Monday, January 6, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiLiệu TQ có bị ảo tưởng khi Mỹ thả mồi?

Liệu TQ có bị ảo tưởng khi Mỹ thả mồi?

“Trong cuộc thương chiến hiện nay, Trung Quốc mắc một sai lầm lớn là tự đánh giá bản thân “ngang cơ” với Mỹ”.

Mỹ thả mồi trước đàm phán

Ngày 11/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo theo yêu cầu của Bắc Kinh, ông đã nhất trí hoãn 2 tuần kế hoạch tăng thuế lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng hóa vốn đã bị áp mức thuế 25%.

Trên Twitter, ông Trump viết: “Chúng tôi đã nhất trí dời thời điểm tăng thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa (từ 25 đến 30%) từ ngày 1/10 sang ngày 15/10, như một cử chỉ thiện chí”.

Theo ông Trump, động thái này được thực hiện theo đề nghị của “Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và cũng do Trung Quốc sẽ kỷ niệm 70 năm quốc khánh (vào ngày 1/10)”.

Trước đó cùng ngày, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo sẽ miễn áp thuế bổ sung đối với 16 mặt hàng của Mỹ. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc rút một số mặt hàng của Mỹ ra khỏi danh sách áp thuế bổ sung mà Bắc Kinh nhằm trả đũa Washington trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang.

Theo thông báo được Bộ Tài chính Trung Quốc đưa ra trước thềm vòng đàm phán thương mại mới giữa hai nước, danh mục thứ nhất sẽ không bị áp thuế bổ sung bao gồm 12 dòng hàng trong đó thủy sản và thuốc chống ung thư, các dòng hàng này sẽ được hoàn thuế đã áp trong vòng 6 tháng kể từ ngày quyết định có hiệu lực.

Danh mục thứ hai gồm 4 dòng hàng thức ăn cho cá, máy y tế v.v., các mặt hàng này sẽ không bị áp thuế bổ sung song sẽ không được hoàn thuế đã đóng. Dự kiến, quyết định này sẽ có hiệu lực trong một năm, bắt đầu từ ngày 17/9 đến 16/9/2020.

Kể từ khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang từ tháng 7/2018, hai nước liên tiếp bổ sung các mức thuế áp với hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD của nhau.

Mới nhất là việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 15% đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tổng trị giá 125 tỷ USD, gồm loa thông minh, tai nghe bluetooth và nhiều loại giày dép.

Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh áp các mức thuế bổ sung 5% và 10% đối với 1.717 mặt hàng của Mỹ. Trung Quốc cũng áp thuế 5% đối với dầu thô của Mỹ.

Theo kế hoạch, Trung Quốc và Mỹ sẽ tiến hành vòng đàm phán thương mại và kinh tế cấp cao lần thứ 13 vào đầu tháng 10 tới tại Washington. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng có rất ít kỳ vọng vào vòng đàm phán này.

Quả bóng dường như nằm trong chân Trung Quốc bởi chỉ có một con đường duy nhất là sự xuống thang từ phía Bắc Kinh.

My tha moi, Trung Quoc co ao tuong suc manh?
Mỹ hoãn tăng thuế theo đề nghị của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (phải)

Bản thân ông Trump từ khi tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, ông đã rất coi trọng việc “điều chỉnh” quan hệ kinh tế giữa Mỹ-Trung mà ông cho rằng Mỹ bị thất thế. Sau khi đắc cử, chính quyền của ông Trump đã thực thi các bước đi cứng rắn hơn về an ninh lẫn kinh tế với Trung Quốc.

Về phía Trung Quốc, giới phân tích nhấn mạnh, Bắc Kinh gần như không thể nhượng bộ trước những đòi hỏi của Mỹ, trong đó bao gồm những vấn đề nhạy cảm như việc đột nhập “không gian mạng” của Mỹ để đánh cắp và phá hoại; bắt buộc doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ; vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; trợ cấp các tập đoàn kinh tế nhà nước và gây ra tình trạng cạnh tranh không công bằng; Năm là, bán hàng phá giá vào thị trường Mỹ khiến nhiều doanh nghiệp Mỹ phá sản; thao túng tiền tệ…

Sau 11 vòng đàm phán, hai bên đồng ý về tiến trình giải quyết các vấn đề trong một dự thảo dày hơn 150 trang với từng chi tiết. Đầu tháng 5/2019, Bắc Kinh được cho là bất ngờ “trở mặt”.

Trung Quốc tự tin sai lầm

Theo giới phân tích, trong cuộc thương chiến hiện nay, Trung Quốc mắc một sai lầm lớn là tự đánh giá bản thân “ngang cơ” với Mỹ. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế ngày càng lớn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã mang lại cho Trung Quốc “một cảm giác giả” rằng họ đã đạt được sự cân bằng về quyền lực với Mỹ. Do đó, giới chức Trung Quốc tự tin có thể đạt được một thỏa thuận “đôi bên cùng có lợi” với Washington.

Hiện có một nhận thức phổ biến là liên kết kinh tế mạnh mẽ, được thể hiện rõ trong thương mại và đầu tư hai chiều trị giá hàng trăm tỷ USD mỗi năm, đã ràng buộc hai đất nước với văn hóa và hệ thống chính trị khác biệt nhau và khiến hai bên không thể rời bỏ nhau.

Tuy nhiên, sự “phụ thuộc lẫn nhau” giữa một nền kinh tế đang trỗi dậy, vốn vẫn phải phụ thuộc vào việc xuất khẩu hàng tiêu dùng và nhập khẩu công nghệ để tăng trưởng, và một quốc gia đã phát triển hoàn thiện, sẽ còn một chặng đường dài để có thể trở thành một sự cân bằng sức mạnh.

My tha moi, Trung Quoc co ao tuong suc manh?
Trung Quốc ảo tưởng sức mạnh?

Sự “đoạn tuyệt” giữa hai nước sẽ gây ra một số hậu quả với Mỹ, song với Trung Quốc, những hậu quả còn thảm hại hơn nhiều. Bản thân giới chức Trung Quốc được cho đã quá tự tin khi không chuẩn bị cho tình huống bùng nổ một cuộc chiến thương mại giữa hai nước và biến thành cuộc chiến công nghệ và tiền tệ.

Theo giới phân tích, chỉ khi Bắc Kinh nhận ra họ “không cùng đẳng cấp” sức mạnh với Mỹ, hai bên mới có cơ hội đạt được một thỏa thuận thương mại trong ngắn hạn. Ngay cả trong trường hợp có một thỏa thuận, đây có thể sẽ chỉ là sự đình chiến trong một cuộc chiến kinh tế dai dẳng giữa hai nước.

Người Mỹ có vẻ đã chuẩn bị tinh thần cho tình huống này khi cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow hôm 6/9 cho biết Mỹ muốn có những kết quả “trông thấy” từ các cuộc đối thoại thương mại Mỹ-Trung trong tháng 9 và vào tháng 10 tới, song cảnh báo có thể phải mất đến vài năm mới giải quyết được xung đột thương mại này.

Phát biểu trước báo giới ở bên ngoài Nhà Trắng, ông Kudlow cho biết mặc dù Mỹ và Trung Quốc đã đàm phán về thương mại và các vấn đề sở hữu trí tuệ trong 18 tháng qua, song đó cũng chỉ là một khoảng thời gian ngắn nếu so với mức độ nghiêm trọng của vấn đề, và các cuộc đàm phán có thể kéo dài hơn nhiều.

Ông còn so sánh với với cuộc cạnh tranh của Mỹ chống Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh: “Với một thỏa thận có tầm quan trọng toàn cầu như thế này, tôi không nghĩ là 18 tháng là một khoảng thời gian dài.

Những được mất là rất lớn, chúng ta phải điều chỉnh đúng đắn, và nếu điều đó có mất đến một thập kỷ thì cũng hợp lý thôi”.

RELATED ARTICLES

Tin mới