Quân đội Mỹ (9-19/9) tổ chức tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo ở Biển Đông và Hoa Đông. Giới quan sát nhận định cuộc tập trận trên nhằm phát đi thông điệp đến Bắc Kinh về sức mạnh quân sự của Washington ở châu Á – Thái Bình Dương.
Theo thông tin trên, Đơn vị viễn chinh hải quân số 31 và Phân đội đổ bộ số 11 đã thực hiện các cuộc tập trận chung với sự tham gia của Nhóm tàu đổ bộ Wasp. Các bài tập diễn ra ở vùng biển Philippines và vùng biển Hoa Đông, xung quanh một căn cứ hải quân Mỹ ở Nhật Bản. Mục đích của cuộc tập trận nhằm luyện tập kỹ năng đổ bộ vào các bờ biển của lực lượng “thù địch” và chiếm giữ các đường băng. Trung tá Anthony Cesaro của quân đội Mỹ cho biết, “cuộc tập trận kiểu này nhằm cho phép lực lượng (Mỹ) tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương triển khai sức mạnh và tiến hành các chiến dịch viễn chinh tại các khu vực ven bờ có tranh chấp chủ quyền”. Trước đó, Đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ (13/9) cho biết, Mỹ và Philippines đã nhất trí cùng nhau giải quyết các thách thức an ninh khu vực như những người bạn, đồng minh và đối tác. Trong khi đó, phát biểu tại một diễn đàn ở Manila cùng ngày, Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Cardozo Luna cho rằng hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông đang gặp rủi ro nếu Trung Quốc tiếp tục các hoạt động quân sự hóa bị cộng đồng quốc tế chỉ trích.
Một số nhà quan sát cho rằng cuộc diễn tập như một lời cảnh báo gửi tới Bắc Kinh, theo đó quân đội Mỹ có thể thực hiện các chiến dịch đổ bộ xa nhà nếu Washington cảm thấy cần thiết phải can thiệp vào các cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các đồng minh của Mỹ trong khu vực. Ông Adam Ni, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Macquarie (Australia), cho biết cuộc tập trận gần Philippines và Okinawa cho thấy một chiến dịch như vậy sẽ bao phủ cả một khu vực rộng lớn, gồm cả vùng biển phía Nam và phía Đông Trung Quốc, những nơi Mỹ đã cùng với các quốc gia khác trong khu vực tiến hành các hoạt động tự do hàng hải kể từ năm 2015; đồng thời nhận định đó là một lời nhắc nhở rõ ràng cho Trung Quốc về ưu thế sức mạnh quân sự của Mỹ, cho dù khoảng cách về năng lực quân sự giữa hai bên trong những năm gần đây đã bị thu hẹp. Thông điệp gửi lần này là quân đội Mỹ hoàn toàn có thể đoạt lấy những thực thể địa lý trên Biển Đông mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp. Nhà bình luận quân sự Tống Trung Bình của Trung Quốc cho rằng, chính phủ Mỹ chắc chắn đã mời Nhật Bản và Philippines quan sát cuộc tập trận trên nhằm thể hiện mối quan hệ chặt chẽ cùng với các cam kết đối với Manila và Tokyo, cho rằng đây cũng là thời cơ tốt để Mỹ chào hàng tàu chiến đổ bộ cùng mẫu máy bay mới cho Nhật Bản; đồng thời nhận định chưa biết liệu Washington có can thiệp vào các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Philippines, hay giữa Trung Quốc và Nhật Bản hay không, nhưng chắc chắn quân đội Mỹ sẽ tận dụng cơ hội tập trận này để tăng cường năng lực chiếm đảo và sân bay tại các vùng biển xa lạ. Trong khi đó, Hãng tin AFP nhận định, cuộc tập trận rõ ràng được thiết kế nhằm tăng cường khả năng của quân đội Mỹ trong việc đánh chiếm một hòn đảo tranh chấp và thiết lập căn cứ tiếp tế cho các chiến dịch không quân.
Trong thời gian gần đây, Mỹ thường xuyên tiến hành tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo. Thủy quân lục chiến Mỹ (21/3) cho biết, Đơn vị Viễn chinh số 31 do sư đoàn lính thủy đánh bộ số 3 hỗ trợ cùng lực lượng đặc nhiệm, phi đội máy bay chiến đấu đã tiến hành phối hợp tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo với Nhật Bản tại đảo le Shima của Tokyo. Theo kịch bản, sau khi vượt qua lưới phòng thủ dày đặc giả định, nhiệm vụ của lính thủy đánh bộ là chiếm sân bay chiến lược trên đảo. Binh sĩ Mỹ ngay lập tức dọn dẹp khu vực để làm nơi máy bay cất và hạ cánh, tiếp nhiên liệu. Tiêm kích tàng hình F-35B Lightning II Joint và vận tải cơ C-130J Super Hercules sau đó có mặt yểm trợ và vận tải thêm vũ khí lên đảo. Các tổ hợp pháo, rocket đa nòng triển khai từ vận tải cơ C-130 nhanh chóng vào vị trí chiến đấu. Ở trên bầu trời, tiêm kích F-35B tung các đòn tấn công chính xác từ xa dọn dẹp chiến trường. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph Dunford cho biết, cuộc tập trận trên thể hiện quân đội Mỹ sẵn sàng thực hiện sứ mệnh trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng trỗi dậy, nhấn mạnh đổ bộ chiếm đảo là một trong những nhiệm vụ quan trọng của lính thủy đánh bộ Mỹ. Ngoài ra, ông Joseph Dunford nêu rõ, quân đội Mỹ phải đối mặt với thách thức lớn hơn từ các đối thủ tiềm tàng như Trung Quốc. Ở Thái Bình Dương, Trung Quốc đang phô trương sức mạnh, quân sự hóa Biển Đông và không giấu giếm ý định vượt qua chuỗi đảo thứ nhất.
Trước đó, Lữ đoàn tác chiến đổ bộ nhanh của Nhật Bản và thủy quân lục chiến Mỹ (14-19/10/2018) đã tổ chức cuộc diễn tập đổ bộ trên đảo Tanegashima, phía Tây Nam Nhật Bản nhằm tăng cường khả năng phối hợp giữa hai nước. Tham gia cuộc tập trên có 220 binh sĩ Nhật Bản và 10 binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ. Đây là cuộc diễn tập bộ đầu tiên được tiến hành tại Nhật Bản, sau một cuộc tập trận ở Hawaii vào giữa tháng 7/2018. Trong cuộc diễn tập, Nhật Bản đã điều tàu vận tải Osumi chở theo 5 tàu đổ bộ và binh sĩ, trong khi Mỹ huy động các trực thăng CH-47 bay phía trên đảo. Sau khi đổ bộ lên đảo, lực lượng hai nước thực hành bài tập giành lại quyền kiểm soát một sân bay do đối phương chiếm giữ. Cuộc diễn tập diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có những động thái quyết đoán tại khu vực gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Bắc Kinh và Tokyo đều tuyên bố chủ quyền trên biển Hoa Đông. Trong năm 2017, hàng trăm lính thủy đánh bộ Mỹ và binh sĩ Nhật Bản (25/2/2017) cũng đã tiến hành cuộc tập trận chung dùng xe lội nước đổ bộ tấn công nhằm mục tiêu tái chiếm đảo hẻo lánh. Cuộc tập trận diễn ra tại Bãi biển Đỏ thuộc Căn cứ thủy quân lục chiến Pendleton (bang California, Mỹ). Theo kịch bản, hàng trăm binh sĩ Mỹ và Nhật diễn tập tấn công ồ ạt vào bãi biển bằng các xe lội nước đổ bộ tấn công được triển khai từ tàu đổ bộ USS Anchorage đậu cách bờ hơn 3,6 km. Sau khi lên bãi biển, những binh sĩ thuộc Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản (JGSDF) chiếm giữ phía Nam, còn lính thủy đánh bộ Mỹ chiếm phía Bắc. Các xe lội nước tấn công giúp các lực lượng chiếm nhanh chóng một ngôi làng ở phía Bắc. Ở phía Nam, binh sĩ Nhật Bản phải chờ di chuyển sâu vào đất liền để chiếm một ngôi làng khác.
Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa; nhấn mạnh duy trì hòa bình ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước trong và ngoài khu vực; tuyên bố việc Trung Quốc tập trận trên Biển Đông một lần nữa xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, vi phạm luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); tái khẳng định Việt Nam phản đối mạnh mẽ và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hành xử có trách nhiệm, chấm dứt ngay và không có những hành động đe dọa đến an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông hay làm gia tăng căng thẳng tại khu vực này.