Friday, November 15, 2024
Trang chủĐàm luậnMột quốc gia, hai hình ảnh

Một quốc gia, hai hình ảnh

Sự phát triển thần kỳ về kinh tế, éo le thay, lại là nguyên nhân trực tiếp thức tỉnh chủ nghĩa đại Hán bá quyền của những nhà lãnh đạo TQ, mà nạn nhân trước tiên là một số quốc gia láng giềng như VN, PLP, Malaysia

Ông Tập Cận Bình và Lý Diên Niên

    1.Một TQ đang trên đường phát triển, thịnh vượng

Trung Quốc vừa trải qua những ngày sôi động kỷ niệm 70 năm lập quốc.
Một cuộc duyệt binh khổng lồ được tổ chức với sự tham gia của nhiều đội hình, nhiều quân nhân, nhiều khí tài quân sự hiện đại cùng cuộc diễu hành kéo dài tới 80 phút của hơn 10 vạn người trên quảng trường Thiên An Môn lịch sử.
Gương mặt, ánh mắt của mọi người dân TQ đều lấp lánh niềm vui về sự phát triển vượt bậc của đất nước trong 70 năm qua.
Vào thời điểm này, cho dùcuộc chiến thương mại với Mỹ đang diễn ra đầy khốc liệt cũng không ngăn được niềm tin và kỳ vọng của người dân TQ vào sự phục hưng của một nước Trung Hoa vĩ đại.
Tất nhiên, người TQ có lý do tin vào tương lai rực rỡ, huy hoàng đó. 70 năm qua, nhất là hơn 40 năm cải cách mở cửa, dù muốn hay không cũng không thể không thừa nhận, TQ đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng, đến mức, thế giới phải thừa nhận, đó là sự phát triển “thần kỳ”.
Quá nhiều điều để chứng minh nhận định nêu trên.
Năm 1949, khi mới lập nước, 95% dân số TQ dưới ngưỡng nghèo theo tiêu chuẩn của ngân hàng thế giới. Thậm chí, cho tới tận năm 1978, thời điểm TQ bắt đầu Kỷ nguyên cải cách mở cửa, gần 90% dân số TQ sống trong nghèo đói; kinh tế nước này chỉ chiếm 1,5% thị phần kinh tế thế giới; nền kinh tế khép kín, rất ít giao thương quốc tế, chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nông thôn.
Bốn mươi năm sau, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng 33,5 lần, ước khoảng 12.300 tỷ USD, chiếm 15% GDP toàn cầu, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ.
Giai đoạn 1978 – 2017, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm đạt 9,5%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng trung bình hằng năm của nền kinh tế thế giới là 2,9%.2017, GDP bình quân đầu người đã đạt 8.800 USD, được xếp vào nhóm nước có thu nhập trung bình cao.
Số người nghèo ở Trung Quốc giảm từ 770 triệu người năm 1978 xuống còn 30,46 triệu người năm 2017, tức tỷ lệ người nghèo giảm từ 97,5% năm 1978 xuống mức 3,1% năm 2017. Tuổi thọ trung bình của người dân là 76.
Tăng trưởng kinh tế cao kéo theo sự phát triển của các ngành, nghề nền tảng như năng lượng, giao thông vận tải, viễn thông, khoa học, giáo dục, y tế, xây dựng cơ sở hạ tầng… Hằng năm, hơn 3 triệu sinh viên chuyên ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học ở các trường đại học TQ tốt nghiệp, lớn hơn gấp 5 lần so với Mỹ. Trong lĩnh vực viễn thông, TQ đang là cường quốc số 1 về mạng 5G.
Kinh tế phát triển tạo điều kiện để TQ tăng cường sức mạnh quân sự. Chi tiêu quân sự của TQ liên tục tăng trong nhiều năm qua.
Năm 2016, con số này là 191.7 tỉ USD; dự kiến đạt 233 tỉ USD vào năm 2020, gấp đôi so với năm 2010.
Lễ duyệt binh ngày Quốc khánh 1/10 vừa qua, có thể coi là cuộc phô trương sức mạnh quân sự của TQ với quy mô chưa từng thấy.
Hàng loạt khí tài mới phát triển nhằm phục vụ mục tiêu răn đe chiến lược của của TQ trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng gia tăng, được xuất hiện lần đầu, như: tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) DF-41 – vũ khí hạt nhân chiến lược có tầm bắn tới mục tiêu ở khoảng cách gần 15.000 km; tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm JL-2, được biên chế cho tàu ngầm hạt nhân Type-094; các khí tài không người lái, tàu ngầm,v.v…
Không nghi ngờ gì nữa, sau 70 năm lập nước, nhất là sau 40 năm cải cách, mở cửa, dù còn nhiều vấn đề và mâu thuẫn: nghèo đói và bất bình đẳng gia tăng, môi trường sinh thái xấu đi, nguy cơ tiềm tàng trong lĩnh vực tài chính, tăng trưởng chậm hơn; các thách thức trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là trong giải quyết xung đột thương mại với Mỹ hiện nay, người ta vẫn thấy rõ hình ảnh một TQ phát triển, ngày càng giàu có về kinh tế, mạnh mẽ về quân sự, đã thay thế hình ảnh một TQ trước kia già cỗi, nghèo hèn luôn bị các cường quốc khác xâu xé lãnh thổ.

    2. Một TQ ngang ngược, bá quyền, hoang dã

Giàu có, thịnh vượng là khát vọng chính đáng của mọi dân tộc. Khát vọng đó, TQ đã và đang đạt được với những thành quả hiển hiện, thuyết phục.
Nhưng những người theo chủ nghĩa bá quyền TQ không dừng lại ở mục tiêu đó. Sự phát triển thần kỳ về kinh tế, éo le thay, lại là nguyên nhân trực tiếp thức tỉnh chủ nghĩa đại Hán bá quyền của những nhà lãnh đạo TQ, mà nạn nhân, trước tiên làmột số quốc gia láng giềng.
Ngược lại với truyền thống văn hóa Trung Hoa thâm thúy, nhà cầm quyền TQ thâm độc hỗ trợ, kích động Khme đỏ tiến hành cuộc chiến chống VN ngay sau ngày 30/4/1975; tiến hành xâm lược biên giới phía Bắc của VN năm 1979; liên tục uy hiếp, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của VN và một số quốc gia cùng có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông.Tới mức, có thể nói, trong thời gian gần đây, biển Đông “nóng” hay “lạnh” đều có nguồn cơn từ TQ.
Sự ngang ngược còn thể hiện ở chỗ, ngay dịp lễ kỷ niệm 70 Quốc khánh, ông Tập Cận Bình còn trao tặng huân chương cao nhất của TQcho Lý Diên Niên, kẻ đã tham gia cuộc chiến tranh xâm lược VN năm1979 (TQ xuyên tạc là: Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam).
Tự xưng là “trỗi dậy hòa bình”, nhưng hành vi của TQ thì ngược lại, đầy tính côn đồ, hung hăng, ngang ngược.
Ngạo mạn là quốc gia văn minh, nhưng họ chối bỏ sự phán quyết của một tòa án quốc tế thành lập theo UNCLOS 1982 mà họ là một thành viên, chỉ vì phán quyết đó bác bỏ yêu sách chủ quyền 90% biển Đông của họ.
Họ nêu sáng kiến “Vành đai-Con đường”, nhưng lồng vào đó mục tiêu ngoại giao “bẫy nợ” để chi phối, thao túng các nước nghèo khó, cả tin vào những lời hứa đường mật của họ.
Những điều đó buộc cộng động quốc tế phải cảnh giác, nhìn TQ không phải với hình ảnh của một quốc gia “trỗi dậy hòa bình” mà với hình ảnh của một kẻ mạnh, nhưng hoang dã, ngang ngược, đầy mưu mô thâm hiểm.
Một quốc gia, hai chế độ – đó là TQ.
Một quốc gia, hai hình ảnh đối lập như trên – đó cũng là TQ.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới