Saturday, November 16, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaSau Thị Tứ, TQ điều tàu cản trở hoạt động tiếp tế...

Sau Thị Tứ, TQ điều tàu cản trở hoạt động tiếp tế của Philippines ở bãi Cỏ Mây

Giới chức Philippines (14/5) cho biết, Trung Quốc đã điều tàu Hải cảnh 3305 ngăn chặn nhóm tàu tiếp vận dân sự của Manila khi đang di chuyển đến bãi Cỏ Mây; cho rằng có thời điểm hai bên chỉ cách nhau chưa đầy 1.600 m.

Chiến lược “bủa vây” trái phép của Trung Quốc

Theo thông tin trên, sự việc xảy ra khi tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 3305 chặn đường nhóm tàu tiếp vận dân sự Philippines đang di chuyển tới bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Cardozo Luna cho biết Bắc Kinh thường duy trì một tàu hải cảnh gần bãi Cỏ Mây để giám sát hoạt động của tàu cá Philippines, cũng như nhiệm vụ tiếp tế cho BRP Sierra Madre. Được biết, quân đội Philippines sử dụng tàu chiến cũ nát BRP Sierra Madre mắc cạn ở bãi Cỏ Mây như một tiền đồn để duy trì sự hiện diện ở khu vực này từ năm 1999. Trên tàu có một đơn vị thủy quân lục chiến đồn trú và phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tiếp tế từ đất liền.

Đây không phải lần đầu Trung Quốc quấy nhiễu, bao vây, ngăn chặn tàu Philippines hoạt động trên Biển Đông. Vào tháng 4/2012, khi lực lượng hải quân Philippines bắt giữ các tàu cá đang đánh bắt không phép tại khu vực Scarborough (Việt Nam không tuyên bố chủ quyền với bãi cạn này), thì Trung Quốc đã điều động các tàu hải giám và các tàu cá lân cận với số lượng đông hơn hẳn để “bủa vây” các tàu của Philippines, tạo nên cuộc đối đầu căng thẳng gần 2 tháng sau đó. Cùng lúc với thế trận bủa vây áp đảo ở Scarborough, chính phủ Trung Quốc sử dụng truyền thông đại chúng của họ vin vào cớ Philippines dùng đến hải quân trong tranh chấp dân sự để cáo buộc Philippines “quân sự hóa tranh chấp”, đồng thời tuyên bố cấm vận nhập khẩu một số mặt hàng nông nghiệp chủ lực từ Philippines. Với một tình thế bất khả kháng trên thực địa, kết hợp với những tổn hại nghiêm trọng về thương mại, chính phủ Philippines tỏ ra kiệt sức và chấp nhận lui tàu sau khi phía Mỹ đứng ra làm trung gian hòa giải. Chỉ đợi như vậy, cho rằng phía Mỹ không có quyền can thiệp vào vấn đề này, Trung Quốc cho tàu phong tỏa bãi Scarborough cho đến hiện nay.

Sau thắng lợi bất ngờ nhờ “bủa vây” Scarborough, Trung Quốc lấn sang siết chặt vòng vây đối với bãi Cỏ Mây nhằm cô lập đường tiếp tế cho từ đất liền, với hy vọng phía Philippines sẽ sớm rút quân vì kiệt sức như trước. Tháng 3/2014, Trung Quốc đã 2 lần tìm cách cô lập, ngăn cản các hoạt động tiếp tế của phía Philippines. Lần tiếp tế thứ 2 hôm 29/3/2014 tàu Trung Quốc đã ngăn cản bất thành khi tàu Philippines đưa theo nhiều phóng viên quốc tế đi cùng ra bãi Cỏ Mây. Cuộc đối đầu này đã được chứng kiến bởi phóng viên của hãng tin AP và hơn 10 đại diện của các hãng truyền thông khác được quân đội Philippines mời lên tàu chính phủ để “mục sở thị” những gì mà chính quyền Manila gọi là “sự bắt nạt của Trung Quốc” trong vùng biển tranh chấp. Theo AP, đó là một cái nhìn cận cảnh hiếm hoi về tình hình căng thẳng tại Biển Đông và sự cương quyết của các bên. Sự cứng rắn, hung hăng trong tranh giành chủ quyền của Trung Quốc đang báo động các quốc gia nhỏ hơn có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh và khiến Mỹ – quốc gia trung lập trong các tranh chấp nhưng đang cạnh tranh giành ảnh hưởng với Bắc Kinh trong khu vực lo ngại. Hai nhà báo AP thuật lại rằng, có đến 4 tàu tuần duyên Trung Quốc đang bao vây Bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông khi tàu Philippines tiến đến gần. Hai trong số 4 tàu Trung Quốc sau đó đã rượt đuổi tàu Philippines và cố ngăn không cho tàu này tiến vào khu vực này. Khi chỉ còn cách Bãi Cỏ Mây 1 giờ đồng hồ, một tàu tuần duyên Trung Quốc mang số hiệu “1141” đã hai lần cắt ngang mũi tàu Philippines nhằm không cho tàu này tiếp tục tiến tới. Trong khi đó, một chiếc khác cũng bám đuôi chiếc tàu Philippines có trọng tải nhỏ hơn này. Sau gần 2 giờ rượt đuổi, thuyền trưởng tàu tiếp tế lái chiếc tàu vào vùng nước cạn, nơi các tàu Trung Quốc không vào được, để đến cạnh chiếc chiến hạm BRP Sierra Madre.

Đến ngày 3/5/2015, 5 chiếc tàu Trung Quốc đã xuất hiện xung quanh khu vực này, bao gồm 1 tàu khảo sát, 1 tàu hộ vệ hải quân và 3 tàu Cảnh sát biển. Hành động ngang ngược trên của Trung Quốc đã buộc không quân Philippines phải sử dụng máy bay thả đồ tiếp tế cho lực lượng thủy quân lục chiến đang đóng chốt ngoài bãi Cỏ Mây. Lần này Philippines tiếp tế thức ăn nhanh, nước uống đóng chai, bánh mì các loại, đồ hộp và sách báo do người dân đóng góp cho lực lượng đồn trú ngoài bãi Cỏ Mây.

Các năm sau, nhiều báo cáo ghi nhận các tàu Trung Quốc tiếp tục lấn sang hiện diện ở bãi Hải Sâm (phía Bắc Cỏ Mây) vào 2016, bãi cạn Luconia (phía Nam Cỏ Mây) vào 2017. Đến tháng 5/2018, Trung Quốc lại điều tàu chiến và trực thăng ngăn cản tàu Philippines tiếp tế cho lực lượng đồn trú ở bãi Cỏ Mây. Theo đó, một biên đội hỗn hợp của Trung Quốc gồm tàu hải cảnh mang số hiệu 3368 và tàu hải quân mang số hiệu 549 đã tìm cách ngăn cản và đe dọa tàu BRP Benguet của hải quân Philippines đang tiếp tế cho lính đồn trú ở bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Giới chuyên gia nhận định, “ngoại giao vây lấn” của Trung Quốc không chỉ là sự kết hợp giữa các hoạt động phong tỏa trên thực địa với số lượng áp đảo với các bước đi về “ngoại giao ngân lượng” (tạo đòn bẩy kinh tế thu hút lãnh đạo đối phương), mà còn rất tinh vi trong việc sử dụng “lực lượng phức hợp” bao gồm quân đội chính quy (quân sự), các tàu chấp pháp hoặc tàu nghiên cứu đa ngành (lưỡng dụng) và dân quân biển (dân sự). Trong đó, “đội quân thứ 3” là dân quân biển đóng vai trò chủ công và các thực thể “chưa có đồn trú” (đặc biệt là các bãi cạn) là những mục tiêu trọng yếu, đánh vào đúng các “vùng xám” của luật pháp quốc tế.

Bắc Kinh nói gì?

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh từng tuyên bố, tàu chiến Philippines “mắc cạn” tại bãi đá Cỏ Mây do “trục trặc” năm xưa, Trung Quốc tiếp tục yêu cầu Philippines kéo tàu ra khỏi bãi đá, nhưng Philippines vẫn không thực hiện cam kết viện cớ vì nguyên nhân kỹ thuật. Việc tàu chiến “mắc cạn” không hình thành sự chiếm đóng phi pháp đối với bãi đá Cỏ Mây, Trung Quốc quyết không chấp nhận Philippines xâm chiếm trái phép bãi đá Cỏ Mây dưới bất cứ hình thức nào. Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh cho biết, Trung Quốc một lần nữa thúc giục Philippines thiết thực thực hiện cam kết, không áp dụng hành động khiêu khích làm cho tình hình càng thêm phức tạp, đóng góp xứng đáng cho giữ gìn hoà bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác tại Biển Đông.

Đáng chú ý, để cổ xúy cho hành động phi pháp của Chính quyền Trung Quốc, La Viện, một viên Thiếu tướng về hưu, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Xúc tiến văn hóa chiến lược Trung Quốc đã đưa ra 6 phương án chiếm đoạt bãi Cỏ Mây nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, hiện Philippines đang cắt cử lực lượng chiếm đóng tại đây. Theo La Viện, “Philippines là kẻ gây rắc rối ở Biển Đông. Gần đây Philippines đơn phương phá hoại nhận thức chung mà Trung Quốc và nước này đã thống nhất về việc giải quyết tranh chấp Biển Đông, khăng khăng kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực Liên Hợp Quốc ở The Hague. Tổng thống Philippines còn nhục mạ Trung Quốc là phát xít. Quân đội Philippines đang gia cố chiến hạm cũ trên bãi Cỏ Mây, chuẩn bị đưa chiến đấu cơ và chiến hạm vào căn cứ Subic, tăng cường sức mạnh quân sự trên Biển Đông, nghênh ngang tuyên bố đối phó với Trung Quốc. Trước các hành vi khiêu khích gây hấn của Philippines, chúng ta cần phải cho họ biết rằng khiêu khích sẽ phải trả giá, cái giá phải trả sẽ lớn hơn cái họ được, chỉ có như thế mới khiến Philippines thấy mà rút lui”. Đồng thời La Viện cho rằng: “Thủ đoạn mà Philippines lựa chọn ở Biển Đông là khuấy cho đục nước, biến vấn đề chủ quyền thành vấn đề quyền hàng hải. Bản chất tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông là vấn đề chủ quyền đối với các đảo, nhưng Philippines lại kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài thường trực về Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) chẳng liên quan gì đến chủ quyền. Philippines biết rõ rằng UNCLOS chỉ bàn về hoạch định các vùng nước như nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế, vùng biển quốc tế chứ không bàn vấn đề chủ quyền. UNCLOS chỉ quản biển chứ không quản đất, trong khi đất thống trị biển. Nói cách khác chỉ khi nào giải quyết được vấn đề chủ quyền mới đến lượt vấn đề quyền hàng hải. Tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines hiện nay là chủ quyền chứ không phải quyền hàng hải. Chủ quyền nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của UNCLOS, nhưng Philippines lại cố gắng đánh tráo khái niệm của UNCLOS, điên đảo thị phi”. Từ đó, La Viện dâng kế 6 bước chiếm đoạt: “Tôi cho rằng có thể tổ chức họp báo quốc tế về vấn đề bãi Cỏ Mây, nói rõ với dư luận quốc tế về đầu đuôi câu chuyện bãi Cỏ Mây và căn cứ chủ quyền của Trung Quốc, công bố tuyên bố của Philippines năm xưa về việc ‘xin’ đặt chiến hạm mắc cạn ở bãi Cỏ Mây và cam kết sẽ kéo chiến hạm này khỏi đây, giải thích sự chiếu cố của ta với Philippines vì lý do nhân đạo cũng như sự kiềm chế, nhẫn nại của Trung Quốc. Sau khi dư luận quốc tế hiểu được chân tướng sự việc bãi Cỏ Mây, chúng ta có thể đưa ra phương án giải quyết sự kiện bãi Cỏ Mây thấu tình đạt lý: Đôn đốc Philippines tự giác rời xác chiến hạm này, hoặc tháo dỡ mang đi; Xây dựng bảo tàng Cứu nạn cứu hộ hàng hải Trung Quốc ở Bãi Cỏ Mây lấy xác chiến hạm Philippines làm hiện vật để phục vụ tham quan, giáo dục (chủ nghĩa bành trướng đại Hán). Trung Quốc có thể trả chi phí hiện vật cho Philippines; Trung Quốc phái tàu kéo giúp Philippines kéo chiến hạm khỏi bãi Cỏ Mây, theo thông lệ quốc tế thì mọi chi phí sẽ do Philippines thanh toán; Với lực lượng binh sĩ Thủy quân Philippines đồn trú trên xác chiến hạm này, có thể xử lý như quy chế với người tị nạn. chiếu cố nhân đạo; Đối với các tổn thất môi trường do xác chiến hạm Philippines gây ra ở bãi Cỏ Mây trong thời gian dài cần phải được tính lũy tiến; Nếu Philippines rượu mừng không uống muốn uống rượu phạt, chúng ta chỉ có thể cưỡng chế tháo dỡ xác chiến hạm của Philippines, bắt giữ binh lính đồn trú và chiếm bãi Cỏ Mây”.

Nguy cơ xảy ra xung đột quân sự

Hải quân Philippines rõ ràng là thua xa hải quân Trung Quốc, và thiếu khả năng bảo vệ sự hiện diện của mình trong trường hợp Trung Quốc quyết tâm đánh bật Manila ra khỏi bãi Cỏ Mây. Hiện có hai kịch bản cho một cuộc giao tranh quân sự tiềm năng giữa Philippines và Trung Quốc.  

Thứ nhất, nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục phong tỏa việc tiếp tế hậu cần cho binh sĩ Philippines tại bãi Cỏ Mây, Manila có thể sẽ sử dụng trực thăng để thực hiện việc tiếp tế. Sự can thiệp của Trung Quốc vào các hoạt động này có thể dẫn đến giao tranh bằng hỏa lực và xảy ra thương vong. Theo Ian Storey, một học giả tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, căng thẳng tại Bãi Cỏ Mây còn nguy hiểm hơn vụ tranh chấp chủ quyền với bãi cạn Scarborough. Ông Ian Storey nhận định: “Thật khó có thể tưởng tượng Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực để đoạt quyền kiểm soát Bãi Cỏ Mây nhưng khả năng, Bắc Kinh sẽ phong toả đường tiếp tế hậu cần cho nhóm lính đồn trú của Philippines tại đây, trên chiếc tàu cũ. Nguy cơ leo thang hoặc tính toán sai lầm là hoàn toàn hiện hữu”.

Thứ hai, nếu Philippines cố gắng xây dựng cơ sở hạ tầng ở bãi Cỏ Mây, thì Bắc Kinh có khả năng sẽ nắm bắt cơ hội này để công khai buộc tội Philippines là có hành động khiêu khích để khởi động cái gọi là “chiến lược bắp cải” của mình.

Cả hai kịch bản nói trên đều có nguy cơ dẫn đến leo thang xung đột quân sự. Và ngay cả khi tránh được xung đột, thì căng thẳng tăng cao vẫn có thể là một đòn giáng vào những nỗ lực khởi động các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử giữa Trung Quốc và các thành viên của ASEAN tại Biển Đông.

Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Bãi Cỏ Mây là một rạn san hô vòng thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa, dài 15 km và rộng 5 km nằm trên cửa ngõ chiến lược đến bãi Cỏ Rong, khu vực được cho là có trữ lượng dầu khí lớn. Rạn vòng này nằm về phía Đông Nam của đá Vành Khăn và cách bãi Sa Bin 35 hải lý (64,8 km) về phía Tây. Bãi này nằm cách đảo Palawan của Philippines 105 hải lý.

Bãi Cỏ Mây nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam hiện đang bị Trung Quốc, Philippines và Đài Loan tranh giành trái phép. Vào năm 1999, Philippines đã cho tàu BRP Sierra Madre, là tàu vận tải đổ bộ thời Thế chiến thứ hai, ủi thẳng vào bãi Cỏ Mây nhằm thiết lập sự hiện diện tại khu vực này. Từ đó đến nay, dù đã rỉ sét nhưng chiếc tàu chiến vẫn là căn cứ đồn trú của một tiểu đội thủy quân lục chiến Philippines.

RELATED ARTICLES

Tin mới