Saturday, January 18, 2025
Trang chủBiển nóngPhilippines tìm ra cách khắc chế tham vọng của TQ ở Biển...

Philippines tìm ra cách khắc chế tham vọng của TQ ở Biển Đông?

Việc sở hữu hệ thống HIMARS sẽ giúp Philippines kiềm chế hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông nhưng Manila vẫn cần phải tính toán kỹ về khả năng này.

Mỹ và Philippines đã thảo luận về khả năng quân đội Philippines mua Hệ thống Pháo Phản lực Cơ động cao (HIMARS) – một hệ thống được Mỹ và nhiều quốc gia khác đang sử dụng, theo South China Morning Post.

Phân tích của  chuyên gia Michael Peck trên The National Interest nhận định, nếu được triển khai, hệ thống này có thể tấn công các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế để bồi đắp ở quần đảo Trường Sa [thuộc chủ quyền của Việt Nam – ND] trên Biển Đông.

Đe dọa trực tiếp các đảo nhân tạo ở Biển Đông

HIMARS là hệ thống pháo đa nòng có trọng lượng nhẹ hơn, tính cơ động cao hơn hệ thống pháo phản lực đa nòng (MLRS) M270 hiện cũng đang được quân đội Mỹ sử dụng. HIMARS có thể phóng rocket với tầm bay 70km và tên lửa đạn đạo có GPS dẫn đường tầm bắn 300km.

Hiệu quả của hệ thống HIMARS là không phải bàn cãi. Tuy nhiên, cái khó trong thương vụ này chính là việc Philippines không có nhiều kinh phí. Tờ South China Morning Post cho biết, hai bên chưa thể đạt được thỏa thuận vì HIMARS dường như quá đắt đỏ trong khi ngân sách quốc phòng của Philippines lại eo hẹp.

Chính xác thì hệ thống HIMARS có giá bao nhiêu? Nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin từ chối đưa ra chi phí ước tính, thay vì thế, tập đoàn này chuyển câu hỏi cho Bộ Chỉ huy Hàng không và Tên lửa Bộ binh Mỹ nhưng đơn vị này cũng không hồi đáp câu hỏi của The National Interest. Chi phí của HIMARS được phân chia làm 2 phần là bệ phóng chính và các loại đạn tùy chọn, bao gồm: tên lửa dẫn đường và không dẫn đường, hệ thống tên lửa chiến thuật tầm xa (ATACMS), tên lửa tầm xa và tên lửa tấn công chính xác.

Theo ước tính, chi phí một quả tên lửa dẫn đường sử dụng cho hệ thống HIMARS có giá khoảng 100.000 đến 200.000 USD còn một ATACMS có giá trên 700.000 USD. Cũng có thể tìm hiểu về giá trị của HIMARS thông qua một manh mối khác khi gần đây Ba Lan đã ký hợp đồng trị giá 414 triệu USD cho 18 hệ thống HIMARS kèm theo cam kết hỗ trợ và đào tạo nhân lực. Với ngân sách quốc phòng năm 2019 chỉ ở mức 3,4 tỷ USD thì giao dịch mua HIMARS số lượng lớn sẽ là vấn đề hóc búa đối với Philippines.

Nói như vậy nhưng cũng cần phải thấy rằng, HIMARS vẫn là lựa chọn rẻ hơn nhiều so với việc mua tên lửa hành trình Tomahawk (mỗi quả tên lửa loại này có giá khoảng 1,4 triệu USD). Thêm nữa, Philippines cũng đã từng có trải nghiệm HIMARS trên thực tế, khi hệ thống này được Thủy quân lục chiến Mỹ triển khai trên đất Philippines trong cuộc tập trận chung Balikatan giữa hai nước hồi năm 2016.

Collin Koh Swee Lean, một nhà phân tích quốc phòng Singapore, nói với tờ South China Morning Post rằng, Philippines có thể triển khai HIMARS tại hai địa điểm, một trong số đó nằm ở Palawan. Nếu ở được triển khai ở đây, HIMARS sẽ đặt tiền đồn Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Vành Khăn trong tầm ngắm.

Theo Collin Koh Swee Lean, một địa điểm khác Philippines có thể triển khai HIMARS là đảo Thị Tứ [hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam đang bị Philippines chiếm giữ – ND] nhưng hòn đảo này cũng rất dễ bị tổn thương trước các cuộc không kích và tấn công tên lửa của phía Trung Quốc bởi nó cách đá Subi – nơi Trung Quốc đã ngang nhiên bồi đắp đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trên đó chỉ khoảng 22km.

Philippines vẫn phải cân nhắc

Ông Jay Batongbacal, giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và Luật biển, Đại học Philippines nhận định, giá thành rẻ hơn so với các loại vũ khí khác làm cho HIMARS trở nên hấp dẫn. Ý tưởng mua các hệ thống HIMARS có thể là một trong số ít các lựa chọn khả thi để đối phó với việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo và tiếp tục có những hành động khiêu khích ngày càng gia tăng ở Biển Đông.

Tuy nhiên, Batongbacal nói rằng ông không nhận thấy khả năng Philippines sớm sở hữu hệ thống HIMARS bởi nước này vẫn e ngại phản ứng từ phía Trung Quốc.

Brian Harding, chuyên gia nghiên cứu an ninh châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và Chiến lược (CSIS) tại Washington đồng ý với nhận định này khi cho rằng sẽ khó có sự thay đổi đột ngột trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong tương lai gần. Bên cạnh giá cả cạnh tranh, ông Duterte chắc chắn sẽ thấy việc sở hữu HIMARS là quá khiêu khích đối với Trung Quốc.

Mặc dù vậy, ông Harding tin rằng, cái khó ở đây không có nghĩa là khả năng Philippines sở hữu HIMARS không bao giờ thành hiện thực. Ngay cả khi ông Duterte không đột ngột thay đổi chính sách với Trung Quốc thì chính sách đối ngoại của Philippines vẫn có thể thay đổi đáng kể khi nước này có một Tổng thống mới vào năm 2022. Một Tổng thống mới hoàn toàn có thể sẽ tìm cách thúc đẩy nhanh việc thực thi Hiệp định Tăng cường Hợp tác Quốc phòng (EDCA) song phương để mở rộng đường cho Mỹ triển khai các hệ thống như HIMARS ở Philippines.

“Trên thực tế, điều đáng quan tâm hơn không phải việc Philippines sở hữu các tên lửa mà là hệ thống tên lửa do Mỹ vận hành trên đất Philippines. Tôi cho rằng, các nhà quan sát không nên chỉ nghĩ đến những năng lực mà Philippines hiện có”, ông Harding cảnh báo. “EDCA cho phép Mỹ triển khai hệ thống của mình một cách luân phiên, tạo điều kiện để đưa các thiết bị tối tân tới bố trí trong khu vực nếu được các nhà lãnh đạo cho phép”

RELATED ARTICLES

Tin mới