Sunday, November 17, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTriều Tiên phóng tên lửa: Phá vỡ giới hạn hay tăng lợi...

Triều Tiên phóng tên lửa: Phá vỡ giới hạn hay tăng lợi thế đàm phán?

Triều Tiên phóng tên lửa có tầm bắn tối đa đạt 1.900 km ngày 2/10 là một động thái nhằm phá vỡ giới hạn hay gia tăng lợi thế đàm phán?

Triều Tiên sáng sớm 2/10 bất ngờ phóng một tên lửa đạn đạo được thiết kế cho tàu ngầm, với tầm bắn có thể vượt quá 1.000 km. Cuộc thử nghiệm được tiến hành chỉ vài giờ sau khi nước này đồng ý khởi động lại các cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ với Mỹ.

Theo Quân đội Hàn Quốc, Triều Tiên đã phóng tên lửa từ một khu vực gần Wonsan thuộc khu vực bờ biển phía Đông nước này và đã đạt được độ cao 910 km trước khi rơi xuống biển. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga thì cho biết, tên lửa có thể đã bị tách làm đôi trước khi có ít nhất một mảnh rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Phát biểu trong cuộc họp báo khẩn tổ chức ngay trong sáng 2/10, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên án mạnh mẽ vụ phóng và gọi đây là sự vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc: “Chúng tôi sẽ tổ chức họp Hội đồng an ninh quốc gia và sẽ thảo luận về tình hình, cũng như các biện pháp ứng phó. Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ và sẽ thực hiện mọi biện pháp có thể nhằm bảo vệ sự an toàn của các quốc gia”.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết hiện chưa thể xác định liệu tên lửa này là được phóng trên biển hay từ một địa điểm trên đất liền. Đây cũng là loại tên lửa tầm xa nhất mà Triều Tiên thử nghiệm kể từ lần phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa gần đây nhất là hồi tháng 11/2017. Động thái được xem là nhằm tăng đòn bẩy thương lượng trên bàn đàm phán với Mỹ dự kiến nối lại trong tuần này.

Những tháng vừa qua, Triều Tiên đã tiến hành nhiều vụ phóng tên lửa, song chính quyền Tổng thống Donald Trump tới nay vẫn khẳng định các vụ phóng đều nằm trong giới hạn. Đối với vụ thử mới nhất này của Triều Tiên, chính quyền Mỹ vẫn chưa đưa ra phản ứng. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao nước này cho biết, Mỹ đã nắm được thông tin về vụ thử và đang theo dõi sát sao tình hình, đồng thời tiến hành tham vấn chặt chẽ với các đồng minh trong khu vực.

Dự kiến, Mỹ và Triều Tiên sẽ nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ trong tuần này. Đàm phán giữa hai bên gần như dậm chân tại chỗ vì Triều Tiên muốn Mỹ phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trước khi tiến hành phi hạt nhân hóa, trong khi Mỹ muốn điều ngược lại. Triều Tiên cũng nhiều lần chỉ trích Hàn Quốc khi mua vũ khí công nghệ cao của Mỹ như máy bay chiến đấu tàng hình F-35.

Việc thử nghiệm tên lửa phóng từ tàu ngầm có thể cho thấy sự tiến bộ của Triều Tiên  trong khả năng răn đe hạt nhân, với khả năng tấn công nhanh nhằm vào Mỹ và các đồng minh từ các bệ phóng di động trên đất liền hay từ tàu ngầm khó theo dõi hơn. Nếu được xác nhận thì đây sẽ là vụ phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm đầu tiên mà Triều Tiên tiến hành kể từ năm 2016.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo cho biết: “Tên lửa dường như đã bay được 450km và đạt độ cao tối đa 910km. Vị trí cách khu vực phía Đông Bắc Wonsan khoảng 17 km. Chúng tôi vẫn đang phân tích chi tiết của vụ phóng, song nghiên cứu ban đầu cho thấy vị trí bắn là từ khu vực xung quanh biển và đó có khả năng là vũ khí lớp Pukguksong”.

Theo ông David Wright, đồng giám đốc Liên minh các nhà khoa học cho biết, dựa trên những chi tiết được tiết lộ về hành trình bay, tên lửa này có thể có tầm bắn tối đa khoảng 1.900 km. Một số chuyên gia thì cho rằng, đây có thể là một tên lửa nhiên liệu rắn mới được gọi là Pukguksong 3.

Cuộc thử nghiệm diễn ra khoảng 2 tháng sau khi Chủ tịch Kim Jong Un tiến hành kiểm tra một tàu ngầm mới, mà theo nhà lãnh đạo này là sẽ sớm được triển khai đến vùng biển giữa nước này với Nhật Bản. Tuy nhiên, các chuyên gia vũ khí khi đó cho rằng con tàu dường như chưa sẵn sàng để đưa vào sử dụng

 

RELATED ARTICLES

Tin mới