Friday, October 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ lại khiêu khích luật pháp quốc tế, chuẩn bị tập trận...

TQ lại khiêu khích luật pháp quốc tế, chuẩn bị tập trận trái phép ở Biển Đông

Trong bối cảnh Trung Quốc lại đưa tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam, Cục Hải sự Trung Quốc (12/8) ra thông báo việc quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành hoạt động “huấn luyện quân sự” trái phép tại khu vực phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Cục Hải sự Trung Quốc (12/8) ra thông báo việc Hải quân Trung Quốc sẽ tiến hành hoạt động “huấn luyện quân sự” trái phép tại khu vực phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Cụ thể thời gian bắt đầu từ 0 giờ ngày 18/8 đến 24 giờ ngày 20/8, theo giờ Bắc Kinh.Cơ quan này cảnh báo tàu bè trong thời gian diễn ra huấn luyện quân sự như thế không được đi vào khu vực diễn tập. Trước đó, từ 12-14/8, Trung Quốc “diễn tập bắn đạn thật” theo khung giờ nhất định tại khu vực gần bờ phía Đông đảo Hải Nam; trong hai ngày 6 – 7/8, Trung Quốc cũng tiến hành hoạt động tương tự tại khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Tin Trung Quốc tiếp tục các hoạt động quân sự tại Biển Đông được đưa ra vào khi Bắc Kinh cho tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 vào khu vực Bãi Tư Chính nằm trong Vùng đặc quyền Kinh tế và Thềm lục địa của Việt Nam. Giới chuyên gia nhận định, hành động phi pháp trên của Trung Quốc là nhằm gửi “thông điệp” đến cộng động quốc tế. Theo đó:

Thứ nhất, khẳng định quần đảo Hoàng Sa là “của Trung Quốc” và không tồn tại tranh chấp “chủ quyền” trong khu vực này. Tuy nhiên, trên thực tế, đây hoàn toàn là hành động phi pháp, đơn phương của Trung Quốc và Việt Nam đã ngay lập tức ra tuyên bố phán đối hành động trên. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần ra tuyên bố khẳng định tất cả hành động của Trung Quốc ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đều là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo Cấp cao hai nước, vi phạm luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Việt Nam phản đối mạnh mẽ và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hành xử có trách nhiệm, chấm dứt ngay và không có những hành động đe dọa đến an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông hay làm gia tăng căng thẳng tại khu vực này.

Thứ hai, răn đe một số nước lớn, đặc biệt là Mỹ và Nhật Bản không được can thiệp vào vấn đề Biển Đông. Việc Trung Quốc huy động một số lượng lớn các tàu chiến hiện đại tập trận trong vùng biển rộng nhằm thể hiện sức mạnh và năng lực hải quân trước các cường quốc trên thế giới. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng muốn gửi thông điệp tới cộng đồng quốc tế rằng “Trung Quốc có đủ sức mạnh để bảo vệ chủ quyền ở khu vực này, Mỹ và các nước hãy rè chừng khi muốn can thiệp vào tranh chấp ở Biển Đông”.

Thứ ba, ngầm cảnh cáo một số nước có tồn tại tranh chấp “chủ quyền” ở Biển Đông với Trung Quốc, hãy “cân nhắc” lại năng lực quốc phòng trước khi tìm kiếm các giải pháp giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Thứ tư, tuyên truyền về năng lực hải quân, tìm cách đẩy mạnh tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của người dân trong nước nhằm định hướng dư luận, tránh để người dân cảm thấy thất vọng về chính sách, biện pháp bảo vệ “chủ quyền” mà Trung Quốc vẫn tuyên truyền bấy lâu nay.

Trên thực tế, hành động của Trung Quốc đang đi ngược lại luật pháp quốc tế và các cam kết của Bắc Kinh.Quần đảo Hoàng Sa trên thực tế là một bộ phận không thể tách rời của Việt Nam đã được luật pháp và đông đảo cộng đồng quốc tế công nhận. Việc Trung Quốc đơn phương sử dụng vũ lực xâm chiếm các đảo, đá thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là vi phạm UCNLOS. Vì vậy, các hoạt động của Trung Quốc tại khu vực này mà chưa được phía Việt Nam cho phép đều là vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, những hành động này đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia của Việt Nam cũng như hòa bình, ổn định của khu vực.

Hành động của Trung Quốc cũng đi ngược lại Khoản 4 DOC, theo đó, “các bên cam kết kiềm chế không tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp thêm hoặc gia tăng tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định của khu vực”. Những hoạt động trên của Trung Quốc làm phức tạp thêm các tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, gây ảnh hưởng đến hoạt động tự do hàng hải trong khu vực.

Ngoài ra, việc Trung Quốc tập trận phi pháp ở Hoàng Sa cũng đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo Cấp cao Việt Nam – Trung Quốc ký kết vào ngày 11/10/2011 giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Hồ Cẩm Đào. Theo đó, Trung Quốc đã vi phạm Khoản 1 của nhận thức chung quy định: Lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng, xuất phát từ tầm cao chiến lược và toàn cục, dưới sự chỉ đạo của phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, làm cho Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đóng góp vào việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới