu tranh ôn hòa, theo ông Lê Hoài Trung, là tranh thủ sự ủng hộ giữa các nước thông qua việc nêu bật lợi ích chung khi có một môi trường hòa bình ở Biển Đông.

“Gắn kết lợi ích các nước trong và ngoài khu vực đối với việc duy trì hòa bình, ổn định môi trường phát triển ở Biển Đông… đây là điều rất quan trọng. Dù đây là một thực tế, chúng ta cũng phải nêu rõ bằng việc phân tích lợi ích các bên, cho họ (các nước khác – PV) thấy được điều đó”, Thứ trưởng Lê Hoài Trung nói.

Tính tới nay, cơ bản dư luận quốc tế đều ủng hộ Việt Nam. Nhiều đối tác quốc tế lớn đã lên tiếng về tình hình bất ổn ở Biển Đông, yêu cầu các bên tôn trọng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Hôm 29-8, Ấn Độ gia nhập hàng ngũ các nước lên tiếng về Biển Đông ngay trước khi Anh, Pháp và Đức ra tuyên bố chung cũng nhắm vào việc tôn trọng UNCLOS.

RELATED ARTICLES

Tin mới