Tuesday, November 26, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiẤn Độ-Thái Bình Dương trở thành căn cứ mới để Mỹ đối...

Ấn Độ-Thái Bình Dương trở thành căn cứ mới để Mỹ đối phó TQ?

Sau khi can thiệp vào khu vực Trung Đông bằng các đòn cấm vận, chiến sự, và ủng hộ các phe phái cực đoan để tham gia nhiều cuộc chiến ủy thác… Ấn Độ – Thái Bình Dương giờ trở thành khu vực “ưu tiên” của Lầu Năm Góc.

Hồi đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã kêu gọi thiết lập thêm các căn cứu quân sự trong khu vực Thái Bình Dương trong một bài phát biểu tại Học viện Chiến tranh Hải quân, gọi khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương là “vũ đài ưu tiên của chúng ta”. Phát ngôn trên hé lộ một phần trong mục tiêu của Lầu Năm Góc nhằm kiềm chế và vây hãm tầm ảnh hưởng đang ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Ông Esper nói rằng Mỹ đã để ý một số địa điểm quan trọng trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, trong đó ông sẽ tìm cách đầu tư “thêm thời gian và các nguồn lực vào một số khu vực nhất định mà chúng ta chưa từng tới trong quá khứ”.

Dù chưa rõ những khu vực và địa điểm này, nhưng có một số khả năng là ông Esper ám chỉ tới Singapore, Philippines, Malaysia, Indonesia và thậm chí là các quốc đảo nhỏ hơn trên Thái Bình Dương vốn ít được nước Mỹ biết đến như Palau. Palau có thể trở thành một “ứng viên”, trong lúc giới truyền thông phương Tây đang tung hô quốc đảo này là “dám đương đầu với người khổng lồ (Trung Quốc)” khi duy trì quan hệ với Đài Loan.

Như chuyên gia phân tích Eric Sayers – thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới – chỉ ra, vấn đề với các quốc gia như Philippines chính là họ hạn chế quyền tiếp cận tới các cảng của mình do bản chất của cuộc tranh chấp. Nhưng với các quốc gia nhỏ hơn như Palau, có khả năng Mỹ sẽ tận dụng được một địa điểm để đối phó với Trung Quốc.

Không nghi ngờ gì khi Philippines là một nước quan trọng trong cuộc đấu này. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hiện đang có chuyến thăm Bắc Kinh để gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và dự kiến sẽ nêu các tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông như một trong các luận điểm chính.

Điều thú vị để xem trong những năm tới đây là, liệu các nước như Australia và New Zealand có phù hợp để gia nhập “vũ đài ưu tiên” của Mỹ hay không.

Một báo cáo gần đây cho rằng Mỹ đang đàm phán với chính phủ Australia nhằm đi đến một thảo thuận mà trong đó Canberra sẽ xử lý một lượng lớn đất hiếm mà phía Lầu Năm Góc yêu cầu. Và một lần nữa, thỏa thuận này nhằm vào Bắc Kinh – bên vẫn đang duy trì thế thống trị trong ngành công nghiệp đất hiếm.

Bàn về Australia, một hãng phân tích của nước này mới đây cảnh báo rằng quân đội Mỹ đang bị mất dần ưu thế trước Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và có rủi ro hứng chịu một thất bại trước Bắc Kinh trước khi có cơ hội phản ứng. Bản phân tích này nói rằng “các loại tên lửa tầm xa có độ chính xác cao ngày càng tăng về số lượng (của Trung Quốc) đang tạo nên mối đe dọa lớn với gần như tất cả các căn cứ đồng minh và đối tác, sân bay, cảng và căn cứ quân sự của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương”.

Nếu có ai đó vẫn còn băn khoăn về lý do vì sao khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương bỗng nhiên trở thành một “vũ đài ưu tiên” của Mỹ, thì bản phân tích trên đã lý giải phần nào. Đó là do Mỹ giờ đang có nguy cơ bị hất cẳng hoàn toàn ra khỏi khu vực.

Trong một bài viết có tiêu đề “Liệu Mỹ có còn là siêu cường quân sự duy nhất ở châu Á?” được BBC đăng tải, cây viết chuyên về quốc phòng và ngoại giao Jonathan Marcus đi đến kết luận rằng “Ưu thế của Mỹ trong khu vực Thái Bình Dương không còn nữa”. Cũng giống như câu hỏi mà các nhà bình luận đặt ra liên quan tới sự thống trị của Mỹ trong các vấn đề địa chính trị lớn, vấn đề ở đây xuất phát từ câu hỏi: “Liệu Mỹ có thể làm gì để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc?”.

Ngoài ra, Mỹ sẽ phải đối diện với một số thực tế không mấy dễ chịu ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Tháng trước, một vị Giáo sư người Australia chuyên về chiến lược thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng đã viết một bài phân tích cho hãng Guardian của Anh, trong đó thừa nhận rằng Australia sẽ phải chấp nhận một căn cứ quân sự của Trung Quốc trong khu vực ở một thời điểm nào đó. Không giống như chiến lược hiện tại của Washington – cố gắng (hoặc hy vọng) áp đảo Trung Quốc bằng ưu thế sức mạnh – Giáo sư hugh White tin rằng “cái giá mà chúng ta phải trả để cho Trung Quốc ra khỏi khu vực là không thể gánh vác nổi”.

Nhưng ngay cả bên đối thủ như Washington cũng vẫn muốn duy trì quan hệ với Bắc Kinh, có quá nhiều bằng chứng cho thấy mối quan hệ giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới quá chặt chẽ đến nỗi nếu tách ra có thể gây nên một thảm họa. Một bản báo cáo mới đây mà hãng phân tích China Matters công bố đã đưa ra kết luận rằng, nếu đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chỉ giảm vài %, Australia sẽ bị mất 140 tỷ USD và hơn nửa triệu công ăn việc làm.

Và có khả năng, nếu Bắc Kinh mở ra quá nhiều mặt trận trong cuộc xung đột này, khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương sẽ chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Như một phần trong Dự án Con đường Tơ lụa của mình, Bắc Kinh đã bắt đầu hướng tới các quốc gia ở vùng Balkan, điều càng khiến Washington khó chịu, và có thể khiến nước Mỹ ra quyết định nào đó hết sức khủng khiếp để đáp trả.

Mọi đế chế đến lúc nào đó sẽ sụp đổ. Đó là điều rõ thấy nếu nhìn vào lịch sử. Nhưng liệu các đế chế có tiếp tục sụp đổ trong tương lai hay không thì chúng vẫn đang tồn tại ở thời điểm này, và chúng ta chỉ có thể dự đoán dựa trên những kinh nghiệm sẵn có. Mỹ sở hữu vũ khí hạt nhân – rất nhiều – và đang tuyên truyền rằng họ sẵn sàng sử dụng tới chúng. Và họ có thể không chỉ sử dụng đòn tấn công hạt nhân để tự vệ trước một đòn tấn công hạt nhân khác; bởi vì nếu một đế chế đang sụp đổ, họ có thể muốn kéo theo cả phần còn lại của thế giới.

RELATED ARTICLES

Tin mới