Chuyên gia cho rằng, trong chuyến thăm Ấn Độ sắp tới, phía Trung Quốc sẽ không đề cập nhiều đến các tranh chấp căng thẳng lâu nay, thay vào đó sẽ đặt nặng vấn đề hợp tác.
Thông báo về chuyến viếng thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ được đưa ra trong vòng từ 24 đến 48 giờ tới.
Theo báo Ấn Độ The Indian Express, ông Tập Cận Bình có thể tới Ấn Độ dự hội nghị thượng đỉnh không chính thức với Thủ tướng Narendra Modi trong 5 ngày tới.
Tuy nhiên, Bắc Kinh hiện chưa chính thức xác nhận thông tin này.
Theo tờ báo trên, hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ gặp nhau tại Mamallapuram (quận Kancheepuram, thuộc bang Tamil Nadu) vào ngày 11-12/10.
Dự kiến, ông Tập sẽ đến Chennai thủ phủ bang này vào ngày 11/10 và rời đi vào ngày hôm sau.
Việc những chuyến thăm viếng giữa hai quốc gia này đến cận ngày như vậy mới được thông báo thực ra cũng không có gì đáng ngạc nhiên.
Như hồi tháng 4 năm 2018, thông báo về hội nghị thượng đỉnh không chính thức Vũ Hán giữa Thủ tướng Ấn Độ Modi và ông Tập được Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj công bố chỉ năm ngày trước khi hội nghị diễn ra.
Nhấn mạnh vào hợp tác kinh tế – văn hóa
Căng thẳng trong quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan gia tăng sau khi Ấn Độ hủy bỏ Điều 370, quy định về quy chế đặc biệt dành cho Kashmir, của Hiến pháp nước này.
Theo đó, từ cuối tháng Mười trở đi, Jammu và Kashmir sẽ không còn là một bang của Ấn Độ nữa. Bang này thành hai vùng lãnh thổ liên hiệp – Jammu và Kashmir, và Ladakh.
Các vùng lãnh thổ liên hiệp được chính quyền liên bang trao cho ít quyền tự trị hơn so với các bang, và phải chịu sự cai trị trực tiếp từ Delhi.
Hôm thứ Bảy, Ấn Độ đã phản ứng mạnh mẽ thông qua các kênh ngoại giao về những bình luận của Đại sứ Trung Quốc tại Pakistan, ông Yao Jing, liên quan đến vấn đề Kashmir.
Indian Express dẫn nhật báo The Express Tribune của Pakistan cho hay rằng, Đại sứ Yao Jing đã nói rằng Trung Quốc sẽ đứng về phía Pakistan trong việc giải quyết tranh chấp Kashmir.
Lâu nay, việc Trung Quốc tăng cường đầu tư vào khu vực Nam Á đi liền với dự án Vành đai và con đường, vốn đã gây lo ngại đáng kể từ Ấn Độ.
New Delhi phản đối Hành lang kinh tế Pakistan của Trung Quốc đi qua lãnh thổ Kashmir.
Các nhà quan sát cho rằng, hội nghị thượng đỉnh không chính thức lần này sẽ không đề cập nhiều đến những căng thẳng đang diễn ra.
Geeta Kochhar, nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, cho tờ South China Morning biết rằng, trong chuyến thăm của ông Tập sắp tới đến Ấn Độ, sẽ thảo luận cụ thể về quan hệ thương mại, gồm cả Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện – một hiệp định thương mại tự do được đề xuất gồm 16 quốc gia, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ – và Diễn đàn Bangladesh-Trung Quốc-Ấn Độ-Myanmar, một khối thương mại và đầu tư khu vực.
Bà nói rằng, tất nhiên hai bên sẽ có những thảo luận quanh các tranh chấp biên giới vì cả hai bên đều muốn giảm bớt sự đối đầu hoặc nguy cơ leo thang.
Nhưng việc gia tăng những kết nối văn hóa và lịch sử sẽ được chú trọng.
Bà cũng nhìn nhận rằng, sự lựa chọn địa điểm – một thành phố nổi tiếng với các di sản của đạo Hindu – cũng là chỉ dấu cho thấy hai nước sẽ nhấn mạnh nhiều hơn vào những mối liên hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc về các quan hệ văn hóa và lịch sử.
Việt Nam muốn Ấn Độ nêu vấn đề tôn trọng Luật Biển
Trước chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, ông Phạm Sanh Châu từng phát biểu với truyền thông Ấn Độ rằng Việt Nam mong muốn Ấn Độ đưa vấn đề tôn trọng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) với Trung Quốc.
Tờ HinduStan Times trích lời Đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết, Việt Nam sẽ nâng cao nhận thức về tình hình Biển Đông trong cuộc đối thoại an ninh hàng năm với Ấn Độ trong tháng này.
Trao đổi với ANI News, ông Châu nói rằng Việt Nam kêu gọi tất cả các quốc gia ngoài khu vực đóng góp cho hòa bình và an ninh trong khu vực và chúng tôi hoan nghênh sự đóng góp của bất kỳ quốc gia nào trong việc củng cố hòa bình và ổn định trong khu vực.
Bản quyền hình ảnh HOANG DINH NAM/Getty Images Image caption Ấn Độ là một trong những quốc gia mà Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Ông Châu ca ngợi vai trò tích cực mà Ấn Độ đã đóng góp trong chuyện này và nói ông hy vọng ông Modi sẽ đến thăm Việt Nam vào năm tới.
Hà Nội từng nhiều lần kêu gọi New Delhi đóng vai trò của mình để xoa dịu căng thẳng ở Biển Đông.
Ấn Độ là một trong những quốc gia mà Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Việt Nam đang đặt nhiều kỳ vọng vào sự hỗ trợ của Ấn Độ qua cuộc đối thoại an ninh hàng năm dự kiến sẽ được tổ chức tại TP HCM trong tháng này.
“Chúng tôi hy vọng sẽ có thể trình bày không chỉ về an ninh của hai nước mà cả các vấn đề liên quan đến toàn khu vực, và đặc biệt, về tình hình hiện tại ở Biển Đông,” ông Châu nói.
Trước đó nữa, qua một văn bản công bố vào tháng 8, Ấn Độ tuyên bố “rất quan tâm đến hòa bình và ổn định của khu vực,” và kêu gọi sự tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển.
Quan tâm của Ấn Độ có thể một phần cũng có thể được giải thích là vì tất cả những vi phạm của Trung Quốc tại Biển Đông trong thời gian qua đều xảy ra gần vùng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ấn Độ ONGC Videsh Ltd của Ấn Độ đang khai thác năng lượng.
Các tàu Trung Quốc đến gần cơ sở của ONGC Videsh Ltd nhất vào ngày 3 tháng 7.