Nhà phân tích Marc A. Thiessen của The Washington Post hôm 15/8 đã đưa ra một bài bình luận trên tờ báo này hôm 15/8, nhận định rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump có lợi thế trong việc gây sức ép khiến chính quyền Trung Quốc không thể tùy tiện dùng vũ lực đàn áp phong trào dân chủ ở Hồng Kông.
Tổng thống Donald Trump đã khuyến cáo Trung Quốc nên có giải pháp xử trí “nhân đạo” đối với những người biểu tình Hồng Kông nếu muốn đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Trump ám chỉ việc Bắc Kinh sẽ phải trả giá nếu tái diễn thảm sát Thiên An Môn tại Hồng Kông.
Ông Thiessen nhận định, ngày nay, chính quyền Trung Quốc không thể thực hiện một cuộc đàn áp đẫm máu như sự kiện Thiên An Môn tại Hồng Kông.
Ông cho rằng tình thế mà Trung Quốc phải đối mặt ở Hồng Kông hiện rất khác so với ở Quảng trường Thiên An Môn cách đây 3 thập kỷ. Tại Thiên An Môn, người biểu tình đã tập trung tại một quảng trường công cộng rộng lớn, bị động ngồi đó như những mục tiêu dễ dàng bị đốn hạ.
Tại Hồng Kông, các chiến thuật biểu tình đặc thù đã được áp dụng để tránh một thảm họa Thiên An Môn khác. Người biểu tình “như nước” tràn qua một thành phố lớn và đông đúc. Những cuộc biểu tình được tổ chức nhanh chóng, thông qua phương tiện truyền thông xã hội và diễn ra đồng thời ở nhiều địa điểm. Nếu Trung Quốc đàn áp ở địa điểm này, người biểu tình có thể giải tán và tái hợp ở địa điểm khác.
Hơn nữa, phong trào biểu tình Hồng Kông không có lãnh đạo tối cao, điều đó có nghĩa là không tồn tại nhân vật nòng cốt có nguy cơ bị vây bắt và gây uy hiếp phá vỡ phong trào. Nếu Trung Quốc bắt giữ các lãnh đạo phong trào hiện tại, thì sẽ có những người khác đứng lên thay thế vị trí của họ.
Trung Quốc nói ‘đừng đùa với lửa’, người Hồng Kông rủ nhau ‘hãy như nước’
Ở Hồng Kông, địa hình toàn thành phố rất có lợi cho người biểu tình. Quân đội nếu được điều động sẽ phải đối mặt với sự kháng cự quyết liệt nhất. Trung Quốc muốn phá vỡ sự ủng hộ của người dân đối với phong trào biểu tình, thế nhưng các nỗ lực đàn áp sẽ gây tác dụng ngược.
Người biểu tình kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump giải phóng Hồng Kông, trong một cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ sang Trung Quốc, ngày 26/6/2019 (ảnh: Reuters).
So với 30 năm trước đây, công nghệ hiện đại chính là lợi thế duy nhất mà Trung Quốc nắm giữ. Tại đại lục, chế độ của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang xây dựng một nhà nước giám sát với máy ảnh và công nghệ nhận dạng khuôn mặt để theo dõi người dân.
Vẫn chưa có báo cáo về mức độ giám sát của Bắc Kinh tại Hồng Kông, nhưng người biểu tình hiện vẫn có thể tận dụng công nghệ để tạo lợi thế cho họ, truyền tải thông tin qua các ứng dụng nhắn tin được mã hóa và phương tiện truyền thông xã hội.
Theo ông Thiessen, việc chặn đứng các phương tiện liên lạc tại Hồng Kông tương đương với việc làm tê liệt ngành tài chính nơi đây, vốn phụ thuộc vào luồng thông tin tự do.
Trung Quốc và truyền thông nói láo: Người Hồng Kông biểu tình chống Mỹ?
Ông Thiessen cho rằng Tổng thống Trump nên cảnh báo ông Tập rằng nếu ông ta phát động một cuộc đàn áp ở Hồng Kông, thì Mỹ sẽ bãi bỏ Đạo luật Chính sách Hoa Kỳ – Hồng Kông, trong đó Mỹ công nhận quyền bán tự trị của Hồng Kông và dành rất nhiều đối xử đặc biệt cho thành phố này.
Đạo luật dựa trên ý tưởng rằng Hồng Kông là một thực thể chính quyền độc lập, nhưng nếu Bắc Kinh tiến vào chiếm đóng thành phố, chấm dứt quyền tự trị của đặc khu này theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, thì lý do đối xử đặc biệt với Hồng Kông sẽ không còn. Điều đáng chú ý là gần 1.400 doanh nghiệp Mỹ hiện đang hoạt động tại Hồng Kông.
Nếu Trung Quốc không muốn họ, ông Trump có thể đáp trả rằng nước Mỹ rất vui mừng đón nhận hết thảy nguồn năng lượng và sáng tạo của giới doanh nhân Hồng Kông.
Ông Thiessen cho rằng Tổng thống Trump cũng nên nói rõ rằng chi phí can thiệp quân sự sẽ như muối bỏ bể, khiến chảy máu chất xám và kết thúc vị thế tài chính – thương mại huy hoàng của Hồng Kông, đồng thời cũng sẽ dập tắt mọi hy vọng đàm phán thương mại với Mỹ.
Trung Quốc sẽ phải đương đầu với chính sách thuế quan nặng nề và lệnh trừng phạt quốc tế, sẽ khiến nền kinh tế nước này đi vào ngõ cụt, dẫn đến tình trạng bất ổn và làn sóng phản kháng sẽ nổ ra tại đại lục. Cái giá quá đắt cho một chiến dịch quân sự, dù thành hay bại.
Kết thúc bài phân tích, ông Thiessen khẳng định: “Tổng thống Trump hoàn toàn ‘trên cơ’ Trung Quốc trong vấn đề xung đột tại Hồng Kông. Ông Trump nên sử dụng ảnh hưởng của mình để cứu Hồng Kông”.
Ông Thiessen là tác giả của một số bài phân tích khác về vai trò của ông Trump ở Nhà Trắng, trong đó có bài bình luận rằng ông Trump có thể là “tổng thống trung thực nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại” và 10 điều tốt nhất mà ông Trump đã đạt được trong năm 2018.