Thursday, January 16, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaĐiểm lại những tuyên bố đáng chú ý của các nước liên...

Điểm lại những tuyên bố đáng chú ý của các nước liên quan vấn đề Biển Đông từ đầu tháng 9 đến nay

Từ đầu tháng 9 đến nay, quốc tế và khu vực diễn ra hàng loạt các sự kiện song phương, đa phương quan trọng, trong đó điểm chung của những sự kiện nay là việc các nước thể hiện sự quan tâm và lập trường quan điểm trong vấn đề Biển Đông. Điều này khẳng định cộng đồng quốc tế, khu vực đang đóng góp những nỗ lực chung vào việc đảm bảo, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

1. Trong chuyến thăm Việt Nam (01/10), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nội vụ Cộng hòa Czech khẳng định sự ủng hộ đối với việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Cộng hòa Czech sẽ tiếp tục ủng hộ việc gìn giữ hòa bình, ổn định và an ninh tại Biển Đông; ủng hộ quan điểm chung của ASEAN trong vấn đề này; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.

2. Trong chuyến thăm Việt Nam (01/10), tại cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, thượng tôn pháp luật, an ninh, bảo đảm an toàn, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS; tái khẳng định các lập trường nguyên tắc của ASEAN về vấn đề Biển Đông nêu trong các tuyên bố gần đây của ASEAN, nhất là Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM 52) tại Bangkok (Thái Lan) tháng 7/2019. Theo đó, các bên nhất trí tăng cường tin cậy lẫn nhau và lòng tin, tự kiềm chế và tránh các hoạt động có thể làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không quân sự hóa, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và phấn đấu sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Hai bên cũng cam kết tiếp tục phối hợp với các nước thành viên nhằm thúc đẩy phát triển thịnh vượng, đoàn kết, tự cường của Cộng đồng ASEAN, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực; cùng phấn đấu vì một khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển thịnh vượng và dựa trên luật lệ.

3. Trong khuôn khổ chuyến thăm Bulgaria của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình (01/10), giới lãnh đạo Bulgaria nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gìn giữ hòa bình và ổn định, tự do và an ninh hàng hải, hàng không tại khu vực, sự cần thiết phải giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.

4. Bên lề Khóa 74 Đại hội đồng Liên hợp quốc (28/9), Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres hoan nghênh bước phát triển của ASEAN trong xây dựng cộng đồng, khẳng định các cơ quan của Liên hợp quốc luôn sẵn sàng phối hợp và hỗ trợ ASEAN duy trì vai trò trung tâm vì hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới. Đề cập vấn đề Biển Đông, Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi các bên giải quyết hòa bình tranh chấp phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, và không có những hành động làm gia tăng căng thẳng.

5. Trong chuyến thăm chính thức Singapore (22-24/9) của Phó Thủ tướng Chính phủ Thường trực Việt Nam Trương Hòa Bình, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC và thúc đẩy đàm phán để sớm đạt được COC hiệu quả, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế.

6. Trong chuyến thăm Cuba và dự Tham khảo chính trị phiên V giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Cuba của Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (19-20/9),Bộ Ngoại giao Cuba chia sẻ quan điểm với Bộ Ngoại giao Việt Nam rằng nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết phản đối nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc tiếp tục các hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên vùng biển của mình được xác định phù hợp với các quy định của UNCLOS 1982”. Khẳng định quan điểm nhất quán là mọi hoạt động kinh tế biển của Việt Nam trong đó có hoạt động dầu khí đều được triển khai trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hoàn toàn thuộc Việt Nam được xác định từ lãnh thổ đất liền theo đúng quy định của UNCLOS 1982 mà cả Trung Quốc và Việt Nam đều là thành viên.

7. Nhận lời mời của Bộ Ngoại giao Mexico, Đoàn Bộ Ngoại giao Việt Nam do Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn dẫn đầu thăm chính thức Mexico và đồng chủ trì phiên Tham khảo chính trị Việt Nam – Mexico lần thứ 5 (15-18/9). Hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước, thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa hai nước và hai Bộ Ngoại giao, trao đổi về tình hình Biển Đông và các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Trên cở sở tin cậy lẫn nhau, hai bên cũng đã trao đổi sâu rộng về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm; chia sẻ các nguyên tắc độc lập, tự chủ, hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế trong xử lý các vấn đề khu vực và toàn cầu.Hai bên nhất trí phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và các diễn đàn đa phương, đặc biệt là Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Đông Á – Mỹ Latinh (FEALAC), tăng cường quan hệ giữa ASEAN và Liên minh Thái Bình Dương (AP).

8. Trong chuyến thăm Nga của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Việt Nam đã thông báo cho phía Nga về tình hình và những diễn biến phức tạp trên Biển Đông hiện nay; khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Việt Nam đánh giá cao lập trường của Nga tôn trọng tính tối thượng của luật pháp quốc tế trong giải quyết các tranh chấp liên quan tới chủ quyền quốc gia, ủng hộ việc đảm bảo hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trên Biển Đông.

9. Trong khuôn khổ chuyến thăm Cộng hòa Phần Lan của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Việt Nam Trương Hòa Bình (26/9), Thủ tướng Antii Rinne nhấn mạnh Phần Lan ủng hộ và sẽ nỗ lực thúc đẩy để Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU) sớm được phê chuẩn và đi vào thực thi, tạo động lực cho hợp tác kinh tế thương mại đầu tư giữa Việt Nam với các quốc gia thành viên EU, trong đó có Phần Lan. Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác Việt Nam-Phần Lan trên các diễn đàn quốc tế cũng như đóng góp vào việc giữ gìn hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới, bảo đảm tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, thúc đẩy hợp tác đa phương để giải quyết các thách thức chung.

10. Bên lề phiên thảo luận chung cấp cao khoá họp thứ 74 Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Phó Thủ tướng, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ David Hale khẳng định cam kết của Mỹ đối với hoà bình, an ninh và thịnh vượng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Thứ trưởng Hale khẳng định Mỹ có lợi ích trong việc đảm bảo trật tự dựa trên luật lệ, tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không tại Biển Đông, mong muốn hai bên duy trì tiếp xúc ở các cấp, thường xuyên tham vấn và phối hợp trong quan hệ song phương cũng như các diễn đàn đa phương.

11. Bộ Quốc phòng Nhật Bản (27/9) đã công bố Sách trắng quốc phòng thường niên, trong đó nhận định Trung Quốc đang tiếp tục gia tăng chi phí quốc phòng một cách không minh bạch nhằm xây dựng quân đội lớn mạnh hàng đầu thế giới vào giữa thế kỷ 21, đồng thời cảnh báo tàu hải quân Trung Quốc thường hoạt động tại một số khu vực ở Biển Đông. “Theo cách này, Trung Quốc dường như mở rộng quân đội cũng như những hình thức hiện diện khác và nâng cao khả năng hoạt động ở Biển Đông. Những hành động như thế của Trung Quốc đơn phương thay đổi hiện trạng và đẩy mạnh ý đồ của nước này tạo ra sự đã rồi. Nhật quan ngại sâu sắc về những hoạt động này”, Sách trắng Quốc phòng của Nhật Bản viết. Chính phủ Nhật Bản cũng kêu gọi những quốc gia liên quan, trong đó có Trung Quốc, kiềm chế hoạt động đơn phương đẩy căng thẳng leo thang và hành xử dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

12. Trong cuộc gặp giữa Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Pháp – Việt Nam Catherine Deroche, hai bên nhất trí quan điểm giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, duy trì ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; nhấn mạnh các bên liên quan cần tuân thủ luật pháp quốc tế, không vi phạm quyền khai thác trong vùng thềm lục địa của nước khác.

13. Trong buổi tiếp Đại sứ Ấn Độ Pranay Verma, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (20/9) khẳng định ủng hộ Chính sách hướng Đông của Ấn Độ, đánh giá cao quan điểm, lập trường của Ấn Độ về Biển Đông, nhất là việc tôn trọng luật pháp quốc tế. Đại sứ Prayna Verma tuyên bố, lập trường của Ấn Độ về vấn đề Biển Đông là nhất quán và đã được nêu ra trong một vài dịp mà gần đây nhất là trong tuyên bố của người phát ngôn của Bộ ngoại giao Ấn Độ vào tuần trước. Theo đó, Biển Đông là một phần của mối quan tâm toàn cầu. Ấn Độ vì thế cũng có mối quan tâm gắn liền với hòa bình và ổn định của khu vực này. Ấn Độ ủng hộ mạnh mẽ cho tự do hàng hải vào hàng không cũng như hoạt động thương mại hợp pháp trong những vùng biển quốc tế theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về luật biển của Liên hiệp quốc. Ấn Độ cũng tin tưởng rằng bất kỳ sự khác biệt nào cũng phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, dựa trên sự tôn trọng các quy trình hợp pháp và ngoại giao, không sử dụng đe dọa và vũ lực.

14. Trong chuyến thăm làm việc tại Cộng hòa Kazakhstan của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng (16-18/9), phía Kazakhstan đã bày tỏ quan ngại về những diễn biến trên Biển Đông, chia sẻ lập trường giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và của Việt Nam, đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.

15. Trong chuyến thăm Bồ Đào Nha, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Việt Nam Nguyễn Văn Bình đã có cuộc gặp với Phó Chủ tịch Quốc hội Bồ Đào Nha Jorge Lacão; hội đàm với Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Bồ Đào Nha José Capucho gặp và trao đổi với Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Bồ Đào Nha Eurico Brihante. Phó Chủ tịch Quốc hội Bồ Đào Nha Jorge Lacão bày tỏ quan tâm sâu sắc về vấn đề đảm bảo thương mại và tuân thủ luật quốc tế trên biển. Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Bồ Đào Nha Eurico Brihante bày tỏ hoàn toàn hiểu về tầm quan trọng của vấn đề Biển Đông, khẳng định việc giải quyết các tranh chấp trên biển cần được thực hiện thông qua các công cụ đàm phán và đối thoại. Trong trao đổi về tình hình Biển Đông, Đảng Cộng sản Bồ Đào Nha bày tỏ quan điểm nhất quán ủng hộ lập trường giải quyết tranh chấp của Việt Nam thông qua đàm phán và các biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

RELATED ARTICLES

Tin mới