Trung Quốc hiện được cho là đã bắt kịp Mỹ về công nghệ chế tạo máy bay không người lái (UAV). Trong đó, có nhiều loại hình UAV có tốc độ siêu thanh, trang bị nhiều thiết bị hiện đại.
Vô Trinh-8 (WZ-8)là máy bay trinh sát không người lái siêu thanh tầm cao của Trung Quốc. WZ-8 hiện chỉ phán đoán được rằng nó là một máy bay trinh sát chiến lược tầm cao có thể sánh với máy bay trinh sát chiến lược cao không SR-71 Blackbird của Mỹ. Tuy nhiên, SR-71 Blackbird là máy bay trinh sát Mach 3 được phát triển ở Mỹ vào những năm 1960 để bù đắp cho việc kém khả năng cơ động của máy bay trinh sát tầm cao U-2. Mặc dù nó có kỷ lục là máy bay có người lái tốc độ nhanh nhất (Mach 3.3) và kỷ lục bay ở độ cao nhất thế giới (trừ máy bay MiG-25 từng phá vỡ kỷ lục), có thể lên cao tới 80.000 mét chụp ảnh với độ quét 72 km2 mỗi giây bề mặt Trái Đất, nhưng vẫn chưa đạt tiêu chuẩn siêu thanh Mach 5 trở lên. Các nhà quan sát cũng cho rằng nhiệm vụ hiện tại của WZ-8 là tiến hành trinh sát các tên lửa chống hạm/tên lửa đất đối đất tầm trung và tầm xa, nhưng nó cũng có thể thực hiện các nhiệm vụ trinh sát bí mật xuyên thủng mạng lưới phòng không đối phương nhờ thiết kế tàng hình cực tốt. Phạm vi nhiệm vụ của nó được cho là bao trùm toàn bộ Tây Thái Bình Dương.
Lợi kiếm được thiết kế bởi Viện Thiết kế Thẩm Dương, Tập đoàn Công nghiệp Hongdu Aviation sản xuất, sử dụng động cơ phản lực do Trung Quốc sản xuất, tải trọng tối đa lên đến 10 tấn; thiết kế cánh và cửa xả có tính năng tàng hình. Về khả năng tấn công, một mô hình máy bay thử nghiệm đã được công bố vào tháng 12 năm 2017 cho thấy hai khoang bom bên dưới, mang bốn quả bom dẫn đường vệ tinh nhỏ ở một bên và một quả bom dẫn đường vệ tinh lớn ở phía bên kia. Cửa khoang bom được xử lý tàng hình răng cưa, cho thấy máy bay đã được sản xuất hàng loạt và đưa vào giai đoạn chiến đấu thực tế. Điều này làm cho nó ngoài việc có các khả năng trinh sát thông thường trên không, giám sát chiến trường, tiêu diệt mục tiêu được chỉ định, đồng thời có thể chế áp hệ thống phòng không của đối phương và tấn công mặt đất. Đáng chú ý, các nguồn tin giấu tên trong Hải quân thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) gần đây nói với tờ South China Morning Post (SCMP) rằng, các công tác chuẩn bị cuối cùng đã được thực hiện để đưa UAV tàng hình Lợi kiếm vào hoạt động trước cuối năm nay. Theo đó, Lợi kiếm nhiều khả năng sẽ được trang bị cho tàu san bay và tàu đổ bộ trực thăng của Trung Quốc. Việc sử dụng UAV trên tàu sân bay và tàu chiến là xu hướng (đối với lực lượng hải quân) trên toàn thế giới”, nguồn tin từ hải quân Trung Quốc nhận định và cho biết, Trung Quốc cũng không ngoại lệ. Theo nguồn tin này, UAV Sharp Sword sẽ tập trung vào nhiệm vụ trinh sát, thu thập thông tin tình báo cho các hệ thống tên lửa trên tàu, cho phép tên lửa tấn công chính xác các mục tiêu cách xa 300 km đến 400 km.
Sky Hawk, UAV cánh bằng cho tàu sân bay. Tập đoàn hàng không Shenyang – doanh nghiệp quốc doanh của Trung Quốc được cho là đang nghiên cứu, chế tạo máy bay không người lái cánh bằng hoạt động trên tàu sân bay. Theo nhiều chuyên gia quân sự thế giới, những công nghệ quốc phòng do các kỹ sư Trung Quốc làm chủ và phát triển sẽ hỗ trợ máy bay không người lái quân sự bay nhanh hơn, tầm hoạt động xa hơn và khó bị phát hiện hơn. Đây là chiếc UAV dạng cánh bay Sky Hawk, tương tự như chiếc X-47 của Mỹ, lần đầu tiên được xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng ngày 09/01/2018. Chuyên gia Tống Trung Bình của Trung Quốc cho biết mẫu UAV này đang được phát triển theo lịch đúng kế hoạch và có tính khả thi cao; hệ thống điều khiển của UAV có thiết kế kiểu “cánh bay” khó hơn nhiều so với hệ thống điều khiển máy bay không người lái có thiết kế thông thường. Được trang bị động cơ phản lực, UAV này sẽ bay nhanh hơn và xa hơn so với máy bay cánh quạt hoặc động cơ piston truyền thống. Cùng quan điểm trên, CCTV cho rằng với thiết kế khí động học kiểu “cánh bay”, tương tự máy bay ném bom tàng hình B-2 của Mỹ, đây là máy bay không người lái tầm cao, tầm xa và tốc độ cao, có khả năng thực hiện nhiệm vụ trinh sát và tuần tra trong môi trường phức tạp. Một chuyên gia dấu tên cho biết, chiếc UAV dạng “cánh bay” vừa được tiết lộ còn được đặt tên là Sky Hawk- sẽ trang bị cho các tàu sân bay tương lai của Trung Quốc. Các hàng không mẫu hạm PLA trong tương lai được cho là sẽ trang bị máy phóng điện từ có khả năng phóng nhiều loại máy bay. Sky Hawk nhỏ hơn CH-7 nên thuận tiện hơn khi sử dụng trên tàu sân bay.
UAV Dực Long: Dực Long II bề ngoài gần như sao chép hoàn toàn UCAV MQ-9 Reaper của Mỹ ở biến thể hiện đại hóa ER, còn có tên là Block 5. MQ-9 Reaper có cánh dài và các cánh con giúp tăng tầm bay. Dực Long II có chiều dài 11 m, chiều cao 4,1 m, sải cánh 20,5 m, tốc độ đến 340 km/h và độ cao bay đến 9.000 m, trọng lượng cất cánh tối đa 4,2 tấn, có thể mang 480 kg vũ khí lắp dưới cánh và bay trên không liên tục đến 20 giờ. Theo thông báo của Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc (25/12/2018), chiếc máy bay thứ 100 trong series UAV Dực Long đã hoàn thành nghiệm thu tại thành phố Thành Đô trước khi bàn giao cho khách hàng nước ngoài. Với việc hoàn thành chiếc máy bay không người lái lưỡng dụng thứ 100 này, Trung Quốc gọi đây là kỷ lục mới trong xuất khẩu thiết bị UAV và dấu mốc mới trên con đường phát triển series máy bay không người lái Dực Long do Trung Quốc tự chủ nghiên cứu chế tạo. Được biết, Viện thiết kế máy bay Thành Đô thuộc Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu chế tạo các loại máy bay không người lái đa dụng từ năm 2005. Đến nay, Tập đoàn này đã phát triển được hai phiên bản máy bay loại này là Dực Long I và Dực Long II, đồng thời xuất khẩu sang nhiều nước Trung Á, Trung Đông và châu Phi.
CH-5 của Trung Quốc có thiết kế giống MQ-9 Reaper của Mỹ được cho là sẽ trở thành đối thủ trên thị trường xuất khẩu khi có giá thành chỉ bằng một nửa. UAV CH-5 của Trung Quốc được cho là có thể mang theo tới 16 tên lửa không đối đất với khả năng tấn công mạnh mẽ và có thể hoạt động liên tục trong thời gian gần 2 ngày. Ngoài ra, nếu cấu hình cho nhiệm vụ trinh sát, CH-5 có thể bay liên tục tới 120 giờ, phạm vi hoạt động tới 10.000 km. Sự bền bỉ này cho phép CH-5 bay tới mục tiêu cách 3.000 km và hoạt động liên tục hơn 20 giờ. Ngoài ra, nó có thể được vận hành bởi sinh viên đại học với kiến thức cơ bản về hàng không chỉ sau một hoặc 2 ngày đào tạo. Điều này là do sự đơn giản của giao diện người dùng, các hoạt động cất hạ cánh có thể được tự động hóa. UAV này cũng có thể sửa đổi để trở thành hệ thống cảnh báo sớm giá rẻ, hoặc trang bị các bộ cảm biến công nghệ cao như radar xuyên tường và đất do Trung Quốc sản xuất. Điều thú vị hơn nữa là kỹ thuật lập trình và kênh truyền dữ liệu của CH-5 cho phép các nhân viên điều khiển liên kết với UCAV khác như CH-3 và CH-4 để thực hiện các phi vụ chung của nhiều UCAV. Tuy nhiên, UAV CH-5 có điểm yếu lớn so với Reaper của Mỹ. MQ-9 có trần bay từ 12-15 km, trên tầm bắn của vũ khí phòng không tầm thấp. Trong khi đó, CH-5 có trần bay khoảng 9 km nên rất dễ bị tấn công. CH-5 là một phiên bản thuộc dòng UAV Rainbow do Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Trung Quốc (CASC) sản xuất. Theo trang web của CASC, công ty đã bán các mẫu UAV dòng Rainbow cho hơn 10 quốc gia trên thế giới với số lượng sản xuất hàng năm vượt quá 200 chiếc, đưa nó trở thành một trong những UAV quân sự phổ biến nhất thế giới.
UAV trực thăng Blowfish I trang bị bom. UAV này do công ty CATIC (China National Aero-Technology Import & Export Corporation) phát triển và có thể bay ở độ cao từ cực nhỏ đến trung bình, trong mọi thời tiết, được trang bị hệ thống điều khiển thế hệ mới. Trạm điều khiển mặt đất bao gồm 1 máy tính cá nhâncó khả năng lập trình các kịch bản bay khác nhau. Ngoài ra UAV có chế độ bay tự hoạt. Blowfish I có trọng lượng 9,5-12 kg, chạy bằng động cơ điện, có thể mang tải trọng đến 12 kg (3 quả bom nhỏ dưới thân), tốc độ 70-90 km/h, thời gian bay liên tục 45-60 phút, chịu được tốc độ gió đến 17 m/s khi cất và hạ cánh, độ cao bay tối đa 5.100 m, có thể sử dụng ở dải nhiệt độ từ -20 đến +55 độ C.
CH-805 là một UAV dạng cánh bay, có sải cánh 4m, có thể bay với tốc độ dưới âm cao. Tiết diện radar của nó là 0,01m2 cho thấy nó có vai trò làm mục tiêu dùng để mô phỏng máy bay tàng hình cho các tiêm kích và tên lửa phòng không Trung Quốc trong diễn tập. Tuy nhiên, với tính năng bay cao, nó có thể trở thành ứng viên tốt để cải tiến cho mục đích tác chiến như làm UAV phóng thả từ các máy bay tiêm kích và ném bom của Trung Quốc. CH-805 có thiết kế cánh bay tàng hình phù hợp sử dụng làm mục tiêu trong diễn tập phòng không và thử thiết bị
CK-20 là mục tiêu bay siêu âm đang ở giai đoạn phát triển cao. Là một máy bay 5,5 tấn, lắp 1 động cơ có kích thước tương đương một máy bay tiêm kích phản lực huấn luyện, CK-20 có thể bay ở độ cao 18 km, đạt tốc độ đến 1,8M. CK-20 có thể thực hiện chuyến bay đầu tiên vào khoảng năm 2020, và giống như CH-805, nó có các đặc tính tàng hình như các cánh đứng ổn định đặt nghiêng. Với tốc độ cao, có thể phát triển CK-20 để hiện nhiệm vụ tác chiến. CK-20 là phương tiện bay tàng hình, siêu âm, được tiếp thị là mục tiêu bay mặc dù kích thước, tốc độ, đặc tính tàng hình cho phép nghiên cứu sử dụng nó cho các mục đích khác
SW-6 là một UAV khác của AVIC phù hợp với cách tiếp cận đó. Với đôi cánh gấp và trọng lượng khoảng 30-50 bảng, đây là UAV nhỏ có thể lắp trên các điểm treo của các trực thăng như Z-11WB và cùng bay với trực thăng cho đến khi phóng thả như một quả tên lửa hay bom. Một trực thăng (hay máy bay, thậm chí một UAV lớn) có thể mang, triển khai và vận hành nhiều SW-6 để tiến hành trinh sát ở phía trước và xung quanh để lùng tìm, phát hiện mục tiêu hay các nguy hiểm như các trận địa phòng không đối phương (và khi cần thì cho SW-6 lao thẳng vào mục tiêu mềm). SW-6 có cánh gấp, có thể lắp khít trên một điểm treo hoặc thả cả chùm bằng dù hàng nên có thể biến thậm chí một trực thăng bé nhất hay một máy bay vận tải lớn nhất thành phương tiện mang UAV có thể dùng các UAV SW-6 để trinh sát mục tiêu địch, phát hiện các mối đe dọa và thậm chí có khả năng hoạt động hỗ trợ như tiếp phát thông tin liên lạc hoặc gây nhiễu trên các biến thể tương lai
CH-500 là một UCAV trực thăng nhỏ sử dụng rotor đồng trục, nặng khoảng 100-200 kg. Sơ đồ 2 rotor đồng trục cho phép loại bỏ rotor đuôi, làm cho kích thước vốn đã nhỏ của nó thậm chí còn nhỏ gọn hơn. CH-500 có thể mang 2 tên lửa chống tăng HJ-10. Nhờ có kích thước nhỏ, trực thăng robot này thích hợp cho các đơn vị nhỏ như tiểu đoàn và đại đội sử dụng, giúp các chỉ huy tiền phương của quân đội Trung Quốc luôn có khả năng sẵn sàng và phản ứng bằng các cuộc không kích. CH-500 là UAV trực thăng nhỏ có rotor đồng trục, nhưng có sức mạnh hỏa lực lớn với 2 tên lửa chống tăng.