Động thái diễn tập với cả Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông giúp ASEAN tạo thế cân bằng quan hệ quân sự với hai cường quốc cũng như tăng cường năng lực hoạt động trên vùng biển chiến lược.
Cuộc Diễn tập Hàng hải ASEAN – Mỹ (AUMX) được tiến hành từ căn cứ hải quân Sattahip ở Thái Lan. (Ảnh: Kyodo)
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), giới chuyên gia nhận định Diễn tập Hàng hải ASEAN – Mỹ (AUMX) là nỗ lực mới nhất của các nước Đông Nam Á trong việc tái cân bằng quan hệ quân sự với Bắc Kinh và Washington, cũng như tránh được việc phải lựa chọn nghiêng hẳn về bên nào.
Cuộc diễn tập AUMX dưới sự chỉ huy của Mỹ và Thái Lan kéo dài 5 ngày bắt đầu từ ngày 2 – 6/9 với sự tham gia của 8 tàu chiến, 4 máy bay và hơn 1.000 quân nhân. Ngoài Mỹ và Thái Lan, AUMX có sự tham gia của các nước thành viên ASEAN là Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore và Việt Nam.
Bên cạnh đó, AUMX được xem là cơ hội để 10 nước thành viên ASEAN thể hiện năng lực quốc phòng quốc gia trên Biển Đông, giữa lúc Mỹ và Trung Quốc tăng cường cạnh tranh tầm ảnh hưởng tại khu vực.
Trước đó, vào tháng 10/2018, ASEAN cũng đã tổ chức một đợt diễn tập tương tự trên Biển Đông với Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên ASEAN – Trung Quốc diễn tập ở Biển Đông với sự tham gia của hơn 1.200 binh sĩ đến từ Trung Quốc.
Song giới chuyên gia cho rằng, hai cuộc diễn tập hàng hải của ASEAN với Trung Quốc và Mỹ khác nhau về bản chất cũng như áp dụng thực tiễn.
Cụ thể, theo ông Rajeev Ranjan Chaturvedy, nhà phân tích tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, mục tiêu chính của cả hai cuộc diễn tập mà ASEAN tiến hành với Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông là tăng cường sự hiểu biết giữa các bên và hình thành những kỹ năng cần thiết để cùng đối phó với thách thức an ninh hàng hải.
“Tuy nhiên, diễn tập hàng hải ASEAN – Trung Quốc lại hạn chế về quy mô khi chỉ liên quan đến công tác tìm kiếm, cứu nạn và các hoạt động sẵn sàng ứng phó thảm họa. Trong khi đó, diễn tập ASEAN – Mỹ chú trọng tăng cường khả năng nắm bắt tình huống và phối hợp tác chiến”, ông Chaturvedy nhấn mạnh.
Việc tăng cường năng lực phối hợp tác chiến với Mỹ sẽ cho phép các nước Đông Nam Á củng cố khả năng hoạt động trên Biển Đông. Nói cách khác, cuộc diễn tập này giúp các lực lượng khác nhau phối hợp cùng hoạt động ở Biển Đông.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Dù không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Nhật Bản và Mỹ nhiều lần lên tiếng khẳng định duy trì “ khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở cửa và tự do”. Mỹ còn thường xuyên điều động tàu thuyền tới Biển Đông để tiến hành tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên tuyến đường biển chiến lược.
Ông Sean King, Phó Chủ tịch hãng tư vấn chiến lược chính trị Park Stratergies cho hay trong cuộc diễn tập AUMX, hai quốc gia thành viên ASEAN là Philippines và Thái Lan được đánh giá là thành viên then chốt của Mỹ. Trong khi đó, khi diễn tập với ASEAN hồi tháng 10/2018, Trung Quốc không có bất cứ đồng minh nào trong khối. Do đó, mức độ của các thỏa thuận hoạt động và trao đổi thông tin quốc phòng giữa hai cuộc diễn tập của ASEAN sẽ khác nhau rất nhiều.
Trên thực tế, khác với Trung Quốc, Mỹ có rất nhiều nước đồng minh ở Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và Australia.
“Điểm khác biệt quan trọng chính là trong khi Trung Quốc trái phép tiến hành quân sự hóa ở Biển Đông , các nước thành viên ASEAN biết rằng Mỹ không đưa ra bất cứ tuyên bố chủ quyền nào ở vùng biển chiến lược. Theo tôi, ASEAN sẽ coi sự hiện diện của Mỹ là nhằm trấn an các nước trong khu vực và là hành động nhắc nhở Bắc Kinh rằng Washington vẫn ở đây”, ông King chia sẻ.
Ông Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore cho rằng, các nước Đông Nam Á cải thiện quan hệ hợp tác quốc phòng với Mỹ một phần vì sự chênh lệch về năng lực quá lớn với Trung Quốc.
“Sự chênh lệch dài hạn về năng lực quốc phòng khiến các nước ASEAN cần tiếp tục duy trì quan hệ quốc phòng và an ninh với những cường quốc bên ngoài mà cụ thể là Mỹ. Ngoài ra, ASEAN cũng sẽ duy trì và củng cố quan hệ quốc phòng và an ninh với nhiều quốc gia khác ngoài khu vực như Australia và Nhật Bản”, ông Koh nói.
Hồi tháng trước, Mỹ đã cho điều động tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan đến thăm Philippines và đi vào Biển Đông. Giới quan sát nhận định, động thái của Mỹ không chỉ nhằm thể hiện cam kết an ninh với đồng minh Philippines mà còn gửi đi thông điệp nhắc nhở sức mạnh quân sự Mỹ vẫn hiện diện tại khu vực để kiềm chế hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Còn theo giới chuyên gia, trong bối cảnh Mỹ – Trung tăng cường chạy đua mở rộng tầm ảnh hưởng, các cuộc tập trận với ASEAN còn ẩn chứa yếu tố chính trị.
“Động cơ chính trị đều thống trị trong đợt diễn tập của Mỹ và Trung Quốc với ASEAN . Bắc Kinh muốn xây dựng niềm tin chiến lược tốt hơn với các nước láng giềng nhằm gỡ bỏ những lo lắng về sự trỗi dậy của Bắc Kinh. Mỹ lại muốn siết chặt hợp tác an ninh với các nước ASEAN để đối trọng với Trung Quốc. Cả hai cuộc diễn tập hàng hải đã phản chiếu của sự cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung”, ông Zhang Baohui, nhà phân tích an ninh khu vực tại Đại học Lingnan, Trung Quốc.
Song theo ông Zhang, ASEAN vẫn muốn tránh việc phải nghiêng hẳn về Mỹ hay Trung Quốc nên tác động địa chính trị từ các cuộc diễn tập chỉ có giới hạn.
“Ý nghĩa quân sự sẽ bị hạn chế vì các nước ASEAN về cơ bản không muốn phải chọn phe. Phần lớn các nước tham gia đợt diễn tập giữa ASEAN và Mỹ có quan hệ tốt với Trung Quốc”, ông Zhang nhận định.
“ASEAN đang bị kẹp giữa Trung Quốc và Mỹ. Nhưng các nước thành viên muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với cả hai siêu cường. Bởi Trung Quốc hiện là đối tác kinh tế lớn nhất trong khu vực còn Mỹ là người đảm bảo an ninh chính. Đây cũng là tình thế khó khăn mà nhiều nước trên khắp thế giới đang đối diện”, ông Zhang nói thêm.