Saturday, April 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaCâu chuyện phía sau cuộc diễn quân sự chung ở Biển Đông...

Câu chuyện phía sau cuộc diễn quân sự chung ở Biển Đông giữa ASEAN với Mỹ và TQ

Ngày 3/9 vừa qua, ASEAN đã tiến hành diễn tập quân sự với Mỹ tại khu vực Biển Đông giữa bối cảnh tình hình Biển Đông đang biến động khó lường do các hành vi của Trung Quốc gây cản trở hoạt động dầu khí của các nước trong khu vực. Trước đó, tháng 10/2018, ASEAN lần đầu tiên cũng tiến hành diễn tập quân sự chung với cả Trung Quốc. Việc diễn tập quân sự chung với hai cường quốc lớn nhất trên thế giới tại khu vực Biển Đông đã giúp nâng cao vị thế, vai trò của ASEAN, cân bằng cán cân chiến lược giữa các cường quốc tại khu vực này, giúp xây dựng lòng tin giữa các bên tham gia.

ASEAN

Việc ASEAN tiến hành diễn tập quân sự chung với Mỹ và Trung Quốc trong 1 năm gần đây đã giúp nâng cao vai trò trung tâm, quan trọng của tổ chức này trong các vấn đề khu vực.

Thứ nhất, các cuộc diễn tập này giúp tăng cường hợp tác, củng cố quan hệ giữa ASEAN với hai đối tác quan trọng hàng đầu hiện nay là Mỹ và Trung Quốc. Chuyên gia Rajeev Ranjan Chaturvedy, nhà phân tích tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, mục tiêu chính của cả hai cuộc diễn tập mà ASEAN tiến hành với Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông là tăng cường sự hiểu biết giữa các bên và hình thành những kỹ năng cần thiết để cùng đối phó với thách thức an ninh hàng hải.

Thứ hai, việc tăng cường năng lực phối hợp tác chiến với Mỹ sẽ cho phép các nước Đông Nam Á củng cố khả năng hoạt động trên Biển Đông. Nói cách khác, cuộc diễn tập này giúp các lực lượng khác nhau phối hợp cùng hoạt động ở Biển Đông.

Thứ ba, động thái diễn tập quân sự với cả Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông giúp ASEAN tạo thế cân bằng quan hệ quân sự với hai cường quốc cũng như tăng cường năng lực hoạt động trên vùng biển chiến lược. Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, giới chuyên gia nhận định Diễn tập Hàng hải ASEAN – Mỹ là nỗ lực mới nhất của các nước Đông Nam Á trong việc tái cân bằng quan hệ quân sự với Trung Quốc và Mỹ, cũng như tránh được việc phải lựa chọn nghiêng hẳn về bên nào.

Mỹ

Các cuộc diễn tập quân sự chung giữa Mỹ và ASEAN cũng có ý nghĩa quan trọng đối với Mỹ như: i) giúp khẳng định những cam kết của Mỹ ở khu vực. Dù không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Nhật Bản và Mỹ nhiều lần lên tiếng khẳng định duy trì “khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở cửa và tự do”. Mỹ còn thường xuyên điều động tàu thuyền tới Biển Đông để tiến hành tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên tuyến đường biển chiến lược. ii) giúp tăng cường quan hệ đồng minh, đối tác của Mỹ ở khu vực. Theo ông Sean King, Phó Chủ tịch hãng tư vấn chiến lược chính trị Park Stratergies cho biết trong cuộc diễn tập AUMX, hai quốc gia thành viên ASEAN là Philippines và Thái Lan được đánh giá là thành viên then chốt của Mỹ. Trong khi đó, khi diễn tập với ASEAN hồi tháng 10/2018, Trung Quốc không có bất cứ đồng minh nào trong khối. Do đó, mức độ của các thỏa thuận hoạt động và trao đổi thông tin quốc phòng giữa hai cuộc diễn tập của ASEAN sẽ khác nhau rất nhiều. iii) trong bối cảnh Mỹ – Trung tăng cường chạy đua mở rộng tầm ảnh hưởng, các cuộc tập trận với ASEAN còn ẩn chứa yếu tố chính trị, các cuộc diễn tập chung giúp Mỹ thắt chặt hợp tác an ninh với các nước ASEAN để đối trọng với Trung Quốc. Hồi tháng trước, Mỹ đã cho điều động tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan đến thăm Philippines và đi vào Biển Đông. Giới quan sát nhận định, động thái của Mỹ không chỉ nhằm thể hiện cam kết an ninh với đồng minh Philippines mà còn gửi đi thông điệp nhắc nhở sức mạnh quân sự Mỹ vẫn hiện diện tại khu vực để kiềm chế hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trung Quốc

Tuy nhiên, bên cạnh ý nghĩa tăng cường lòng tin và tạo môi trường hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc, việc diễn tập quân sự chung giữa ASEAN và Trung Quốc lại có phần bị “nhuốm bẩn” bởi các toan tính của Trung Quốc khi lợi dụng việc diễn tập quân sự chung như:

  1. Trung Quốc cho rằng các cuộc tập trận chung trên biển sẽ “tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, mở rộng giao lưu và hợp tác, giữ gìn hòa bình và ổn định của khu vực”, song phải khẳng định rằng tình hình Biển Đông căng thẳng như hiện nay chủ yếu là do các hoạt động đơn phương, đòi hỏi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó Trung Quốc đã liên tục gây phức tạp tình hình bằng hoạt động quân sự hóa, bồi đắp và mở rộng các đảo nhân tạo quy mô lớn ở Biển Đông… Do vậy, có thể thấy Trung Quốc chri dùng việc “diễn tập quân sự chung” nhằm che đậy ý đồ “quân sự hóa Biển Đông” của mình, tạo môi trường “hòa hoãn/ hợp tác tạm thời” để tiến hành các bước đi chiến lược khác. Vì vậy, để “tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, mở rộng giao lưu và hợp tác, giữ gìn hòa bình và ổn định của khu vực” thì chính Trung Quốc phải ngừng ngay các hành động nói trên, nếu không, mọi sáng kiến hay tuyên bố của Trung Quốc đưa ra chỉ là hình thức, nhằm đánh lừa dư luận.
  2. Cùng với các cuộc tập trận hải quân, không quân liên tục thời gian qua của Trung Quốc ở Biển Đông, các cuộc tập trận chung với ASEAN sẽ giúp Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự, gửi đi thông điệp cảnh báo đối với các nước bên ngoài như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ… không nên can dự vào vấn đề Biển Đông. Trung Quốc đã nhiều lần chỉ trích sự can dự của Mỹ và phương Tây vì cho rằng các nước này “không có tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông, nên để cho các quốc gia trong khu vực quản lý tranh chấp của mình một cách hữu nghị và hiệu quả”. Đây cũng là dịp để Trung Quốc chứng tỏ khả năng dẫn dắt các nước khu vực thực hiện theo các sáng kiến do Trung Quốc khởi xướng. Các nước trong khu vực cần có một cái nhìn tỉnh táo trước các đề nghị của Trung Quốc.
  3. Trung Quốc sẽ sử dụng các cuộc tập trận chung với ASEAN để tuyên truyền theo dụng ý rằng tình hình Biển Đông đang ổn định, phát triển và hợp tác nhờ vào những nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN. Trong đó, Trung Quốc và các nước hoàn toàn có thể xây dựng các cơ chế giải quyết tranh chấp mà không cần sự can dự của các nước bên ngoài. Theo như Giáo sư Carl Thayer (Australia) cho rằng Trung Quốc đã nhanh chóng đề nghị tập trận chung để tăng sự tự tin của các nước và bảo vệ tàu thuyền của mình. Các cuộc tập trận này được Trung Quốc coi là một “vụ thu hoạch sớm” trong quan hệ hợp tác dài hạn với khối ASEAN.
  4. Các cuộc tập trận chung với ASEAN cũng nhằm xoa dịu dư luận về hoạt động quân sự hóa ồ ạt của Trung Quốc hiện nay ở Biển Đông; song cũng nhằm phục vụ cho ý đồ này một cách thuận lợi hơn, tránh các phản ứng quyết liệt từ các nước. Chuyên gia về các vấn đề Đông Á của Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Đài Loan Fabrizio Bozzato cho rằng “lần này, Trung Quốc tiến tới hợp tác với ASEAN ở cấp độ đa phương và trong tư cách một khối để giành được lòng tin của các nước, xoa dịu nỗi sợ hãi về sức mạnh quân sự áp đảo của Trung Quốc bằng cách tăng sự tự tin và vai trò của ASEAN, lấy hiệp hội các nước ASEAN làm nền tảng cho cuộc đối thoại, là giải pháp chọn lựa của Trung Quốc”

Có thể thấy rằng, việc diễn tập quân sự chung giữa ASEAN với các nước trên Biển Đông mang đến nhiều tác động tích cực cho các bên tham gia. Tuy nhiên, các nước ASEAN cũng cần phải đề phòng việc Trung Quốc lợi dụng “các cuộc diễn tập chung” để thực hiện ý đồ riêng, gây bất lợi cho các nước trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới