Tuesday, November 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ đang tìm mọi cách giải quyết “ổn thỏa” căng thẳng ở...

TQ đang tìm mọi cách giải quyết “ổn thỏa” căng thẳng ở Hồng Công trước đại lễ 70 năm Quốc khánh

Trong bối cảnh ngày lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc (1/10/1949 -1/10/2019) đang cận kề và tình hình căng thẳng ở Hồng Công chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Bắc Kinh được cho là đang sử dụng mọi cách để giải quyết “ổn thỏa” căng thẳng ở Hồng Công.

Người biểu tình Hồng Công phản ứng khi bị cảnh sát xịt hơi cay hôm 25/8

Trong lần tập trung biểu tình mới đây nhất (25/8), hàng ngàn người biểu tình bất chấp mưa lớn, cầm dù tập trung tại một sân vận động rồi tuần hành đến khu đô thị mới Thuyền Loan. Phần lớn người biểu tình tuần hành trong ôn hòa, tuy nhiên một số người có hành vi quá khích như đập phá vỉa hè, ném bom xăng. Cảnh sát buộc phải điều động xe tải vòi rồng và dùng hơi cay để giải tán đám đông quá khích, nhưng chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Trước đó, cảnh sát thông báo đã bắt giữ 29 người sau khi xảy ra đụng độ vào ngày 24/8. Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 700 người bị bắt kể từ khi những cuộc biểu tình phản đối chính quyền đặc khu bùng nổ hồi tháng 6 và kéo dài đến nay.

Từ mục tiêu ban đầu là phản đối dự luật dẫn độ gây tranh cãi, những người biểu tình sau đó muốn Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga từ chức, yêu cầu giới chức dừng mô tả các cuộc biểu tình là “bạo động”, miễn khởi tố những người bị bắt, điều tra độc lập về cáo buộc cảnh sát “dùng vũ lực quá mức” và cải cách chính trị. Nhiều người Hồng Công cho rằng Bắc Kinh đang làm xói mòn quyền tự trị của đặc khu này và các quyền của họ.

Tuyên truyền ngoại giao

Trong cuộc họp với các doanh nhân Hồng Công, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (27/8) cho rằng Hồng Công đang đối mặt trước thách thức nghiêm trọng nhất kể từ năm 1997 và chính quyền đặc khu có khả năng giải quyết các vấn đề với sự tăng cường hỗ trợ từ Đại lục. Theo ông Vương Nghị, cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò “tích cực” trong việc giúp giới trẻ tham gia vào công cuộc phát triển kinh tế ở Hồng Công.

Trong khi đó, nhằm thay đổi thái độ quốc tế và cách tường thuật về các cuộc biểu tình kéo dài hơn 10 tuần qua ở Hồng Công, Trung Quốc gửi hồ sơ dài 43 trang cho hàng loạt hãng tin quốc tế nhằm biện minh và giải thích về các cuộc biểu tình ở đặc khu hành chính Hồng Công.Trong tài liệu, Bộ Ngoại giao Trung Quốc mô tả làn sóng biểu tình ở Hồng Công là “các hoạt động bạo lực nhằm phá hoại thượng tôn pháp luật” và gây “tình trạng hỗn loạn ở Hồng Công”.Hồ sơ này còn trích dẫn các bài báo, chủ yếu từ truyền thông nhà nước Trung Quốc, theo đó nêu chi tiết về mối liên hệ giữa “các lực lượng bên ngoài” và người biểu tình.Theo Hãng tin Bloomberg, ngôn từ được sử dụng trong lá thư tương tự nỗ lực của truyền thông Trung Quốc thời gian qua để nhấn mạnh tình hình hỗn loạn ở Hồng Công, đổ lỗi cho Mỹ về việc kích động bạo lực, trong bối cảnh xảy ra các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình.Lá thư của Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn kể lại chi tiết những cuộc gặp giữa các nhà hoạt động trên khắp thế giới liên quan đến vấn đề Hồng Công, trong đó có Diễn đàn tự do Oslo ở Na Uy.Tài liệu còn dẫn lại báo cáo truyền thông về cuộc gặp giữa các nhân viên lãnh sự Mỹ ở Hồng Công và các nhà hoạt động dân chủ ở đặc khu này, cũng như mối liên hệ giữa tổ chức Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ (NED) với các nhà hoạt động Hồng Công.

Cảnh cáo, răn đe sẵn sàng sử dụng vũ lực trấn áp

Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (25/8) cảnh báo chính quyền đặc khu có thể dùng vũ lực nếu bạo động tiếp tục bùng phát. Dù vậy, đến ngày 27/8, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên bố chính quyền đặc khu vẫn tự tin có thể tự giải quyết bất ổn và bà sẽ không từ bỏ việc xây dựng nền tảng cho đối thoại với người biểu tình. Bên cạnh đó, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga nhấn mạnh hiện nay không phải là lúc để tiến hành cuộc điều tra độc lập về cuộc khủng hoảng hiện nay.

Trước đó, trong cuộc họp báo về Hồng Công tại London, Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh (15/8) cho biết “tình hình ở Hồng Công rất nghiêm trọng nhưng Trung Quốc hoàn toàn tín nhiệm và tin tưởng vào Chính quyền Đặc khu và Trưởng Đặc khu trong việc xử lý tình hình một cách hòa bình, khôi phục trật tự ở Hồng Công. Nếu tình hình Hồng Công diễn biến ngày càng xấu, xuất hiện sự xáo trộn ngoài tầm kiểm soát của Chính quyền Đặc khu, Chính phủ Trung ương Trung Quốc sẽ không bao giờ ngồi yên. Chính phủ Trung Quốc có đủ các giải pháp và sức mạnh để nhanh chóng dập tắt sự hỗn loạn”. Đáng chú ý, khi phóng viên đài ITV (Anh) yêu cầu ông Lưu Hiểu Minh làm rõ ý nghĩa của tuyên bố “Bắc Kinh đã sẵn sàng cho tình huống xấu nhất” cũng như giải thích về những đồn đoán Trung Quốc có khả năng can thiệp quân sự khi quân đội và cảnh sát vũ trang đang tập kết ở Thâm Quyến. Đại sứ Trung Quốc tại Anh xác nhận rằng, Bắc Kinh cần thiết phải thực hiện các biện pháp một cách quyết đoán. Ông này một lần nữa nhắc lại quan điểm: “Nếu tình hình xấu đi hơn nữa và trở nên bất ổn, không thể kiểm soát, chính phủ trung ương Trung Quốc sẽ không ngồi yên. Chính phủ Trung Quốc có đủ các giải pháp và sức mạnh để nhanh chóng dập tắt sự hỗn loạn”; đồng thời cho biết “việc người biểu tình quá khích tấn công cảnh sát, phá hoại các cơ sở hạ tầng, thậm chí tấn công nhà báo đều là những dấu hiệu của chủ nghĩa khủng bố và Trung Quốc có quyền trấn áp các hoạt động này”.

Trong một động thái đáng chú ý, quân đội Trung Quốc hôm nay (29/8) đã tiến hành cuộc luân chuyển quân mới nhất ở đơn vị đồn trú tại Hồng Công.Theo Tân Hoa xã, việc luân chuyển quân diễn ra lúc 4h sáng 29/8.Đơn vị đồn trú ở Hồng Công thuộc Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc đều xoay vòng quân hàng năm, song trước đây, việc này chỉ được thông báo khi mọi việc hoàn tất.Đây là lần luân chuyển quân thứ 22 kể từ khi quân đội Trung Quốc đặt đơn vị đồn trú tại Hồng Công vào năm 1997. Tân Hoa xã đã công bố một loạt ảnh cho thấy các binh sĩ trên xe quân sự vào Hồng Công qua cửa khẩu cảng Huanggang. Trong khi đó, lực lượng lính thủy đánh bộ của hải quân Trung Quốc đã tới căn cứ hải quân đảo Stonecutters từ trước mặt trời mọc.Tuy nhiên, theo giới phân tích, dù đây là hoạt động thường niên, song thời điểm diễn ra sẽ tác động tới tâm lý của người dân ở đặc khu hành chính này. Ngoài ra, các nhà quan sát ước tính, số lượng binh sĩ Trung Quốc tại Hồng Công là từ 8.000 tới 10.000 người, chia ra các căn cứ ở phía nam và một mạng lưới các doanh trại cũ của Anh rải khắp Hồng Công.

Trước đó, nhằm tập huấn cho trường hợp xấu nhất xảy ra, Bắc Kinh đã huy động lực lượng Cảnh sát vũ trang tiến hành diễn tập chống bạo động ở thành phố Thẩm Quyến. Các ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy, dường như hơn 500 chiếc xe quân sự Trung Quốc đậu ở trong và xung quanh một sân vận động tại thành phố Thâm Quyến, sát ranh giới với Hồng Công. Có nhiều nhà quan sát cho rằng đó là phản ứng của Trung Quốc trước tình hình bạo động kéo dài hơn hai tháng với các cuộc biểu tình diễn ra hàng ngày ở Hong Kong. Các chuyến bay tại sân bay Hong Kong, một trong những sân bay nhộn nhịp nhất thế giới, đã không thể cất cánh như lịch trình trong hai ngày đầu tuần này do biểu tình và bạo lực bên trong nhà ga. Trong khi đó, giới truyền thông Trung Quốc phủ nhận thông tin trên và cho biết, các cuộc diễn tập đã được lên kế hoạch từ trước và không liên quan trực tiếp tới bạo động ở Hong Kong dù nó diễn ra ngay sau khi chính phủ trung ương Trung Quốc tuyên bố, các cuộc biểu tình bắt đầu cho thấy mầm mống khủng bố.

RELATED ARTICLES

Tin mới