Friday, January 10, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaCựu Ngoại trưởng Philippines kêu gọi đưa vấn đề Biển Đông ra...

Cựu Ngoại trưởng Philippines kêu gọi đưa vấn đề Biển Đông ra Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc

Truyền thông Philippines (18/9) cho biết, cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario kêu gọi Chính quyền Manila tận dụng cơ hội báo cáo trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tuần tới để tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, buộc Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài về phán quyết Biển Đông.

Từ 17-30/9 diễn ra phiên họp thường trực lần thứ 74 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại trụ sở chính ở New York. Tại đây, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ phát biểu trước đại hội đồng để trình bày lập trường của nước họ trước các vấn đề liên quan đến cộng đồng quốc tế. Theo lịch trình, Philippines sẽ có bài phát biểu vào ngày 28/9.

Cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho rằng “đây sẽ là cơ hội tuyệt vời để Philippines nêu vấn đề phán quyết của Tòa trọng tài (7/2016) vì tất cả các quốc gia khác đều ở đó. Philippines có thể là trường hợp để Liên Hiệp Quốc xác nhận lại về các quyền và luật phải tuân thủ”. Ông Del Rosario chia sẻ: “Trong trường hợp của chúng ta, phán quyết của Tòa trọng tài là một chiến thắng to lớn không chỉ cho người dân Philippines mà còn cho cả thế giới. Trừ khi chúng ta cho phép, Trung Quốc không thể tuyên bố Biển Đông thuộc chủ quyền của họ. Bộ Ngoại giao cần xây dựng chiến lược để có thể thuyết phục các quốc gia ủng hộ các quy định của luật biển và Philippines”; nhấn mạnh rất nhiều nước đã thể hiện sự ủng hộ đối với phán quyết của Tòa trọng tài. Cụ thể, Liên minh châu Âu (EU), khối ASEAN, Mỹ, Nhật Bản, Australia và nhiều nước khác đã bày tỏ sự đoàn kết với người Philippines khi kêu gọi hòa bình, giải quyết các tranh chấp và tôn trọng pháp luật quốc tế. Ông Albert del Rosario ví dụ một trường hợp từng sử dụng cách này là Nicaragua. Nicaragua từng thắng trong vụ kiện đòi Mỹ bồi thường trước Tòa án Công lý quốc tế và đã nhờ đến sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc. Mỹ cuối cùng đã cung cấp một gói viện trợ đáng kể cho Nicaragua dù ban đầu phớt lờ phán quyết của tòa. Ngoài ra, ông Albert del Rosario khẳng định các hành động gây hấn của Trung Quốc thời gian qua như vi phạm trắng trợn vùng đặc quyền kinh tế, quấy rối ngư dân, đâm tàu cá của ngư dân, đe dọa các tàu Philippines ở các đảo buộc Manila phải được đưa ra Liên hợp quốc; cho rằng Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế và không tuân thủ phán quyết hợp pháp của tòa án quốc tế, điều này làm suy yếu nền tảng của sự ổn định, hòa bình và an ninh của cộng đồng quốc tế.

Được biết, Tòa Trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA) kết luận rằng tuyên bố của Trung Quốc rằng có “quyền lịch sử” với các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên phần lớn diện tích Biển Đông là vô hiệu. PCA cũng nhấn mạnh không hề có bằng chứng lịch sử nào cho thấy tàu cá Trung Quốc từng kiểm soát vùng biển và tài nguyên ở Biển Đông. Điều này đồng nghĩa Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để tuyên bố cái gọi là “quyền lịch sử” nằm trong “đường lưỡi bò”. PCA cũng tuyên bố rạn san hô ở Biển Đông đã bị ảnh hưởng nặng nề vì hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo và xây dựng trái phép; không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cho Trung Quốc. Tòa án cũng nhận thấy có thể tuyên bố – mà không cần phân định ranh giới – một số khu vực nhất định nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, vì những khu vực này không hề chồng lấn với bất cứ quyền nào của Trung Quốc. Về tính hợp quy của những hành động của Trung Quốc, PCA tuyên bố Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền tại những khu vực nhất định thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, với những hoạt động: (a) can thiệp việc đánh bắt cá và thăm dò dầu khí, (b) bồi lấp đảo nhân tạo trái phép và (c) không ngăn chặn thuyền cá Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế. PCA cũng tuyên bố ngư dân Philippines có quyền đánh bắt cá lâu đời ở bãi Scarborough và Trung Quốc đã vi phạm quyền lợi này bằng cách hạn chế tàu bè Philippines đi vào khu vực. Tòa án tuyên bố lực lượng tàu hành pháp của Trung Quốc tạo ra nguy cơ xung đột nghiêm trọng khi cản trở trái phép tàu cá Philippines. Về việc hủy hoại môi trường biển, PCA xem xét tác động của hoạt động Trung Quốc bồi lấp và xây dựng trái phép đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam và thấy rằng Trung Quốc gây hại nghiêm trọng, không thể khắc phục cho rạn san hô trong khu vực, vi phạm nghĩa vụ và trách nhiệm bảo tồn hệ sinh thái biển cũng như môi trường sống của những loài động vật đang gặp nguy hại. PCA có bằng chứng cho thấy ngư dân Trung Quốc đã săn bắt các loài rùa biển, trai tượng, san hô quý hiếm ở phạm vi rộng trên Biển Đông với những cách thức gây hại môi trường và không có dấu hiệu ngừng lại. Ngoài ra, PCA xem xét hành động của Trung Quốc từ khi vụ kiện bắt đầu và thấy nước này thường xuyên có hành động làm leo thang căng thẳng giữa các bên. Tòa án Trọng tài Thường trực Quốc tế nhận thấy không có thẩm quyền xem xét sự giằng co giữa thủy quân lục chiến Philippines và các tàu hải quân cũng như tàu của lực lượng hành pháp Trung Quốc tại bãi Cỏ Mây, cho rằng tranh chấp này liên quan tới các hoạt động quân sự, và do vậy không đưa vào phạm vi cần giải quyết. PCA thấy rằng việc Trung Quốc bồi lấp trái phép đảo nhân tạo quy mô lớn là không phù hợp với nghĩa vụ của một quốc gia trong quá trình giải quyết tranh chấp. Ngoài ra, Trung Quốc đã gây hại lớn cho môi trường biển, bồi lấp và xây dựng trái phép đảo nhân tạo ở vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, phá hủy các bằng chứng về điều kiện tự nhiên của các cấu trúc địa lý đang có tranh chấp ở Biển Đông.

Đại hội đồng là cơ quan đại diện rộng rãi nhất của Liên hợp quốc, hiện gồm 193 quốc gia thành viên. Các thành viên Đại hội đồng đều bình đẳng, không phân biệt quốc gia lớn hay nhỏ, mỗi quỗc gia thành viên đều được một phiếu bầu. Theo Điều 1 của Hiến chương, Liên hợp quốc được thành lập nhằm bốn mục tiêu: Duy trì hoà bình và an ninh quốc tế; Thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng về quyền giữa các dân tộc và nguyên tắc dân tộc tự quyết; Thực hiện hợp tác quốc tế thông qua giải quyết các vấn đề quốc tế trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá và nhân đạo trên cơ sở tôn trọng các quyền con người và quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da, ngôn ngữ và tôn giáo; Xây dựng Liên hợp quốc làm trung tâm điều hoà các nỗ lực quốc tế vì các mục tiêu chung. Ngoài ra, các nguyên tắc hoạt động chủ đạo của Liên hợp quốc quy định trong Hiến chương là: Bình đẳng về chủ quyền quốc gia; Tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị quốc gia; Cấm đe doạ sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; Không can thiệp vào công việc nội bộ các nước; Thực hiện các nghĩa vụ quốc tế; Giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình.

Trong khi đó, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là cơ quan chính trị quan trọng nhất và hoạt động thường xuyên của Liên Hiệp Quốc, chịu trách nhiệm chính về việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Những nghị quyết của Hội đồng Bảo an được thông qua mà phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc thì bắt buộc các nước hội viên của Liên Hiệp Quốc phải thi hành. Hội đồng Bảo an không phục tùng Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc. Mọi nghị quyết của Hội đồng Bảo an chỉ được thông qua với sự nhất trí của 5 nước thành viên thường trực là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc. Mỗi khi có một nghị quyết của Hội đồng Bảo an không được thông qua do 1 nước thành viên thường trực bỏ phiếu chống, ta nói rằng nước đó đã phủ quyết. Ngoài 5 thành viên thường trực, còn có các nước thành viên không thường trực (các thành viên này do các nước luân phiên nhau đảm nhiệm theo kết quả bầu cử tại Đại hội đồng). Từ 1946 đến 1965, Hội đồng Bảo an chỉ có 6 thành viên luân phiên (theo bầu cử) nhưng con số này sau đó được mở rộng lên 10 thành viên với định mức cho mỗi khu vực như sau: 2 ghế cho các khu vực châu Phi, châu Á, châu Mỹ, và Tây Âu, 1 ghế cho Đông Âu, và ghế còn lại luân phiên giữa châu Phi và châu Á (hiện đang đến phiên của châu Phi). Các nước thành viên luân phiên được chia thành 2 nhóm với nhiệm kỳ 2 năm xen kẽ nhau, tức mỗi năm có 5 thành viên ra đi để nhường chỗ cho 5 gương mặt mới.

Với việc Trung Quốc là một trong năm nước thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, hành động phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông, cũng như việc Trung Quốc không tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ kiện về Biển Đông sẽ khiến cộng đồng quốc tế hiểu rõ bản chất và bộ mặt thật của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới