Wednesday, December 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaViệt Nam và Singapore chia sẻ quan điểm, lập trường chung về...

Việt Nam và Singapore chia sẻ quan điểm, lập trường chung về diễn biến tình hình Biển Đông hiện nay

Trong chuyến thăm chính thức Singapore từ ngày 22-24/9/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Thường trực Việt Nam Trương Hòa Bình đã hội đàm với Phó Thủ tướng Singapore Vương Thụy Kiệt, chào xã giao Tổng thống Halimah Yacob và gặp Bộ trưởng Cao cấp điều phối an ninh quốc gia Trương Chí Hiền. Bên cạnh các vấn đề song phương, hai bên đã chia sẻ và thể hiện quan điểm, lập trường chung về những diễn biến trên Biển Đông hiện nay.

Về phát triển quan hệ song phương

Tại hội đàm và các cuộc tiếp xúc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình và lãnh đạo Singapore đã trao đổi sâu rộng về quan hệ song phương và các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình khẳng định Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ hợp tác tin cậy, hiệu quả và thực chất với Singapore trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi, nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Đối tác Chiến lược Singapore – Việt Nam đối với lợi ích của mỗi nước cũng như đoàn kết và sự phát triển của Cộng đồng ASEAN.

Về hợp tác thương mại, đầu tư

Hai bên đánh giá hợp tác thương mại, đầu tư tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ hai nước, trong đó Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba vào Việt Nam với hơn 2.000 dự án còn hiệu lực và tổng vốn gần 50 tỷ USD, các Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam cũng như đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp Singapore. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh, trong bối cảnh xu thế bảo hộ và cọ xát thương mại giữa các nước lớn gia tăng, hai nước cần tiếp tục tăng cường kết nối và phát huy hiệu quả hơn nữa tính bổ sung lẫn nhau giữa hai nền kinh tế, hoan nghênh doanh nghiệp Singapore tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước của Việt Nam và tiếp tục mở rộng đầu tư, hợp tác trong các lĩnh vực phát triển hạ tầng, logisitics, tài chính, ngân hàng, công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo… Lãnh đạo Singapore khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển đô thị thông minh trên cơ sở phát huy các thế mạnh riêng của Việt Nam, đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực về công nghệ thông tin. Hai bên cũng nhất trí nỗ lực thúc đẩy và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, giao thông vận tải, giáo dục đào tạo, du lịch và giao lưu nhân dân.

Về những diễn biến trên Biển Đông hiện nay

Từ tháng 7/2019, Trung Quốc đã đưa nhóm tàu khảo sát địa chất Hải dương 08 xâm phạm Vùng thềm lục địa và Đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam ở Nam Biển Đông. Cộng đồng quốc tế, khu vực đã lên án, chỉ trích mạnh mẽ hành động đơn phương nói trên của Trung Quốc. Liên quan vấn đề này, Việt Nam và Singpore nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy đàm phán để sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Tại Hội nghị“Tham khảo chính trị Việt Nam – Singapore lần thứ 12” diễn ra tại Singapore hôm 14/8 vừa qua, hai bên cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, kêu gọi kiềm chế, không đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

Mặc dù Singapore là nước không có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc và các nước, song nước này nhận thức rõ việc duy trì hòa bình, an ninh ổn định ở Biển Đông và hợp tác trong khu vực có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Singapore. Vì vậy, Singapore đã tích cực ủng hộ giải quyết vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn khu vực, quốc tế, trong đó đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp trong vấn đề này; đồng thời góp phần lên tiếng phản đối các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Tại các diễn đàn song phương và đa phương, Singapore tiếp tục cho rằng ASEAN cần thể hiện tiếng nói thống nhất và trách nhiệm trước các vấn đề quan trọng ở khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông và cần sớm đạt được COC, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực. Singapore bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình phức tạp hiện nay ở Biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và DOC mà ASEAN và Trung Quốc cùng ký kết, trong đó có các nguyên tắc về thực hiện kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, nỗ lực để sớm đạt được COC.

Về quốc phòng, an ninh và pháp luật

Lãnh đạo hai bên đánh giá cao kết quả hợp tác giữa hai nước thời gian qua trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và pháp luật. Lãnh đạo Singapore mong muốn hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi, giao lưu giữa các lực lượng thuỷ, lục, không quân, phối hợp tìm kiếm cứu nạn, phòng chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, nhất là tội phạm ma túy. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác phòng chống tham nhũng và tương trợ tư pháp, thúc đẩy phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp hai nước, cả song phương và trong các khuôn khổ đa phương.

Trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực, lãnh đạo hai bên nhấn mạnh Việt Nam và Singapore chia sẻ nhiều giá trị và lợi ích chung về hòa bình và phát triển, cùng có nhu cầu tăng cường lòng tin chiến lược và đẩy mạnh hơn nữa hợp tác, đặc biệt trong bối cảnh tình hình khu vực diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng. Lãnh đạo Singapore coi Việt Nam là một điển hình phát triển thành công nhờ chính sách mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, đánh giá cao lập trường của Việt Nam về ủng hộ hệ thống thương mại đa phương cũng như quan điểm tích cực và những đóng góp quan trọng của Việt Nam đối với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), khẳng định mong muốn cùng Việt Nam và các nước liên quan phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

RELATED ARTICLES

Tin mới