Các chuyên gia cho rằng chính sách thân thiện với Trung Quốc của Tổng thống Philippines đang tạo ra những hệ lụy xấu cho tương lai khu vực.
Vài ngày trước chuyến thăm thứ 5 trong nhiệm kỳ tới Bắc Kinh, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tỏ ra hết sức bức xúc khi ngụ ý rằng một người nào đó trong chính phủ Trung Quốc ngăn cản không để ông đề cập tới phán quyết Biển Đông trong cuộc gặp Chủ tịch Tập Cận Bình.
“Họ nói vấn đề đó sẽ không được đề cập đến. Tôi nói không. Nếu tôi với tư cách là tổng thống của một quốc gia có chủ quyền không được phép lên tiếng về những gì tôi muốn nói, thì tốt nhất là đừng hội đàm gì nữa”, ông Duterte nói.
Nhiều người tỏ ra bất ngờ trước sự cứng rắn đột ngột của nhà lãnh đạo Philippines nếu nhìn lại phản ứng của ông sau vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines hay những lần xâm phạm tinh vi của tàu Trung Quốc vào lãnh hải quốc gia Đông Nam Á. Họ hy vọng đây có thể là cú chuyển mình trong chính sách thân Trung Quốc của ông Duterte, chấm dứt kỳ trăng mật kéo dài với Bắc Kinh kể từ khi ông lên nắm quyền và là cú vùng lên chống lại sự ngang ngược ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Nhưng những gì diễn ra ở Bắc Kinh như một gáo nước dội thẳng vào kịch bản này.
Nhà lãnh đạo Philippines đề cập tới phán quyết như ông công bố hay như Điện Malacañang gợi ý, nhắc lại trước chuyến đi. Ông khẳng định phán quyết Biển Đông là “cuối cùng, ràng buộc và không thể kháng cáo” khi gặp Chủ tịch Tập.
Nhưng vị Tổng thống 74 tuổi chỉ vẽ chứ không đổ màu cho bức tranh. Ông nêu ra phán quyết nhưng không chỉ trích việc Trung Quốc không công nhận phán quyết này suốt 3 năm qua. Người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines Salvador “Sal” Panelo thậm chí còn nói rằng nhà lãnh đạo của họ không bất ngờ khi Chủ tịch Tập nhắc lại lập trường của chính phủ Trung Quốc về việc không công nhận phán quyết.
Truyền thông, dư luận Philippines thất vọng, hàng loạt các nghị sỹ tỏ ra bất bình trước màn trình diễn của ông Duterte tại Bắc Kinh.
“Việc đề nghị Philippines chấp thuận không đề cập vấn đề này nữa chẳng khác nào một sự thừa nhận rằng Trung Quốc còn cao hơn cả luật pháp. Điều này là rất sai. Nó sẽ là một sự phản bội niềm tin mà chúng ta đã đặt vào chính quyền của mình”, Cựu bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert Del Rosario bình luận về chuyến thăm.
Ông Jay Batongbacal, giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và Luật biển thuộc Đại học Philippines khẳng định nước này phải tiếp tục nhắc lại phán quyết dù Bắc Kinh ngoan cố không thừa nhận.
“Chúng ta phải cẩn thận hành xử theo cách Philippines, không nên thừa nhận rằng Trung Quốc có bất cứ quyền gì trên Biển Đông bởi phán quyết tuyên bố rõ ràng là họ không có quyền”, ông này nói.
Tờ Inquirer của Philippines khẳng định những gì mà ông Duterte thể hiện chỉ cho thấy ông cũng như ông Tập đang coi thường phán quyết của Tòa Trọng tài để tiếp tục tình bạn suốt 3 năm qua của họ.
Bên cạnh phán quyết về Biển Đông, một nội dung khác cũng rất được quan tâm là việc Manila và Bắc Kinh nhất trí thành lập ủy ban về hợp tác thăm dò dầu khí chung trên Biển Đông bất chấp những cảnh báo trong lẫn ngoài nước.
Rất nhiều nghị sỹ Philippines tỏ ra bất bình về diễn biến này. Cựu Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Roilo Golez từng bày tỏ quan ngại khai thác chung với Trung Quốc sẽ đe dọa an ninh và lợi ích của nước này. Ông tin rằng chẳng có gì có thể đảm bảo Trung Quốc không gian lận trong hợp tác hay viện cỡ “bảo vệ dự án chung” để cử lực lượng tới sát Philippines.
“Đây sẽ là ác mộng an ninh quốc gia với cái giá phải trả đắt hơn nhiều so với doanh thu từ khai thác chung”, ông Golez cảnh báo.
Cựu tổng thống Benigno Aquino III cho rằng khu vực biển Tây Philippines (Biển Đông) nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila (EEZ) nên quốc gia này không có nghĩa vụ phải chia sẻ tài nguyên với Trung Quốc.
“Tỷ lệ thương lượng là 60-40 nghiêng về Philippines. Nhưng cuối cùng nó có thể đảo ngược. Trung Quốc sẽ cố đạt tới 60 hoặc 70”, ông cảnh báo, khẳng định không thể tin tưởng Bắc Kinh và nhấn mạnh đề xuất của Trung Quốc sẽ gây bất lợi cho quốc gia mình.
Phó Chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio nhắc lại các điều khoản trong Hiến pháp năm 1987 quy định cấm phát triển chung trong vùng EEZ. Chuyên gia hàng hải Jay Batongbacal cũng khẳng định phát triển chung trong một khu vực như vậy được coi là “không phù hợp” với phán quyết mà Tòa Trọng tài Thường trực đưa ra năm 2016.
Chuyến công du tới Trung Quốc của ông Duterte diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc leo thang các căng thẳng trong khu vực với hàng loạt các động thái như điều tàu xâm phạm vùng EEZ của Việt Nam hay để tàu xuất hiện trong lãnh hải Philippines.
Tuy nhiên, theo Rappler, không có báo cáo về bất cứ cuộc thảo luận thực tế nào giữa 2 lãnh đạo về các diễn biến mới trên Biển Đông dù trong năm nay tàu chiến Trung Quốc 12 lần tắt radar để tránh bị phát hiện khi đi qua lãnh hải Philippines.
Rappler cho rằng, điều này chỉ cho thấy rằng ông Duterte đang ngày càng tỏ rõ thái độ thân thiện với Trung Quốc của mình. Nhưng tờ báo Philippines khẳng định cái cách mà ông xích lại gần đất nước tỷ dân không làm được gì lớn cho đất nước hay người dân của mình. Nếu có chăng là những cam kết bơm tiền cho hàng loạt dự án hạ tầng tới bây giờ vẫn đang chưa được thực hiện của Trung Quốc. Những lợi ích đó không thấm vào đâu so với niềm tin đang dần mất đi của ngư dân và những người lính canh gác bờ biển Philippines.
Sự nhún nhường của ông Duterte cũng đang tạo điều kiện để Trung Quốc ngang nhiên giẫm đạp lên luật pháp quốc tế, hiện thực hóa dã tâm thôn tính Biển Đông thông qua các hành động gây hấn với các nước láng giềng của Philippines như Việt Nam, Indonesia và Malaysia hay đâm chìm tàu cá của chính nước này.
Rappler dẫn lại một phần trong tuyên bố chung được Việt Nam và Malaysia đưa ra nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Mahathir Mohamad bày tỏ quan ngại về Biển Đông. Các nước ngoài khu vực như Mỹ, Đức, Pháp, Anh đồng loạt cảnh báo về các căng thẳng mới trong khu vực xuất phát từ các hành vi hung hăng của Trung Quốc. Nhật Bản và Ấn Độ cũng đưa ra những tuyên bố tương tự. Nhưng ông Duterte lại gần như chưa có bất cứ tuyên bố gay gắt nào với Trung Quốc bất chấp hàng loạt hành vi gây hấn của Trung Quốc với Manila,
Điều người dân Philippines muốn hiện nay là ông Duterte phải đứng lên bày tỏ tiếng nói của người dân, sự bất bình trước hàng loạt động thái ngang ngược của Trung Quốc chứ không phải chỉ là một chuyến thăm hình thức, lời đề cập hời hợt về phán quyết Biển Đông, tờ báo Philippines kết luận.