Friday, April 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaPhần Lan ủng hộ chủ trương của Việt Nam: Giải quyết tranh...

Phần Lan ủng hộ chủ trương của Việt Nam: Giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế

Trong chuyến thăm Phần Lan, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hoà Bình (27/9) đã hội đàm với quyền Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Phần Lan Mika Lintilä, gặp Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Phần Lan Tuula Haatainen nhằm thúc đẩy quan hệ song phương và trao đổi về diễn biến tình hình ở Biển Đông.

Tại Cuộc hội đàm, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cảm ơn Chính phủ và nhân dân Phần Lan đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong công cuộc phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay; đề nghị Chính phủ Phần Lan quan tâm, khuyến khích các doanh nghiệp Phần Lan đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực Phần Lan có thế mạnh như môi trường, năng lượng tái tạo, xử lý rác thải, đổi mới sáng tạo; đề nghị Phần Lan ủng hộ sự phát triển quan hệ toàn diện Việt Nam – EU.

Quyền Phó Thủ tướng Mika Lintilä hoan nghênh chuyến thăm của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, đánh giá chuyến thăm tạo động lực mới thúc đẩy quan hệ song phương tiếp tục phát triển mạnh mẽ và sâu rộng, khẳng định Phần Lan rất coi trọng việc phát triển quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam; mong muốn các hiệp định thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU được phê chuẩn và đi vào thực thi sớm nhất có thể, để mang lại lợi ích cho tất cả các bên và góp phần tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Phần Lan.

Phó Chủ tịch Tuula Haatainen khẳng định Quốc hội Phần Lan ủng hộ việc củng cố, tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước và đưa quan hệ Việt Nam – Phần Lan ngày càng đi vào thiết thực, hiệu quả, đồng thời cũng có nhiều đổi mới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của hai nước hiện nay; nhất trí cần tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai Quốc hội, trong đó có việc thành lập nhóm nghị sỹ hữu nghị giữa hai nước.

Ngoài ra, trong các cuộ gặp, hai bên đánh giá quan hệ Việt Nam – Phần Lan thời gian qua đã có nhiều bước phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực và ở nhiều cấp, tạo ra các mối hợp tác đa dạng, phong phú; nhất trí tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương đã được thiết lập, đồng thời nhấn mạnh quan hệ thương mại – đầu tư đóng một vai trò quan trọng trong hợp tác song phương và đã có bước tiến đáng kể, nhưng còn chưa phù hợp với tiềm năng và mong muốn của hai bên; trao đổi nhiều biện pháp thúc đẩy hợp tác Việt Nam – Phần Lan trên các lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, hợp tác tư pháp, pháp luật, trao đổi kinh nghiệm xây dựng hệ thống an ninh xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển của hai nước; nhất trí đẩy mạnh phối hợp tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, tham gia hợp tác chung ứng phó với các vấn đề toàn cầu.

Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng và việc cùng đóng góp vào việc góp phần gìn giữ hòa bình, ổn định, tự do, an toàn, an ninh hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Trước đây, giới chức Phần Lan cũng đã nhiều lần lên tiếng phản đối các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời cho rằng Bắc Kinh cần tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế cũng như thông lệ quốc tế. Trong vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Phần Lan Timo Juhani Soini đánh giá hành động hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc không đơn giản bộc phát, mà nằm trong tính toán, lộ trình chiến lược lâu dài, tương tự như một số sự việc tranh chấp biên giới lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng như Philipines, Malaysia, Nhật Bản… Ông chia sẻ những khó khăn của một nước có láng giềng là một nước lớn và cho rằng mục tiêu đằng sau của Trung Quốc là kiểm soát khai thác dầu mỏ, quản lý giao thương hàng hải, tàu thuyền qua khu vực và chiếm ưu thế địa chính trị. Chủ tịch Timo Juhani Soini ghi nhận đề nghị của Việt Nam, mong các bên kiềm chế, tránh để căng thẳng leo thang, tìm kiếm giải pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và khẳng định sẽ nghiên cứu các tài liệu để hiểu rõ hơn về tình hình Biển Đông.

Được biết, Phần Lan lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngày 25/01/1973, từ đó đến nay Phần Lan luôn duy trì chính sách hợp tác, hữu nghị với Việt Nam. Quan hệ thương mại Việt Nam – Phần Lan ngày càng phát triển, tuy nhiên kim ngạch thương mại hai chiều còn ở mức khiêm tốn. Hai bên đang tích cực phấn đấu tăng dần kim ngạch buôn bán, ước đạt 1 tỷ USD trong những năm tới.Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Phần Lan gồm: cà phê, cao su, giầy dép các loại, hàng dệt may, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm gỗ, xe đạp và phụ tùng xe đạp… Việt Nam nhập khẩu từ Phần Lan máy móc thiết bị, phương tiện thông tin truyền thông (chiếm từ 80 – 85% kim ngạch), nguyên phụ liệu dệt may da, chất dẻo nguyên liệu, thiết bị điện và phụ tùng, sắt thép các loại…

Hiện nay, Phần Lan đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn trên 60 triệu USD, đứng thứ 53 trong tổng số 93 nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Các dự án của Phần Lan thuộc loại nhỏ và vừa, tập trung chủ yếu trong ngành công nghiệp như sản xuất keo công nghiệp, hàng may mặc, sản xuất gỗ và chế tạo ngư nghiệp. Không những vậy, trong nhiều năm qua, quan hệ hợp tác giữa hai nước đã có những bước tiến tích cực, nhất là trong việc trao đổi tình hình, chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.

RELATED ARTICLES

Tin mới