Lãnh đạo đối lập của New Zealand vừa nhận nhiều chỉ trích từ dư luận trong nước, sau khi ông này thể hiện lập trường được cho là “đáng báo động” trong một chuyến thăm Bắc Kinh.
Lãnh đạo đối lập New Zealand Simon Bridges. Ảnh: Lynn Grieveson.
Cụ thể, tuần trước, lãnh đạo đối lập New Zealand Simon Bridges đã có chuyến thăm Trung Quốc kéo dài năm ngày, trong đó bao gồm lịch trình gặp gỡ ông Quách Thanh Côn – một thành viên Bộ Chính trị Trung Quốc.
Theo The Guardian, Ông Quách Thanh Côn trước đây từng là Bộ trưởng Công an Trung Quốc, cơ quan giám sát mọi lực lượng thi hành luật pháp của nước này, trong đó bao gồm lực lượng cảnh sát mật.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông nhà nước CGTN của Trung Quốc, ông Bridges đã chia sẻ rằng sự phát triển và tiến bộ của Trung Quốc khiến ông “rất kinh ngạc”:
“[Trung Quốc] luôn thay đổi… đất nước này luôn phát triển, mọi người có thể cảm nhận được sự thịnh vượng ấy.
Trong vòng 70 năm qua, nền kinh tế của Trung Quốc đã chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục nhất trong lịch sử, và đất nước này cũng đã có nhiều người thoát khỏi cảnh nghèo đói nhất từ trước đến nay.
Tựu chung lại, thì đây là một câu chuyện tuyệt vời, và tôi cho rằng những người dân New Zealand cũng có phần liên quan tới điều này vì chúng ta cũng nằm trong số những người được hưởng lợi trực tiếp từ điều đó”.
Sau đó, ông Bridges còn chia sẻ thêm về điều này trên Facebook cá nhân: “Ngày nay nền kinh tế [của Trung Quốc] đã thay đổi, và họ có quyền tự hào vì đã đưa được hàng trăm triệu người dân thoát khỏi cảnh nghèo đói”.
Ngoài ra, phóng viên của CGTN cũng đã đặt câu hỏi dành cho lãnh đạo đối lập New Zealand về tình hình bất ổn tại Hong Kong. Theo The Guardian, thái độ của ông Bridges gần như trái ngược hoàn toàn với lập trường thận trọng của chính phủ New Zealand, khi ông này một lần nữa khen ngợi Trung Quốc:
“Chúng tôi [New Zealand] hiểu và thừa nhận Hong Kong là lãnh thổ thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Chúng tôi muốn thấy các bên giải quyết vấn đề theo cách hòa bình. Tôi cho rằng quyết định rút hoàn toàn dự luật dẫn độ gần đây của chính quyền là bước đi rất tích cực”, ông Bridges nói.
Cuộc gặp gỡ đáng ngờ?
Chuyến thăm Bắc Kinh và những phát ngôn gần đây của lãnh đạo đối lập New Zealand đã khiến các chuyên gia về Trung Quốc của nước này lo ngại.
Stephen Noakes, một nhà nghiên cứu cấp cao về chính trị Trung Quốc tại đại học Auckland cho rằng ông Bridges đã “loạn trí” khi đưa ra những bình luận tâng bốc Trung Quốc như vậy. Còn theo David Capie, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược tại Đại học Victoria, thì bình luận rằng “việc chính quyền và phe đối lập New Zealand có lập trường và phát ngôn trái ngược nhiều đến vậy là điều đáng báo động”.
Nói về cuộc gặp với cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc, Giáo sư Anne Marie Brady của trường đại học Canterbury, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc, cho biết đây có thể là hành động “bắc cầu” nhằm giúp Bắc Kinh đạt được các cơ hội kinh doanh tại New Zealand, đồng thời cũng giúp ông Bridges nhận được các đặc quyền, đặc lợi từ phía Bắc Kinh.
Phát ngôn viên của lãnh đạo đối lập New Zealand đã từ chối trả lời câu hỏi liệu ông này có biết về mối liên hệ giữa ông Quách và lực lượng cảnh sát mật Trung Quốc hay không; tuy nhiên người này tiết lộ rằng ông Bridges đã tự chi tiền túi cho chuyến thăm Trung Quốc tuần trước.
Phát biểu trước truyền thông trong nước, ông Bridges đã phủ định về việc có thỏa thuận với lực lượng cảnh sát mật Trung Quốc, đồng thời khẳng định rằng chuyến thăm Trung Quốc của ông đã bị hiểu nhầm, và Trung Quốc thực sự là đối tác thương mại đáng giá của New Zealand.
“Mọi người nói rằng ông ấy [Quách Thanh Côn] có liên quan tới cảnh sát mật. Thực tế ông ấy là một trong những quan chức cấp cao hàng đầu Trung Quốc. Tôi rất mong mọi người sẽ có trách nhiệm [khi đưa ra các thông tin như vậy]”, ông Bridges kết luận.