Thursday, January 16, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaMột số phân tích về quan điểm, xu thế chính sách của...

Một số phân tích về quan điểm, xu thế chính sách của Lào về những diễn biến trên Biển Đông thời gian gần đây

Mặc dù Lào là nước không có các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông nhưng với vai trò là một thành viên của ASEAN và cộng đồng quốc tế, những tuyên bố về quan điểm, chính sách của nước này liên quan Biển Đông đều gây sự chú ý nhất định của dư luận.

Nhìn chung từ năm 2012, Lào theo đuổi nguyên tắc 6 điểm trong vấn đề tranh chấp Biển Đông của ASEAN, gồm: 1. Thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC); 2. Ủng hộ các nguyên tắc thực thi DOC đưa ra năm 2011; 3. Sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC); 4. Tôn trọng hoàn toàn các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS); 5. Tất cả các bên tiếp tục kiềm chế và không sử dụng vũ lực; 6. Giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

Tuy nhiên, năm 2016, khi đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN, Lào công bố chính sách đối với Biển Đông,cho rằng tranh chấp Biển Đông phải được giải quyết thông qua đàm phán song phương giữa các nước liên quan. Đây là lập trường phản ánh quan điểm của Trung Quốc. Lúc đó, Việt Nam và Philippines đều muốn ASEAN hình thành một mặt trận thống nhất để phản đối các hành động hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông. Philippines còn yêu cầu ASEAN ra một thông cáo chung về phán quyết sắp tới đây của Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Haye (Hà Lan) về vụ Philippines kiện đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông. Tuy nhiên, Thủ tướng Lào lại tỏ ý dè dặt, cho rằng các nước ASEAN cần phải “cẩn thận xem xét tình hình” khi công bố một tài liêu như vậy.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 diễn ra tại Thái Lan (7/2019), Lào cùng với các nước đã ra Thông cáo chung của các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại đề mục “Các vấn đề khu vực và quốc tế” nhấn mạnh quan điểm về Biển Đông ở hai mục 75 và 76. “Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông và công nhận lợi ích khi có Biển Đông là vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC. Chúng tôi hoan nghênh sự hợp tác tiếp tục được cải thiện giữa ASEAN và Trung Quốc, được thúc đẩy bởi tiến trình đàm phán thực chất hướng tới hoàn tất COC. Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì và thúc đẩy môi trường thuận lợi cho các cuộc đàm phán COC, do đó hoan nghênh các biện pháp thiết thực có thể làm giảm căng thẳng và nguy cơ xảy ra sự cố, hiểu lầm và tính sai. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện xây dựng lòng tin và khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982. Chúng tôi đã thảo luận về tình hình ở Biển Đông, trong đó một số bộ trưởng đã lo ngại về việc cải tạo đất đai, các hoạt động và sự cố nghiêm trọng trong khu vực, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. Chúng tôi tái khẳng định sự cần thiết phải tăng cường niềm tin, tự kiềm chế trong các hoạt động và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS 1982. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và tự kiềm chế trong việc thực hiện các hoạt động của các bên tuyên bố chủ quyên và những nước khác”.

Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Volachith (7/2019), hai bênđã trao đổi thống nhất về các chủ trương, biện pháp nhằm tiếp tục đưa quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của mỗi Đảng, chiến lược phát triển của mỗi nước trên cơ sở phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi, dành ưu tiên, ưu đãi cho nhau, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho nhau cùng phát triển vì sự phồn vinh của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Đông Nam Á và trên thế giới. Về Biển Đông, Lào nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn ở Biển Đông; ủng hộ vai trò và các nguyên tắc của ASEAN; nhất trí thúc đẩy giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982; cùng các bên liên quan thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và thúc đẩy sớm đạt được COC thực chất và hiệu quả.

Trong chuyến thăm Lào của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (2/2019), hai bên tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn ở Biển Đông; ủng hộ vai trò và các nguyên tắc của ASEAN; nhất trí thúc đẩy giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982; cùng các bên liên quan thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và thúc đẩy sớm đạt được COC thực chất và hiệu quả, góp phần giữ gìn hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Trong chuyến thăm Lào của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân (9/2019), Việt Nam và Lào đã trao đổi về tình hình Biển Đông, trong đó thống nhất quan điểm, cần giữ gìn, bảo vệ hòa bình, ổn định, sự hợp tác và phát triển ở khu vực Biển Đông; kiên trì giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, cùng các nước ASEAN thúc đẩy tiến trình xây dựng COC vì lợi ích chung của cả khu vực ASEAN và hòa bình, ổn định trên thế giới.

Nhìn chung, Lào có giữ lập trường trung lập chung của ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, do sự tác động, chi phối của Trung Quốc, trong những vụ việc cụ thể, Lào có xu hướng thể hiện quan điểm một cách trực tiếp hoặc gián tiếp ủng hộ chính sách của Trung Quốc và theo các sáng kiến do Trung Quốc dẫn dắt. Điều này cũng phản ánh vấn đề chính của ASEAN hiện nay đó là giữ đoàn kết nội khối và tìm kiếm tiếng nói chung các vấn đề quốc tế, khu vực trước sự tác động, lôi kéo của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới