Tuesday, January 7, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTQ định dùng tiền mua chuộc Philippines bỏ qua phán quyết lịch...

TQ định dùng tiền mua chuộc Philippines bỏ qua phán quyết lịch sử của Tòa Trọng tài về vụ kiện ở Biển Đông

Tổng thống Philippines Duterte (10/9) cho biết, tại cuộc gặp giữa ông và Chủ tịch Tập Cận Bình ở Bắc Kinh cuối tháng 8, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết sẽ để Philippines hưởng phần lớn hơn trong đề xuất chia sẻ tài nguyên ở Biển Đông theo tỷ lệ 60:40. Đổi lại, Bắc Kinh muốn Manila gạt phán quyết Tòa trọng tài sang 1 bên.

Tổng thống Duterte bất ngờ tuyên bố Manila sẽ đặt phán quyết Biển Đông sang một bên để nhường chỗ cho việc thăm dò dầu khí chung với Trung Quốc; đồng thời tiết lộ tại cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (30/8), ông Tập đã cam kết sẽ để Philippines hưởng phần lớn hơn trong đề xuất chia sẻ tài nguyên ở Biển Đông theo tỷ lệ 60:40 và đề xuất “đặt phán quyết sang một bên, chúng tôi sẽ cho phép mọi người kết nối với các công ty Trung Quốc”. Ngoài ra, Tổng thống Duterte cho biết: “Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines là một phần phán quyết của Tòa Trọng tài mà chúng tôi sẽ bỏ qua để theo đuổi một hoạt động kinh tế”.

Nhiều chính trị gia Philippines từng kịch liệt phản đối đề xuất khai thác dầu khí chung với Trung Quốc, nhấn mạnh rằng Manila không thể tin tưởng vào những hứa hẹn từ Bắc Kinh. Phó Tổng thống Leni Robredo tháng trước cảnh báo ông Duterte đã không tận dụng phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế năm 2016 vốn khẳng định quyền của Philippines trong vùng biển của nước này. Bà Robredo nói thêm rằng người dân Philippines đang lo sợ một ngày nào đó, họ sẽ thức dậy và nhận ra nhiều phần lãnh thổ của Philippines không còn là của Philippines nữa. Cựu Tổng thống Benigno Aquino III thì cho rằng khu vực biển Tây Philippines (Biển Đông) nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila nên quốc gia này không có nghĩa vụ phải chia sẻ tài nguyên với Trung Quốc; đồng thời khẳng định không thể tin tưởng Bắc Kinh và nhấn mạnh đề xuất của Trung Quốc sẽ gây bất lợi cho Philippines. Phó Chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio nhắc lại các điều khoản trong Hiến pháp năm 1987 quy định cấm phát triển chung trong vùng vùng đặc quyền kinh tế.

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario (11/9) cho biết, chính phủ Philippines không cần gạt sang một bên phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế (PCA) để tiến hành hoạt động thăm dò chung với Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Trích dẫn đề xuất của Phó chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio, ông Rosario giải thích, hoạt động thăm dò chung giữa hai nước ở Biển Đông sẽ “hợp hiến và nhất quán” với phán quyết của Tòa trọng tài nếu Trung Quốc có thể ký hợp đồng dịch vụ với Philippines với tỷ lệ phân chia doanh thu 60-40, trong đó Philippines nhận phần nhiều hơn; đồng thời nhấn mạnh nếu một thỏa thuận hợp đồng dịch vụ được đưa ra, theo đó công ty Trung Quốc tham gia với tư cách là chủ sở hữu cổ phần hoặc nhà thầu phụ, thì Tổng thống sẽ vẫn thể hiện được sự trung thành với hiến pháp và phán quyết của tòa. Theo cách này, Tổng thống sẽ không quay lưng lại với cam kết với người dân Philippines ông đã đưa ra vào tháng 10/2016 khi ông bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc và Brunei. Ngoài ra, ông Albert del Rosario viện dẫn kết quả cuộc khảo sát mới đây của SWS (Social Weather Stations – tổ chức nghiên cứ xã hội độc lập của Philippines) cho biết, 87% số người được hỏi đều nhất trí quan điểm, chính phủ nên khẳng định chủ quyền tại Biển Đông, cho rằng các quan chức Philippines nên bắt giữ và truy tố ngư dân Trung Quốc đã gây ra sự hủy hoại các nguồn tài nguyên biển ở Biển Đông; nhấn mạnh “chúng ta thường xuyên phải chứng kiến các hoạt động bất hợp pháp của Trung Quốc, bao gồm ngăn cản ngư dân Philippines đánh bắt tại bãi cạn Scarborough và tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, ngăn chặn Philippines phát triển các nguồn tài nguyên, phá hủy môi trường biển, xây dựng các căn cứ quân sự và đối đầu với nhà lãnh đạo của chúng ta bằng lời đe dọa chiến tranh”; khẳng định “chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng việc bảo toàn lãnh thổ quốc gia, trong đó có EEZ, có giá trị hơn nhiều so với hoạt động kinh tế sắp được tiến hành tại khu vực này. Khả năng hoạt động kinh tế tại EEZ vẫn luôn ở đó. Nhưng nếu chúng ta mất EEZ, chúng ta sẽ mất nó mãi mãi”; nhấn mạnh “vùng EEZ của Philippines không thuộc về Trung Quốc, nó thuộc về người Philippines, con cái chúng ta và các thế hệ người Philippines chưa được sinh ra. Theo quy định của Hiến pháp và là vấn đề danh dự quốc gia, người Philippines có nghĩa vụ bảo vệ và giữ gìn quyền lợi của đất nước mình”. Cùng chung quan điểm này, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. nhấn mạnh, phán quyết của tòa trọng tài quốc tế đã “vượt lên trên sự thỏa hiệp” và do vậy không thể gạt sang một bên.

Chuyên gia hàng hải Jay Batongbacal cũng khẳng định phát triển chung trong một khu vực như vậy được coi là “không phù hợp” với phán quyết mà Tòa Trọng tài Thường trực đưa ra năm 2016. Trong phán quyết của mình, Tòa Trọng tài khẳng định “đường lưỡi bò” của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý, nghĩa là nó không có giá trị gì để Trung Quốc đòi quyền khai thác tài nguyên trong “đường lưỡi bò”.

Về phía Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (11/9) không cung cấp thông tin cụ thể về việc trao đổi giữa lãnh đạo hai nước, song cho biết ông Tập Cận Bình “kỳ vọng hợp tác với Philippines sẽ mang lại tiến bộ lớn hơn trong việc khai thác tài nguyên trên biển”; khẳng định ông Duterte cũng đã bày tỏ sẵn sàng trong việc đẩy nhanh hợp tác khai thác dầu khí với Trung Quốc.

Được biết, Trung Quốc từ lâu đã không ngừng đẩy mạnh hoạt động quân sự hóa phi pháp cũng như đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt thủy sản tại Biển Đông, bất chấp phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực công bố tháng 7/2016 rằng Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý hoặc lịch sử nào cho “đường 9 đoạn” vốn được Trung Quốc đơn phương vẽ ra để khẳng định chủ quyền tại vùng biển chiến lược này. Tuy nhiên, chính quyền Manila dưới thời ông Duterte thi hành chính sách đối ngoại xoay trục bằng cách thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với đối thủ của Mỹ là Trung Quốc để đổi lấy các lợi ích kinh tế, đầu tư. Ông tìm đến nguồn viện trợ Trung Quốc cho chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng bất chấp tranh chấp Biển Đông chưa được giải quyết. Tháng 11/2018, Philippines và Trung Quốc đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác phát triển dầu khí. Dự án chung về phát triển các nguồn tài nguyên tại Biển Đông là một trong những chủ đề được Tổng thống Duterte và Chủ tịch Tập Cận Bình thảo luận trong cuộc gặp song phương tại Bắc Kinh vào tháng 8/2019. Tại cuộc gặp hai nhà lãnh đạo nhất trí thành lập các ủy ban có nhiệm vụ thảo luận cách thức để thực thi biên bản ghi nhớ này. Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc sẽ không công nhận phán quyết của tòa trọng tài.

Đây là lần đầu tiên Tổng thống Philippines “tiết lộ” sâu hơn về những trao đổi giữa hai nước về dự án khai thác chung trên Biển Đông, vốn đã thu hút nhiều sự chú ý của dư luận trong khu vực. Hiện giới quan sát đang theo dõi phản ứng của các nước liên quan đến phát biểu trên của Tổng thống Philippines, trong bối cảnh thời gian gần đây đã có nhiều diễn biến phức tạp liên quan đến tranh chấp chủ quyền tại khu vực Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới