Saturday, November 23, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTQ tập kích sườn liên minh Mỹ

TQ tập kích sườn liên minh Mỹ

Trung Quốc đã nhận thấy “cơ may trời cho” trong sự rạn nứt giữa Seoul và Tokyo còn Mỹ lại tỏ ra thụ động.

 

 

Trung Quốc chủ động lấn át Mỹ

Tờ Foreign Affairs mới đây có bài phân tích về tình thế của Mỹ ở châu Á trong bối cảnh có những chuyển biến trong mạng lưới đồng minh được Mỹ thiết lập sau Thế chiến II. Căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc được tờ báo Mỹ đánh giá là hai trụ cột quan trọng nhất nhưng lại đang gây ra nguy cơ làm hủy hoại hệ thống liên minh này.

Mặc dù vậy, Mỹ lại tỏ ra thụ động khi không tích cực làm trung gian hòa giải giữa các đồng minh. Thay vào đó, Washington chủ yếu đứng ngoài lề quan sát, nhường “sân khấu” cho Trung Quốc, nước đã nhanh chóng “ra tay” để hưởng lợi từ sự “án binh bất động” của Mỹ.

Ví dụ được tạp chí Mỹ nêu ra là tại hội nghị ngoại trưởng 3 bên với Nhật Bản và Hàn Quốc hồi cuối tháng 8 vừa qua, Trung Quốc đã khuyến khích hai bên ít nhất nên tạm gác lại những mâu thuẫn đủ lâu để đạt được tiến bộ trong một thỏa thuận thương mại ba bên.

Đây có thể là thời điểm đánh dấu sự sụp đổ của hệ thống liên minh của Mỹ mà Trung Quốc từ lâu đã có ý định phá vỡ.

Đợt căng thẳng mới nhất giữa Hàn Quốc và Nhật Bản bùng phát sau khi Tòa án tối cao Hàn Quốc vào mùa Thu năm 2018 yêu cầu 3 công ty Nhật Bản bồi thường cho người dân Hàn Quốc, những người khẳng định họ đã bị sử dụng như những người lao động bị ép buộc trong Thế chiến II.

Tuy nhiên, Tokyo nhấn mạnh rằng bất kỳ khiếu nại nào về việc bồi thường cho các hành vi lạm dụng thời chiến đã được giải quyết bằng gói 800 triệu USD viện trợ kinh tế và các khoản vay mà họ đã trả cho Seoul theo một hiệp ước năm 1965.

Tháng 3/2019, các chủ cửa hàng Hàn Quốc đã tổ chức tẩy chay hàng hóa Nhật Bản.

Đáp lại, Chính phủ Nhật Bản đã hạn chế xuất khẩu 3 loại vật liệu quan trọng được sử dụng trong ngành công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc – chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này. Nhật Bản cũng loại Hàn Quốc khỏi danh sách trắng các đối tác thương mại được ưu đãi.

Seoul đáp trả bằng bằng việc rút khỏi Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự (GSOMIA) với Nhật Bản, vốn phải mất nhiều năm đàm phán.

Giữa lúc đó, người Trung Quốc đã nhận thấy “cơ may trời cho” trong sự rạn nứt giữa Seoul và Tokyo. Trong khi đó, đối với Mỹ thì mâu thuẫn giữa hai đồng minh quan trọng nhất khiến họ khó có thể hình thành một mặt trận thống nhất trong thời bình hoặc trong một cuộc khủng hoảng tiềm tàng.

Sự mất đoàn kết này cũng thúc đẩy vai trò của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên. Trung Quốc được cho là có thể cố gắng tạo ra một mục tiêu chung với Hàn Quốc, phá vỡ các nỗ lực theo đuổi những chính sách cứng rắn hơn của Washington và Tokyo.

Cuộc chiến thương mại Hàn-Nhật có thể cản trở các cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, vốn được Bắc Kinh thúc đẩy trong nhiều năm.

Tuy nhiên, Trung Quốc có thể tận dụng những lợi thế của cuộc tranh chấp hiện tại để thế chân Nhật Bản trở thành nhà cung cấp vật liệu quan trọng cho ngành công nghiệp điện tử đáng giá của Hàn Quốc, bao gồm “gã khổng lồ” sản xuất Samsung.

Theo giới phân tích, sức ép của Nhật Bản có thể gây ra sự gián đoạn tương tự trong các lĩnh vực khác trong nền kinh tế Hàn Quốc, và có khả năng làm tăng sự phụ thuộc về kinh tế của Hàn Quốc vào xuất khẩu của Trung Quốc. Sự phụ thuộc này, sau đó, có thể khiến Hàn Quốc dễ bị ép buộc hơn về kinh tế – một công cụ mà Bắc Kinh không ngần ngại sử dụng trong quá khứ.

Phá nhưng không hủy

Bên cạnh đó, giới phân tích Mỹ cảnh báo những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang sử dụng mối quan hệ chính trị và an ninh với Nga để khai thác căng thẳng giữa Tokyo và Seoul trong một nỗ lực rộng lớn hơn nhằm phá hoại hệ thống liên minh khu vực của Mỹ.

Vào tháng 7/2019, Trung Quốc và Nga đã tiến hành cuộc tuần tra chung trên không đầu tiên, trong đó có vụ máy bay Nga xâm nhập vào không phận trên quần đảo Dokdo/Takeshima đang tranh chấp giữa Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tờ Foreign Affairs nhận định, động thái này có thể nhằm thử nghiệm khả năng phòng thủ trên không của các đồng minh Mỹ, đồng thời cho thấy Trung Quốc sẵn sàng thách thức sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Đông Bắc Á.

Hợp tác quân sự Trung-Nga ở Đông Á có thể trở nên tinh vi và thường xuyên hơn để theo đuổi mục tiêu này, và trong bối cảnh các đồng minh của Mỹ bị chia rẽ, Bắc Kinh sẽ bớt lo sợ việc họ sẽ phải gánh chịu hậu quả.

Trung Quoc tap kich suon lien minh My
Trung Quốc phối hợp với Nga “tập kích” hệ thống đồng minh của Mỹ

Đối với sự sụp đổ của GSOMIA, giới phân tích cho rằng Trung Quốc là nước được hưởng lợi rõ ràng. Còn đối với Mỹ, sự kết thúc của thỏa thuận GSOMIA giữa hai đồng minh quan trọng nhất tại Đông Á sẽ là một bước thụt lùi đối với tầm nhìn được xác định trong Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2017 và Chiến lược Quốc phòng năm 2018 – các văn kiện chiến lược nhấn mạnh vai trò trung tâm của các liên minh trong “cạnh tranh cường quốc”.

Dù tìm cách chia rẽ và phá vỡ hệ thống liên minh của Mỹ song Trung Quốc lại không muốn Nhật Bản và Hàn Quốc ngoảnh mặt hoàn toàn với nhau. Bắc Kinh vẫn cần mối quan hệ ba bên ở một mức độ nhất định để khiến Nhật-Hàn phải phụ thuộc vào mình.

Từ mục tiêu của hiệp định thương mại tự do ba chiều đến tầm nhìn về Bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc muốn trở thành trung tâm trong những cân nhắc chính sách đối ngoại của các nước láng giềng. Điều này sẽ khiến vị thế khu vực của Mỹ gặp rủi ro nghiêm trọng.

Tờ báo Mỹ thừa nhận Trung Quốc “đã rất thông minh khi không quá liều lĩnh” bởi cho tới nay vẫn chưa hề công khai “ve vãn” Hàn Quốc từ bỏ liên minh với Mỹ hoặc tiến hành chiến dịch của riêng mình để trừng phạt Nhật Bản vì vấn đề lịch sử trong Thế chiến II.

Thay vào đó, Bắc Kinh cố gắng tạo ra ấn tượng rằng căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc là bằng chứng về sự lãnh đạo kém cỏi của Mỹ và thể hiện bản thân là nhà hòa giải chủ động và đối tác đáng tin cậy hơn Mỹ.

Xuất phát từ nguy cơ trên, tờ Foreign Affairs đề xuất chính quyền của Tổng thống Donald Trump phải “sửa chữa”, phải “ra tay” và tăng gấp đôi nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ Nhật-Hàn.

Mối quan hệ rạn nứt giữa Tokyo và Seoul có thể thúc đẩy Bắc Kinh tìm cách định hình lại sự cân bằng quyền lực trong khu vực thành một lợi thế cho mình.

RELATED ARTICLES

Tin mới