Hải quân Mỹ (19/9) đã điều 02 máy bay không người lái (UAV) Triton MQ-4C tới căn cứ không quân Andersen ở Guam để hỗ trợ Hạm đội 7 giám sát các hoạt động của Trung Quốc trên biển.
UAV Triton MQ-4C của Mỹ
Theo thông tin trên, các thủy thủ thuộc Phi đội tuần tra không người lái (VUP 19) của Hải quân Mỹ, đơn vị đầu tiên vận hành máy bay không người lái Triton, đã rời căn cứ ở thành phố Jacksonville, bang Florida tới căn cứ không quân Andersen ở Guam để hỗ trợ Hạm đội 7. Đây là lần đầu tiên Hải quân Mỹ triển khai UAV Triton để giám sát ở nước ngoài và việc triển khai này giúp các sĩ quan chỉ huy ở khu vực Thái Bình Dương có được một công cụ mới để giám sát và theo dõi từ xa các động thái trên biển của Trung Quốc.
Về việc Mỹ triển khai UAV ở Guam, một quan chức quốc phòng Mỹ khẳng định, hai drone đang trên đường tới Guam theo kế hoạch nâng cao năng lực hoạt động sớm để đánh giá cách thức chúng hoạt động cùng với máy bay Mỹ hoặc liên minh. Trong những năm tới, đội Triton của Hải quân Mỹ sẽ hoạt động tại 5 căn cứ trên thế giới. Triton là một phần của chương trình giám sát biển trên diện rộng của Hải quân Mỹ. Loại drone hiện đại này có thể bay liên tục hơn 24 giờ ở độ cao trên 16 km, quét đại dương và đất liền với radar 360 độ. Chúng cũng có hệ thống nhắm mục tiêu đa phổ có thể truyền ảnh có độ phân giải cao tới các máy bay khác hoặc tới các trạm mặt đất. Việc để drone đối mặt với máy bay có người lái và tàu thuyền ở khu vực Thái Bình Dương đã trở thành một trong những ưu tiên cao nhất của Hải quân Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc ngang nhiên xây dựng đảo nhân tạo, lắp đặt vũ khí, trong đó có tên lửa đất đối không ở các tiền đồn trên Biển Đông. Theo quan chức trên, trong không trung, máy bay không người lái Triton đã thể hiện năng lực truyền video chất lượng cao cho các máy bay do thám P-8 và các trạm mặt đất, giúp P-8 có cái nhìn rõ ràng hơn, cho phép loại máy bay săn ngầm này tập trung vào nhiệm vụ chính của chúng. Triton cuối cùng sẽ thay thế các máy bay do thám P-3C già cỗi.
Đáng chú ý, thông tin Mỹ đưa UAV Triton MQ-4C tới Guam diễn ra trong bối cảnh drone tiếp liệu Stingray MQ-25 của Hải quân Mỹ đã bay thử thành công lần đầu tiên tại một cơ sở của Boeing ở Mỹ. Các phi công của Boeing đã điều khiển từ xa Stingray chạy đà, cất cánh và bay theo đường bay vạch sẵn trong suốt hai giờ. Hải quân Mỹ coi Stingray là máy bay tiếp liệu của tương lai, đậu trên các tàu sân bay, đảm nhiệm việc tiếp liệu thay cho các máy bay có người lái trong các nhiệm vụ nguy hiểm.
Được biết, vào năm 2008 Bộ Quốc phòng Mỹ và Northrop Grumman đã ký một hợp đồng dài hạn trị giá 1,164 tỷ đô la dành cho việc phát triển và xây dựng các loại máy bay không người lái, đặc biệt chúng có thể thay thế cho các loại máy bay trinh sát trên. Sau một thời gian làm việc tích cực các nhà nghiên đã cho ra mắt máy bay không người lái MQ-4C Triton. UAV MQ-4C Triton hoàn thành chuyến bay đầu tiên vào tháng 10/2014 và sau 2 năm thử nghiệm Hải quân Mỹ đã đặt hàng loạt UAV này. Vào tháng 5/2017 đại diện Hải quân Mỹ đã tuyên bố rằng, quân đội Mỹ đã đặt hàng thêm 3 chiếc loại này cùng với các thiết bị mặt đất dành cho chúng. Giá trị hợp đồng này ước tính khoảng 303,9 triệu USD. Theo kế hoạch MQ-4C Triton đầu tiên sẽ được trang bị cho căn cứ quân sự “Point Mag” (California). Sau đó vào cuối năm 2017 Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục nhận được chiếc MQ-4C thứ 2 và trong năm 2018 hai chiếc loại này được bàn giao và trang bị cho các lực lượng trên đảo Guam. Ông Doug Schaffer, Phó chủ tịch phụ trách chương trình Triton của Northrop Grumman cho biết, “Triton” là một hệ thống không người lái dạng HALE (high-altitude, long-endurance), cho phép bảo đảm sự tự chủ quan trọng cho Hải quân Mỹ, mở rộng khả năng tuần tra, giám sát trên biển.
MQ-4C Triton là loại máy bay không người lái công nghệ cao với thời gian hoạt động trên không dài, có nhiệm vụ thu thập thông tin, giám sát và trinh sát ở các vùng ven biển cũng như trên chiến trường. Triton được phát triển dựa trên cơ sở máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk, do Northrop Grumman phát triển. Mỗi hệ thống Trion hoàn chỉnh gồm một trạm chỉ huy mặt đất với 4 sĩ quan điều khiển và các máy bay không người lái. Máy bay dài 14,5 m, có sải cánh 40 m và khối lượng rỗng 6,7 tấn. Một chiếc MQ-4C có thể làm nhiệm vụ liên tục trong 30 giờ, tầm hoạt động 15.200 km, trần bay 18 km và đạt tốc độ tối đa 575 km/h. So với dòng RQ-4 nguyên bản, những chiếc MQ-4C được gia cố khung thân, giúp chống chịu mưa đá, chim và sét đánh, cùng hệ thống chống đóng băng trên cánh. Dòng Triton cũng có thể nhanh chóng hạ độ cao xuống gần mặt biển để nhận diện tàu bè, tính năng không có trên mẫu Global Hawk. Hệ thống Triton có nhiệm vụ cung cấp dữ liệu tình báo, trinh sát và do thám (ISR) theo thời gian thực tại các vùng đại dương rộng lớn và duyên hải gần bờ, cũng như tham gia hoạt động tuần thám biển, tìm kiếm cứu hộ và hỗ trợ những trinh sát cơ P-8A Poseidon. Cảm biến chính của Triton là radar mảng pha quét điện tử chủ động AN/ZPY-3, có khả năng quan sát khu vực rộng 5.200 km2 chỉ trong một lần quét ở độ cao 17 km. Khi hoạt động ở tầm thấp, Triton có thể triển khai tổ hợp quang điện – hồng ngoại MTS-B tương tự mẫu MQ-9 Reaper, kèm theo đó là thiết bị chỉ thị và đo xa laser.
Thiết bị trinh sát được trang bị trên loại UAV này bao gồm hệ thống radar đa chức năng, máy quay video, cảm biến điện quang/hồng ngoại, phương tiện trinh sát vô tuyến, hệ thống nhận dạng tự động và hệ thống thiết bị thu- phát. Nhờ các hệ thống, thiết bị này cho phép UAV phát hiện và tự động phân loại các đối tượng, mục tiêu trên mặt biển, mặt đất. Sau đó các thông tin sẽ được chuyển về cho bộ chỉ huy và tiến hành các biện pháp tiếp theo. Việc trang bị loại UAV trinh sát tầm xa này sẽ tạo điều kiện cho Hải quân Mỹ trong việc thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, đặc biệt trong điều kiện họ đang thực sự thiếu phi công. Ngoài ra với loại phương tiện kích thước nhỏ được trang bị công nghệ cao sẽ khiến các hệ thống phòng thủ của đối phương khó phát hiện hơn. Rõ ràng nếu trang bị loại UAV này khả năng trinh sát của Hải quân cũng như các lực lượng khác sẽ được tăng cường đáng kể.
Máy bay cũng được lắp hệ thống hỗ trợ điện tử (ESM) dạng module tương tự máy bay do thám EP-3, cho phép phát hiện và nhận dạng tín hiệu radar từ xa, giúp xác định vị trí của lực lượng đối phương. Dữ liệu từ Triton có thể được dùng để xây dựng bản đồ phân bố lực lượng đối phương, từ đó lên kế hoạch tiến công hoặc bảo đảm an toàn cho đồng minh.
Ngoài nhiệm vụ trinh sát, MQ-4C cũng có thể đóng vai trò trạm trung chuyển và tổng hợp dữ liệu, cho phép kết nối các đơn vị nằm cách xa nhau trên chiến trường, xây dựng bức tranh không gian chiến trường và phân phối tới từng lực lượng. Hải quân Mỹ đang là lực lượng duy nhất vận hành dòng MQ-4C với 68 máy bay được đặt hàng, trong đó hai chiếc đã được bàn giao và biên chế cho Phi đoàn tuần tra không người lái số 19. Australia hồi năm ngoái ký hợp đồng 5,1 tỷ USD để mua 6 chiếc MQ-4C cùng hệ thống đi kèm, trong khi Đức cũng tỏ ý muốn sở hữu dòng UAV này vào năm 2025.