Tên lửa NSM đã biến LCS từ một con tàu có hỏa lực yếu kém trở thành mối đe dọa đáng kể đối với các chiến hạm Trung Quốc ở khoảng cách xa.
Tên lửa diệt hạm NSM. Ảnh: Asia Times
“Tên lửa NSM có thể bay hơn 100 hải lý, phát hiện thụ động mục tiêu thông qua hình ảnh được lưu trữ trong ‘bộ não’ máy tính và có thể tiêu diệt nó với độ chính xác cao tới mức người điều khiển có thể ra lệnh cho tên lửa tấn công vào một vị trí cụ thể trên tàu mục tiêu, chẳng hạn như phòng động cơ hoặc đài chỉ huy”.
Và điều đặc biệt là ngay lúc này, con tàu chở theo các tên lửa NSM “đang trên đường đến sân sau của Trung Quốc”, tờ Asia Times viết.
“Sát thủ” diệt hạm và “mắt thần” trinh sát
Tàu tác chiến cận bờ Gabrielle Giffords của Hải quân Mỹ được triển khai gần đây từ San Diego, California đã mang teo tên lửa NSM (Naval Strike Missile) mới. Theo Defense News, điều này đã biến LCS từ một con tàu có hỏa lực yếu kém trở thành mối đe dọa đáng kể đối với các chiến hạm Trung Quốc ở khoảng cách xa.
Giffords là chiếc LCS thứ hai được Mỹ triển khai trong năm nay. Trước đó, tàu LCS Montgomery đã được triển khai từ San Diego trong tháng 6.
Người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương – Đại tá John Gay đã xác nhận đợt triển khai của tàu Giffords và cho biết con tàu đã lên đường hôm 3/9, nó được trang bị tên lửa NSM và máy bay không người lái MQ-8C Fire Scout với khả năng triển khai tên lửa.
Trực thăng trinh sát ngoài đường chân trời Fire Scout đã đạt được khả năng hoạt động ban đầu (IOC) hồi tháng 6 năm nay.
Một đại diện phát ngôn giấu tên của Hải quân Mỹ cho biết tàu Giffords được triển khai tới khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Khi được trang bị tên lửa cận âm NSM (do Raytheon/Kongsberg chế tạo) và UAV trinh sát Fire Scout (sản phẩm của Northrop Grumman), LCS có thể tấn công mục tiêu cách xa 100 hải lý, tức là xa hơn 30 hải lý so với tầm bắn được công khai của loại tên lửa chống tàu phổ biến hiện nay – Harpoon.
Theo trang mạng TheDrive.com, tên lửa NSM được điều hướng đến khu vực mục tiêu nhờ kết hợp hệ thống GPS, hệ thống điều hướng quán tính (INS) và nhận dạng địa hình. Nó có thể bay phía trên hoặc bay quanh các đảo, các khu đất. Hệ thống INS giữ vai trò phương án dự phòng hiệu quả trong trường hợp đối thủ làm gián đoạn kết nối GPS.
Trong giai đoạn cuối của hành trình bay, tên lửa sẽ khởi động đầu dò hồng ngoại để xác định mục tiêu. Nhờ dữ liệu sẵn có về các loại tàu, tên lửa NSM có thể phân biệt được mục tiêu với các vật thể khác, giúp nó đạt độ chính xác cao và giảm nguy cơ bị tác động bởi các phương thức ngăn chặn và tấn công điện tử.
Hệ thống dẫn đường của tên lửa cũng mang lại cho nó khả năng tấn công mặt đất thứ cấp. Mặc dù vậy, tầm bắn của NSM vẫn khó có thể so sánh được với các loại tên lửa hành trình tấn công mặt đất tầm xa, chẳng hạn như Tomahawk.
NSM có thể tạo ra những di chuyển ngẫu nhiên trong giai đoạn cuối của hành trình bay để tránh hệ thống phòng thủ tầm gấn của đối phương. Bên cạnh đó, khả năng “tàng hình” của nó khiến đối phương khó có thể phát hiện ra sớm.
Đó là những tính năng ưu việt của tên lửa NSM. Còn với trực thăng trinh sát Fire Scout thì theo trang mạng Naval Technology, nó là một thiết kế được dựa trên mẫu trực thăng thương mại đa năng có người lái hạng nhẹ Schweitzer 330.
Máy bay có thời gian hoạt động hơn 6 giờ, bán kính tác chiến 110 hải lý. Fire Scout có khả năng cất cánh tự động từ mặt đất và hạ cánh xuống bất cứ tàu chiến nào có sàn đáp, hoặc những khu vực hạ cánh tạm ở gần với khu vực chiến trường.
Nó có thể thực hiện nhiệm vụ trinh sát, tìm kiếm các mục tiêu chiến thuật, theo dõi, xác định mục tiêu và cung cấp dữ liệu chính xác cho các phương tiện tấn công khác, như máy bay chiến đấu, trực thăng, tàu chiến. Fire Scout còn có khả năng mang vũ khí.
Mỹ tăng cường năng lực đối phó Trung Quốc
Theo Defense News, đợt triển khai của tàu Giffords là dấu hiệu mới nhất cho thấy Hải quân Mỹ đang dần tăng cường các hoạt động của mình ở Thái Bình Dương sau khi căng thẳng tại khu vực này (do các tuyên bố hàng hải của Trung Quốc) đã gia tăng trong thập kỷ qua.
Dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, Hải quân Mỹ đã đẩy mạnh các chuyến tuần tra tự do hàng hải sau những tuyên bố phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông. Trong các đợt tuần tra này, các tàu chiến của Hải quân Mỹ đã đi vào vùng 12 hải lý mà Trung Quốc đơn phương áp đặt tại đây.
Hải quân Mỹ đã tăng cường cải tiến tầm bắn của các hệ thống vũ khí, từ tên lửa và cảm biến cho tới không đoàn máy bay, như triển khai phi cơ không người lái tiếp dầu trên không MQ-25 Stingray và trang bị các thùng nhiên liệu đa giác cho F/A-18 Super Hornet, giúp tiêm kích hạm chủ lực của Hải quân Mỹ tăng tốc độ và tầm hoạt động.
Tuy nhiên, đây cũng là một dấu hiệu cho thấy, mặc dù những tiếng nói bên trong Lầu Năm Góc đang kêu gọi “tăng tốc” để có được những năng lực mới nhưng tiến trình của Hải quân Mỹ vẫn diễn ra khá chậm chạp.
“Thật tuyệt khi Hải quân Mỹ đang tiến hành những đổi mới đó nhưng quá trình này diễn ra rất từ từ”, Bryan Clark – một sĩ quan hải quân về hưu, đồng thời là chuyên gia phân tích tại Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Ngân sách, nhận định.
“Đã một thập kỷ trôi qua kể từ khi Hải quân Mỹ tuyên bố: Chúng ta cần xúc tiến một chương trình máy bay không người lái, và chúng ta cần trang bị những loại tên lửa chống tàu tốt hơn cho các chiến hạm” – ông Clark nói.
“Đã 10 năm, và chiếc MQ-25 vẫn đang trong quá trình chuẩn bị triển khai, sẽ phải mất thêm vài năm nữa. Nhưng chúng ta cuối cùng đã triển khai được một loại tên lửa hành trình chống tàu ưu việt hơn”, ông Clark nói.
“Thật đáng khen khi Hải quân Mỹ đã làm được điều đó, nhưng nó cũng đại diện cho vấn đề mà Bộ Quốc phòng Mỹ gặp phải khi chuyển hướng sang những cách thức chiến đấu mới. Họ vẫn chưa thể bứt ra được để triển khai khả năng mới trong thời gian dưới 10 năm” – Vị chuyên gia nhận định.
Sắp tới, Hải quân Mỹ dự kiến sẽ tiếp nhận 35 tàu LCS, chúng sẽ chiếm một phần lớn trong hạm đội tàu mặt nước của Hải quân Mỹ.