Câu mở đầu của báo cáo “Innovative China” (Tạm dịch: Trung Quốc đổi mới) có viết: “Sau gần 4 thập kỷ phát triển nhanh chóng, Trung Quốc đã bước vào thời kỳ mới với sự tăng trưởng chậm chạp và không có gì đột phá.”
Theo cảnh báo từ Ngân hàng Thế giới (WB) và một trung tâm nghiên cứu của chính phủ Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể giảm xuống 1,7% vào những năm 2030 khi không có những chính sách cải cách nhằm giải quyết vấn đề phân bổ tài nguyên của đất nước.
Câu mở đầu của báo cáo “Innovative China” (Tạm dịch: Trung Quốc đổi mới) có viết: “Sau gần 4 thập kỷ phát triển nhanh chóng, Trung Quốc đã bước vào thời kỳ mới với sự tăng trưởng chậm chạp và không có gì đột phá.” Báo cáo còn lưu ý các động lực tăng trưởng của Trung Quốc đang “hết hơi” và cho biết nước này không còn phụ thuộc vào lực lượng lao động ngày càng tăng, phát triển sản xuất, hoạt động di cư từ nông thôn đến thành thị, mở rộng xuất khẩu và mở cửa cho các hoạt động đầu tư từ nước ngoài.
Thay vào đó, Trung Quốc cần tập trung vào việc “liên tục tăng trưởng năng suất”. Nhóm tác giả cho hay, những hậu quả từ việc không đáp ứng được những vấn đề mới của thực tế sẽ là rất đáng ngại. Báo cáo của WB tính toán rằng tăng trưởng GDP của Trung Quốc, vốn đạt 6,6% vào năm 2018, sẽ còn 4% vào những năm 2020 và 1,7% vào những năm 2030 nếu chỉ thực hiện những biện pháp cải cách một cách hạn chế. Với chính sách cải cách mạnh mẽ, thì tăng trưởng trung bình hàng năm sẽ đạt 5,1% vào những năm 2020 và 2,9% vào những năm 2030.
Nếu Trung Quốc có những chính sách cải cách táo bạo hơn, tăng trưởng trung bình của những năm 2020 sẽ là 5,1% và 4,1% vào những năm 2030. Dẫu vậy, kịch bản tiêu cực đối với nền kinh tế nước này đã được đưa ra từ năm 2012. Khi đó, báo cáo dự kiến tăng trưởng giai đoạn 2021-2025 đạt 5,9% và 5% cho giai đoạn 2026-2030.
Báo cáo mới đây lưu ý rằng năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) của Trung Quốc chỉ bằng khoảng 1 nửa của các nước phát triển. Sự tăng trưởng của số liệu này đã sụt giảm kể từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu từ 1 thập kỷ trước. Để tăng năng suất, báo cáo của WB đưa ra khuyến nghị đối với “cải cách thị trường tài chính, lao động và bất động sản.”
Để cải thiện khả năng thuyên chuyển trong công việc, báo cáo này gợi ý Trung Quốc nên cải tổ toàn bộ hệ thống đăng ký hộ khẩu nhằm hạn chế người di cư đến các thành phố, sử dụng dịch vụ công cộng. Ngoài ra, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nên “đảm bảo cạnh tranh công bằng” giữa các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Theo báo cáo, Trung Quốc không chỉ nên thích đẩy sự đổi mới mà còn phải áp dụng công nghệ tiên tiến đối với nền kinh tế.
Báo cáo này là kết quả của một hoạt động nghiên cứu chung kéo dài 2 năm của WB và Trung tâm nghiên cứu phát triển Quốc vụ viện (DRC), dựa theo báo cáo “China 2030” phát hành năm 2012. Bản báo cũ lập luận rằng nguồn lực công chỉ dành cho “hàng hoá và dịch vụ công cộng” như chi tiêu quốc phòng và xã hội, khuyến nghị Trung Quốc thu hẹp khu vực nhà nước bằng các bước như giảm dần cổ phần của chính phủ. Báo cáo hôm thứ Ba thì cho hay, các công ty nhà nước là “cốt lõi của việc cùng tồn tại giữa nhà nước và thị trường”, “sẽ giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc”.
Theo Nikkei, một tác giả của báo cáo mới đã thừa nhận rằng rất khó để đề cập đến việc thu hẹp khu vực nhà nước khi ông Tập liên tục tuyên bố mục tiêu của ông là thúc đẩy nguồn vốn nhà nước mạnh mẽ hơn, nhiều hơn và hiệu quả hơn.
Ngoài ra, JPMorgan cũng dự kiến tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm còn 5,8% trong năm tới và giảm còn khoảng 4,5% trước năm 2030. Joyce Chang, đứng đầu nghiên cứu toàn cầu của JPMorgan, cho biết hôm 16/9: “Chúng tôi cho rằng trong 10 năm tới, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm khoảng 4,5%” và nói đây còn là dự báo lạc quan.
Bà Chang nhận định thêm: “Khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc, thì phần còn lại của thế giới cũng không là ngoại lệ, đặc biệt các thị trường mới nổi.” Bà dự đoán, mỗi phần trăm sụt giảm trong tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ lấy đi hơn 1 điểm tăng trưởng của Mỹ-Latinh, 0,6 của châu Âu và 0,2 từ Mỹ.