Từ 22-24/9, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thăm chính Singapore nhằm thúc đẩy quan hệ song phương, nhất là lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng, giáo dục – đào tạo, văn hóa, Biển Đông.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Singapore Tiêu Chí Hiền
Quan hệ Việt Nam – Singapore
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ và hiệu quả trên tất cả các kênh Đảng, Quốc hội, Chính phủ và giao lưu nhân dân. Hai bên đã tích cực phối hợp triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng, giáo dục – đào tạo, văn hóa…
Về chính trị, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn và tiếp xúc ở cấp cao và các cấp. Không những vậy, Việt Nam và Singapore thường xuyên hợp tác và phối hợp chặt chẽ trong khuôn khổ ASEAN và các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhằm không ngừng nâng cao vai trò và vị thế của hai nước trong ASEAN cũng như trên thế giới, góp phần giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực. Đồng thời, hai nước cũng đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy liên kết, kết nối khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển; nâng cao năng lực ứng phó hiệu quả và kịp thời với các thách thức đang nổi lên; tích cực đóng góp vào nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải ở Biển Đông.
Hợp tác quốc phòng – an ninh cũng ngày càng được mở rộng, tăng cường một cách thực chất và hiệu quả, nhất là trong các lĩnh vực giao lưu tàu hải quân, chống khủng bố, an ninh mạng…
Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước trong những năm qua không ngừng phát triển và mở rộng. Singapore giữ vững là nhà đầu tư vào Việt Nam lớn nhất trong ASEAN và thứ 3 trên thế giới, sau Hàn Quốc và Nhật Bản, với 2.190 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 48 tỷ USD, trải trên 18/21 ngành theo hệ thống phân ngành của Việt Nam. Hiện Singapore đã đầu tư tại 48/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Về thương mại, Singapore hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam trong ASEAN và thứ 6 trên thế giới. Tính đến tháng 10/2018, kim ngạch thương mại song phương đạt 17,3 tỷ USD. Cơ cấu thương mại cải thiện theo hướng cân bằng hơn.
Vấn đề Biển Đông trong quan hệ Việt Nam – Singapore
Trong vấn đề Biển Đông, mặc dù Singapore là nước không có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc và các nước, song nước này nhận thức rõ việc duy trì hòa bình, an ninh ổn định ở Biển Đông và hợp tác trong khu vực có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Singapore. Chính sách ngoại giao của Singapore về vấn đề Biển Đông có thể tổng kết như sau: Singapore giữ lập trường trung lập không nghiêng về bên nào; Singapore quan tâm vấn đề Biển Đông là vì Singapore phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế, tự do hàng hải và tự do hàng không tại Biển Đông liên quan đến lợi ích kinh tế của nước này; hy vọng các bên tranh chấp kiềm chế; đồng thời kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ Công ước Liên hợp quốc về luật biển.
Trong khi đó, Việt Nam là một bên liên quan tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và cũng là nước duy nhất có đầy đủ chứng cứ lịch sử, pháp lý khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và các vùng biển phụ cận. Trong những năm gần đây, để bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực, cũng như chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ở Biển Đông, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục hợp tác với các nước trong khu vực, cũng như trên thế giới, trong đó có Singapore. Mới đây, tại cuộc tham khảo chính trị Việt Nam – Singapore lần thứ 12 (14/8), hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, kêu gọi kiềm chế, không đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy đàm phán để sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đánh giá cao lập trường của Singapore trong vấn đề Biển Đông, thể hiện trách nhiệm và vai trò tích cực đối với hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như sự đoàn kết và vững mạnh của Cộng đồng ASEAN.
Thời gian tới, Singapore sẽ tiếp tục duy trì quan điểm trung lập do không phải là một bên tranh chấp chủ quyền, nhằm tránh gây căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc và tránh là gia tăng căng thẳng trong nội khối về vấn đề này. Tuy nhiên, để không làm giảm vai trò là đối tác của Mỹ ở khu vực và là thành viên tích cực của ASEAN, Singapore sẽ tiếp tục thúc đẩy vấn đề Biển Đông cũng như hợp tác với Việt Nam, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, đảm bảo an ninh tự do hàng hải và hàng không theo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, tiếp tục kêu gọi phi quân sự hóa, thúc đẩy đàm phán COC và các công cụ giảm thiểu nguy cơ va chạm bất ngờ trên biển.