Thời gian gần đây, giới nghiên cứu và học giả cho rằng Chính quyền Manila nên đưa vấn đề Phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (7/2016) ra thảo luận tại các diễn đàn của Liên hợp quốc, vì điều này sẽ giúp Philippines đối phó hiệu quả với Trung Quốc ở Biển Đông.
Thứ nhất, việc đưa Phán quyết về Biển Đông ra các diễn đàn của Liên hợp quốc giúp Philippines khẳng định lại giá trị của Phán quyết. Ngày 22/1/2013, Philippines nộp bản Thông báo và Tuyên bố khởi kiện để khởi kiện ra trọng tài chống lại Trung Quốc trong một vụ kiện về “Thẩm quyền trên các vùng biển của Philippines đối với Biển Tây Philippines” theo các quy định của Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Ngày 19/2/2013, Trung Quốc đưa ra Công hàm “Quan điểm của Trung Quốc đối với các vấn đề ở Biển Nam Trung Hoa” từ chối và trả lại bản Thông báo của Philippines, cũng như tuyên bố rằng nước này sẽ không tham gia vụ kiện. Mặc dù Trung quốc từ chối tham gia vào tiến trình trọng tài, theo Phụ lục VII UNCLOS tiến trình trọng tài sẽ vẫn được tiếp tục và Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đã được chọn làm Ban thư ký cho Tòa trọng tài trong vụ kiện này. Trong Bản tranh tụng do Philippines nộp lên Toà, Philippines yêu cầu Toà xem xét 15 đệ trình, chia thành ba nhóm vấn đề chính. i) Yêu sách của Trung Quốc dựa trên “quyền lịch sử” bao hàm trong cái gọi là đường chín đoạn không phù hợp với UNCLOS và vì thế vô giá trị. ii) Philippines yêu cầu Toà xác định liệu theo UNCLOS, một số các thực thể mà cả Philippines và Trung Quốc yêu sách có thể được xem là đảo, đảo đá, bãi nửa nổi nửa chìm hay bãi chìm. iii) Philippines yêu cầu Toà tuyên bố Trung Quốc đã vi phạm Công ước thông qua việc can thiệp vào việc thực thi các quyền chủ quyền và quyền tự do của Philippines theo Công ước và thông qua các hoạt động xây dựng đảo và đánh bắt cá gây tổn hại đến môi trường biển. Trong phán quyết cuối cùng, Tòa trọng tài thường trực (PCA) đã chấp nhận hầu hết các yêu cầu của Philippines, bác bỏ yêu sách vô lý của Trung Quốc về “quyền lịch sử” và “đường 9 đoạn”, lên án các hành vi trái phép của Trung Quốc trong việc cải tạo đảo và ngăn cản việc thực thi quyền đánh cá trên Biển Đông.
Thứ hai, việc đưa Phán quyết về Biển Đông ra các diễn đàn của Liên hợp quốc giúp Philippines tranh thủ, thu hút sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế trong việc buộc Trung Quốc tuân thủ phán quyết. Cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho rằng Manila nên đưa phán quyết Biển Đông ra kỳ họp Đại Hội đồng Liên hợp quốc đang diễn ra tại New York và Tổng thống Duterte sẽ có bài phát biểu ngày 28/9. “Phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ là cơ hội tuyệt vời để Philippines tìm kiếm sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế trong việc buộc Trung Quốc tuân thủ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài về vấn đề Biển Đông. Đại hội đồng là một địa điểm tuyệt vời bởi tất cả các quốc gia sẽ lắng nghe và Philippines có thể đưa trường hợp này ra để Liên hợp quốc xác nhận lại rằng luật pháp phải được tuân thủ”, cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario nhấn mạnh. Cũng theo ông Rosario, nhiều quốc gia bày đã bày tỏ ủng hộ phán quyết Biển Đông. Liên minh châu Âu, ASEAN, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ đã nhiều lần nhấn mạnh việc áp dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết xung đột và tôn trọng luật pháp.
Thứ ba, việc đưa Phán quyết về Biển Đông ra các diễn đàn của Liên hợp quốc giúp Philippines khẳng định chính sách, lập trường của Chính quyền Tổng thống Duterte.Việc Philippines khởi kiện Trung Quốc không phải là hành động làm phức tạp tình hình mà được coi là một nỗ lực tìm kiếm biện pháp giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng với tinh thần hòa bình, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết các tranh chấp quốc tế. Vụ kiện góp phần đề cao giá trị và ý nghĩa của luật pháp quốc tế và hiệu quả của vụ kiện sẽ là minh chứng cho nỗ lực của cộng đồng quốc tế và khu vực. Một khi đã quyết định cùng nhau thảo luận và thống nhất để ban hành được một hệ thống quy chuẩn quốc tế, các bên đều có nghĩa vụ phải điều chỉnh hành vi của mình trong các vấn đề liên quan tới phân định ranh giới trên biển. Đây là lần đầu tiên, một phán quyết của một thiết chế quốc tế có thẩm quyền liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông được tuyên. Phán quyết này đã tạo ra cách hiểu chung về những điều khoản còn chưa cụ thể, chưa rõ của UNCLOS, mà các bên trong vụ kiện có liên quan, luận giải và đưa ra kết luận về các cấu trúc ở quần đảo Trường Sa. Bởi một khi các điểu khoản được giải thích rõ thì đấy là những căn cứ pháp lý sau này có thể áp dụng vào các vụ việc khác tương tự, để từ đó các bên điều chỉnh hành vi của mình. Chính quyền Philippines nhiều lần tuyên bố không hề từ bỏ Phán quyết mà chỉ là chưa vào thời điểm thích hợp. Vì vậy, việc đưa vấn đề ra Liên hợp quốc cũng có thể được coi là sự linh hoạt, khôn khéo của Chính quyền Manila.
Thứ tư, việc đưa Phán quyết về Biển Đông ra các diễn đàn của Liên hợp quốc giúp Chính quyền Tổng thống Duterte xoa dịu dư luận chỉ trích, giảm bớt áp lực từ nội bộ và người dân về chính sách của Philippines đối với Biển Đông và Trung Quốc.Việc thực thi hay chấp nhận Phán quyết là điều quan trọng để giải quyết tranh chấp, nhưng quan trọng hơn là các quốc gia và những nước phụ thuộc vào hoạt động giao thương trong khu vực phải tìm kiếm giải pháp hòa bình và thực dụng để cân bằng lợi ích của tất cả các bên liên quan. Làn sóng dư luận phản đối Trung Quốc và Chính quyền Tổng thông Duterte tại Philippines luôn là thách thức đối với Philippines hiện nay. Thậm chí, gần đây nhất cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario và cựu Lãnh đạo cơ quan chống tham nhũng của Philippines, Tổng Thanh tra Conchita Carpio Morales đã đệ đơn kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), nhân danh người dân Philippines và nhân danh hàng trăm ngàn ngư dân Philippines chịu tác động do việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo và chiếm đóng các đảo vùng Biển Tây Philippines (Biển Đông).Dư luận cho rằng Philippines nhượng bộ với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông, thậm chí là bỏ qua Phán quyết, để đổi lại những lợi ích về kinh tế từ Trung Quốc, mà cụ thể là các khoản viện trợ và đầu tư tài chính. Tuy nhiên, thực tế những gì Philippines nhận được không bằng con số 0. Cách tiếp cận quá mềm mỏng của ông Duterte, nên một bộ phận quan chức quốc phòng hàng đầu của Philippines có xu hướng lên án việc Trung Quốc đang dần từng bước củng cố hạ tầng và sự hiện diện ở Biển Đông bằng cách tiết lộ cho giới truyền thông hoặc cho những người chỉ trích ông Duterte tại Quốc hội. Bộ phận chính trị gia khác tại Toà án, Quốc hội và các đảng chính trị đối lập tại Philippines liên tục chỉ trích thái độ nhu nhược trước Trung Quốc của Tổng thống Duterte, cho rằng Chính quyền Philippines đã bỏ qua phán quyết của Tòa, chấp nhận đánh đổi chủ quyền cho Trung Quốc để lấy lợi ích kinh tế. Người người dân Philippines đã phản đối mạnh mẽ các hành động của Trung Quốc vi phạm phán quyết, xâm phạm chủ quyền của Philippines tại bãi cạn Scarborough. Nhiều cuộc biểu tình của người dân Philippines đã nổ ra để yêu cầu Trung Quốc ngừng ngăn cản hoạt động đánh bắt và tịch thu cá của ngư dân Philippines. Vì vậy, việc đưa Phán quyết về Biển Đông ra các diễn đàn của Liên hợp quốc giúp Tổng thống Duterte xoa dịu dư luận và khiến người dân tin vào Chính quyền hơn.