Friday, November 15, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTây Ban Nha ủng hộ sử dụng luật quốc tế giải quyết...

Tây Ban Nha ủng hộ sử dụng luật quốc tế giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông

Tây Ban Nha bày tỏ quan điểm chia sẻ những khó khăn của Việt Nam trong việc giải quyết những vấn đề phức tạp ở Biển Đông, đồng thời khẳng định lập trường của Tây Ban Nha ủng hộ sử dụng luật quốc tế giải quyết các tranh chấp lãnh thổ.

Trong chuyến thăm Tây Ban Nha, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình (23-24/9) đã hội kiến Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Tây Ban Nha Enrique Santiago Romero và đại diện Lãnh đạo Liên minh Cánh tả Thống nhất; làm việc với Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Thương mại và Du lịch Maria Reyes Maroto Illera, Tổng Thư ký phụ trách kho bạc và tài chính quốc tế, Bộ Kinh tế và Kinh doanh Carlos San Basilio Pardo; trao đổi với Giám đốc Viện nghiên cứu hoàng gia Tây Ban Nha Charles Powell…

Tại các cuộc gặp, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với Tây Ban Nha, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư; khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, lấy Chủ nghĩa Marx-Lenin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng; khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ sự ủng hộ, giúp đỡ của Đảng Cộng sản Tây Ban Nha trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước kia cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay; bày tỏ cảm ơn Tây Ban Nha đã ủng hộ việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA, IPA), đề nghị Chính phủ và Quốc hội Tây Ban Nha tiếp tục ủng hộ việc phê chuẩn hai hiệp định này tại Nghị viện châu Âu; bày tỏ tin tưởng rằng sau khi được phê chuẩn, hai hiệp định trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hai bên đẩy mạnh khai thác tiềm năng hợp tác giữa hai nước, nhất là tăng cường đầu tư của Tây Ban Nha vào Việt Nam trong các lĩnh vực thế mạnh của nước này như cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, du lịch, xử lý nước thải…

Trong khi đó, giới chức Tây Ban Nha khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng và tin cậy của Tây Ban Nha và sẽ tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ tài chính cho các tập đoàn lớn cũng như các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Tây Ban Nha đầu tư vào Việt Nam.

Về vấn đề Biển Đông, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã thông tin cho phía Tây Ban Nha về những hành động vi phạm các quyền hợp pháp và chính đáng trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông, đồng thời đề nghị Tây Ban Nha ủng hộ lập trường của Việt Nam trong vấn đề này. Đáp lại, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hoàng gia Tây Ban Nha Charles Powell đã bày tỏ quan điểm chia sẻ những khó khăn của Việt Nam trong việc giải quyết những vấn đề phức tạp ở Biển Đông, đồng thời khẳng định lập trường của Tây Ban Nha ủng hộ việc sử dụng luật quốc tế, trong đó có Công ước về Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982, để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ.

Trong những năm gần đây, Việt Nam và Tây Ban Nha không ngừng thúc đẩy quan hệ song phương. Hơn 40 năm qua, nhân dân hai nước đã chứng kiến nhiều bước phát triển mạnh mẽ và quan trọng. Lãnh đạo cấp cao hai nước đã tiến hành các chuyến thăm viếng lẫn nhau, nổi bật là chuyến thăm Việt Nam của Nhà vua Tây Ban Nha Juan Carlos và Hoàng hậu, năm 2006, và chuyến thăm Tây Ban Nha của Thủ tướng Phan Văn Khải, năm 2001, và Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, năm 2009. Hai bên đã ký hiệp định khung hợp tác và nhiều thỏa thuận hợp tác trong hầu hết các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục và quốc phòng… Việt Nam hiện là đối tác thương mại chính của Tây Ban Nha trong các nước ASEAN. Trao đổi thương mại hai chiều 10 năm qua tăng với tốc độ bình quân khoảng 15%/năm, đạt hơn 3 tỷ USD năm 2017. Hai bên đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại lên 5 tỷ USD vào năm 2020. Về hợp tác phát triển, Tây Ban Nha ưu tiên quan hệ với Việt Nam và dành hơn 300 triệu USD ODA cho các dự án hợp tác song và đa phương hơn 10 năm qua. Hiện nay, bạn vẫn tiếp tục dành khoảng 350 triệu USD cho các dự án phát triển hạ tầng tại Việt nam, trong đó có dự án đường Metro số 5 tại TP Hồ Chí Minh.

Đến nay, đầu tư FDI của Tây Ban Nha vào Việt Nam còn khiêm tốn,đứng thứ 14/19 nước EU và đứng thứ 57/101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Tuy lĩnh vực này hiện còn hạn chế về số lượng dự án nhưng có triển vọng lớn về tiềm năng vốn và chất lượng châu Âu. Trong đó, phải kể đến đầu tư của REPSOL, một tập đoàn hàng đầu thế giới về lĩnh vực năng lượng, vào Việt Nam. Hiện mối quan tâm của các nhà đầu tư Tây Ban Nha vào Việt Nam ngày càng tăng. Những kinh nghiệm của bạn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, du lịch, công nghệ cao, xây dựng và kiến trúc sẽ là những đóng góp quý báu cho Việt Nam. Việc cải cách khung pháp lý và thông qua Hiệp định tự do thương mại với EU vào cuối năm 2018 đã củng cố niềm tin của các công ty Tây Ban Nha đối với thị trường Việt Nam.

Về hợp tác trên diễn đàn đa phương, hai nước luôn ủng hộ nhau, phối hợp lập trường của nhau trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Trên cơ sở đó, hai bên tái khẳng định mong muốn thúc đẩy, đưa hợp tác tại các diễn đàn kinh tế, đa phương, nhất là ở Liên hợp quốc, tại ASEM, ASEAN – EU… lên một tầm cao mới.

Có thể nói, về tổng thể, mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Tây Ban Nha ngày càng phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Tuy nhiên, theo đánh giá từ nhiều phía, quan hệ hợp tác kinh tế – thương mại, đầu tư cũng như văn hóa – giáo dục, quốc phòng… giữa hai nước còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của hai nước. Mặt khác, nhiều cơ chế hợp tác giữa hai bên cũng chưa phù hợp, cần phải tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho hai nước giao lưu phát triển kinh tế – thương mại. Bên cạnh đó, ngoài những yếu tố khách quan, như: tình hình khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, tác động của cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế toàn cầu, yếu tố chủ quan như thiếu hụt thông tin chuyên sâu về thị trường, sự cách trở về địa lý, sự khác biệt về chế độ chính trị – xã hội và ý thức hệ, sự khác biệt về văn hóa, tâm lý, thói quen, cũng khiến mối quan hệ hợp tác chiến lược đã được thiết lập giữa hai bên chưa đạt được những bước tiến như mong muốn.

Thời gian tới, để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng bền vững và phát triển thì hợp tác Việt Nam – Tây Ban Nha phù hợp bối cảnh quốc tế và tình hình mới của thế giới, với xu thế toàn cầu hóa và xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là xu hướng chuyển dịch kinh tế sang phía Đông cùng sự phát triển năng động của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Không những vậy, Tây Ban Nha với vai trò là nước công nghiệp phát triển có thể chia sẻ những kinh nghiệm phát triển hàng trăm năm với Việt Nam, nước đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngoài ra, Tây Ban Nha đang tập trung tạo nhiều cơ hội kinh doanh hơn tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương thông qua việc củng cố và mở rộng thêm nhiều mối quan hệ với các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore…; bước phát triển trong quan hệ thương mại và đầu tư sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên cũng như đóng góp vào hòa bình và ổn định khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

RELATED ARTICLES

Tin mới