Wednesday, November 20, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaItaly ủng hộ đảm bảo an ninh, an toàn và tự do...

Italy ủng hộ đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông

Giới chức Italy (24/9) tuyên bố cần đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông và giải quyết những tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Trong chuyến thăm Italy, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Phùng Quốc Hiển đã hội kiến Chủ tịch Hạ viện Italy Roberto Fico, hội đàm với Phó Chủ tịch Hạ viện Italy Ettore Rosato.

Trong các cuộc gặp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định Quốc hội Việt Nam luôn ủng hộ và vui mừng trước những bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Italy, mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia để tương xứng với nội hàm của quan hệ Đối tác chiến lược; khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ và phối hợp chặt chẽ với Italy tại các diễn đàn khu vực và quốc tế; đề nghị lãnh đạo Italy ủng hộ việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và EVIPA) nhằm đưa kim ngạch hai nước đạt mốc 6 tỷ USD vào năm 2020 và 10 tỷ USD trong các năm tiếp theo như lãnh đạo hai nước đã thống nhất; đề nghị tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn cấp cao của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, giao lưu nghị sỹ hữu nghị; tăng cường trao đổi kinh nghiệm trong công tác xây dựng pháp luật và giám sát của mỗi nước; tăng cường phối hợp giám sát và đôn đốc thực hiện các thỏa thuận hợp tác mà Chính phủ hai nước đã ký kết, các dự án hợp tác chiến lược.

Phó Chủ tịch Hạ viện Ettore Rosato tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam; mong muốn quan hệ giữa hai nước, hai Quốc hội được tăng cường theo chiều sâu, đồng thời chia sẻ những quan ngại của Việt Nam trong quản trị nguồn nước, xét từ kinh nghiệm của Italy, cho rằng cộng đồng quốc tế cần có biện pháp yêu cầu các nước thượng nguồn đảm bảo an ninh nguồn nước cho những quốc gia vùng hạ lưu.

Về vấn đề Biển Đông, hai bên cho rằng cần đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông và giải quyết những tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). 

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Bế Xuân Trường và Quốc vụ khanh Quốc phòng Italy Angelo Tofalo (10/7) đã chủ trì Đối thoại Chính sách quốc phòng Việt Nam – Italy lần thứ 3. Tại Đối thoại, Thượng tướng Bế Xuân Trường và ông Angelo Tofalo đã trao đổi về tình hình thế giới và khu vực mà hai bên cùng quan tâm. Hai bên đánh giá kết quả quan hệ hợp tác quốc phòng song phương kể từ sau Đối thoại Chính sách quốc phòng Việt Nam – Italy lần thứ thứ 2 và thống nhất các nội dung, biện pháp thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới; đặc biệt là việc phát huy hơn nữa hiệu quả của cơ chế Đối thoại Chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Nhóm Công tác về hợp tác quốc phòng. Đồng thời, hai bên thống nhất tăng cường phối hợp, hợp tác tại các cơ chế, diễn đàn đa phương; duy trì hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, nhất là đào tạo ngôn ngữ; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc thông qua trao đổi chuyên gia về Gìn giữ hòa bình; thiết lập cơ chế hợp tác quốc tế liên quan đến khắc phục hậu quả bom, mìn tại Việt Nam; trao đổi về chuyên môn nghiệp vụ và đào tạo cho lực lượng rà phá bom, mìn…

Được biết, trải qua hơn 45 năm kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, quan hệ Việt Nam – Italy vẫn đang trên đà phát triển tích cực, ngày càng sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa giáo dục và hợp tác địa phương. Về chính trị, hai nước thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao. Các cơ chế hợp tác được duy trì, củng cố như Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng ngoại giao, Đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng và Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế. Hai nước cũng thường xuyên trao đổi, ủng hộ lẫn nhau trên các tổ chức/diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, ASEM, IPU… Về kinh tế, trao đổi thương mại tăng vượt bậc, gấp 3 lần trong vòng 10 năm qua (từ 1,5 tỷ USD năm 2009 lên hơn 4,6 tỷ USD năm 2018). Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn nhất của Italy tại ASEAN và ngược lại, Italy là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Hợp tác văn hóa, giáo dục, du lịch diễn ra sôi động. Số lượng sinh viên Việt Nam du học ở Italy tăng nhanh và hiện đã có hơn 1.000 sinh viên theo học tại Italy dưới các hình thức khác nhau; khoa tiếng Italy của Đại học Hà Nội ngày càng thu hút được nhiều sinh viên Việt Nam. Giao lưu nhân dân ngày càng sôi động, nhất là qua hợp tác giữa các địa phương. Ngày càng có nhiều địa phương hai nước trao đổi, kết nối đối tác, hợp tác như Bình Dương với Vùng Emilia Romagna, Bà Rịa – Vũng Tàu với Vùng Veneto, Hà Nội với Lazio… Lĩnh vực hợp tác đa dạng từ giáo dục đào tạo, quản lý môi trường, đô thị, thành phố thông minh đến nông nghiệp công nghệ cao.

RELATED ARTICLES

Tin mới