Tuesday, November 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaThông điệp của TQ trong lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh

Thông điệp của TQ trong lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh

Trong Lễ kỷ niệm Quốc khánh 70 năm nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Bắc Kinh đã giới thiệu nhiều loại vũ khí mới, có khả năng răn đe, tấn công hạt nhân. Giới chuyên gia, học giả cho rằng đây là thông điệp mới của Trung Quốc muốn “nhắn gửi” tới Mỹ và đồng minh, cũng như một số nước tồn tại tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Tên lửa đạn đạo hạt nhân Đông Phong 41 của Trung Quốc

Ngày 1/10, Trung Quốc đã tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm quốc khánh nước này, đồng thời tổ chức một cuộc duyệt binh và diễu hành hoành tráng. Cuộc duyệt binh kéo dài 80 phút, với sự tham dự của 15.000 người, bao gồm 59 đội hình cùng hơn 160 máy bay và 580 thiết bị quân sự vũ khí các loại. Lễ diễu hành kéo dài 65 phút, có khoảng 100.000 người đại diện cho các giới và các ngành nghề tham dự.

Thông điệp cứng rắn trong tuyên bố của Tập Cận Bình

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm Quốc khánh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định vị thế của Trung Quốc đang đứng đầu “phương Đông” và “không có quyền lực nào có thể kích động vị thế của quê hương vĩ đại của chúng ta”; tái khẳng định quyết tâm của Trung Quốc trong việc thực hiện nguyên tắc “thống nhất một cách hòa bình”, tuân thủ chính sách “Một quốc gia, Hai chế độ” và quyết tâm thống nhất đất nước. Trong diễn văn của mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình 4 lần sử dụng ngôn từ “hòa bình”, trong các lần nói về “thống nhất một cách hòa bình”, “sự phát triển hòa bình”, “kiên trì con đường phát triển hòa bình” và “bảo vệ hòa bình thế giới”. Cùng với đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nhắc lại thời gian u tối của nước này, nhấn mạnh quyết tâm phục hưng đất nước, hiện thực hóa Giấc mơ Trung Hoa. Ông Tập Cận Bình nhắc nhở Trung Quốc: “ghi nhớ sứ mệnh, tiếp tục củng cố và phát triển đất nước, tiếp tục phấn đấu vì 2 mục tiêu 100 năm, nỗ lực phấn đấu để thực hiện giấc mơ phục hưng dân tộc vĩ đại” và khẳng định “không có thế lực nào có thể ngăn cản sự tiến bộ của người dân và quốc gia Trung Quốc”. Sau lễ mít tinh, ông Tập Cận Bình lần đầu tiên đích thân duyệt binh dọc theo đại lộ Trường An ở thủ đô Bắc Kinh. Sau đó, các lực lượng lục quân, không quân và thiết giáp diễu hành qua Quảng trường Thiên an Môn. Đây được coi là lễ diễu binh hoành tráng nhất Trung Quốc từ trước tới nay, trong đó nổi bật là ảnh chân dung cực lớn của ông Tập cho thấy vị thế chính trị tuyệt đối của ông hiện tại.

Từ tuyên bố, hành động của ông Tập Cận Bình và hình ảnh trong lễ duyệt binh cho thấy Bắc Kinh đang muốn khẳng định vị thế độc tôn trong khu vực, cũng như quyết tâm của Trung Quốc trong việc thống nhất với Đài Loan. Ngoài ra, Trung Quốc cũng muốn khẳng định vị thế và vai trò “không thể thay thế” của Tập Cận Bình đối với nền chính trị của Trung Quốc hiện nay. Ngoài ra, bài diễn văn không nhắc đến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cho thấy rõ ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc là phục hưng Trung Hoa, giải quyết vấn đề Hồng Công, Đài Loan và không muốn gây thêm căng thẳng trực diện với Mỹ và các nước trong khu vực.

Thông điệp từ các loại vũ khí trong lễ duyệt binh của Trung Quốc

Trong lễ duyệt binh, Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) đã phô trương các loại vũ khí hạng nặng mới nhất, trong đó có tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Đông Phong 41 (DF-41) cơ thể vươn tới lãnh thổ Mỹ, tên lửa Đông Phong 17 (DF-17) và đội hình tên lửa hạt nhân Đông Phong 5B. Tên lửa hành trình siêu thanh loại mới nhất của Trung Quốc với mật mã CJ-100 cũng lần đầu tiên xuất hiện trong cuộc diễu binh lần này. Bên cạnh đó, rất nhiều vũ khí mới của Trung Quốc được trình diện lần đầu tiên, trong đó có tên lửa chiến lược phóng từ tàu ngầm Cự Lang JL-2 mới nhất, tên lửa hành trình chống hạm thế hệ mới YJ-18/18A và máy bay không người lái hiện đại, các phương tiện không người lái hoạt động dưới mặt nước. Trong đó bao gồm các chủng máy bay không người lái do thám có khả năng hoạt động nhiều độ cao và tầm xa khác nhau.

Một trong những vũ khí đáng sợ nhất được giới thiệu là tên lửa đạn đạo DF-17, một hệ thống vũ khí siêu thanh được cho là có khả năng tránh được hầu như tất cả mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại. Vũ khí siêu thanh này di chuyển với tốc độ nhanh hơn 5 lần so với âm thanh và các nhà phân tích quốc phòng đồng ý rằng Trung Quốc đi trước Mỹ trong việc phát triển các vũ khí siêu nhanh như vậy. Theo các phương tiện truyền thông, Trung Quốc cũng đã tung ra tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41, tên lửa đạn đạo JL-2 phóng từ tàu ngầm và một loạt máy bay, phương tiện mặt đất, đánh chặn tên lửa và các vũ khí khác. Giới phân tích quân sự phương Tây và các nhà hoạch định Lầu Năm Góc cũng lần đầu tiên nhìn thấy tên lửa hành trình siêu thanh mới CJ-100 của Trung Quốc. Trên thực tế, một số vũ khí của Trung Quốc dường như được thiết kế rõ ràng cho một cuộc xung đột với quân đội Mỹ. Chẳng hạn, lần đầu tiên quân đội Trung Quốc trình làng máy bay ném bom H-6N tầm xa, hoàn toàn có khả năng nhắm vào lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương.

Theo giới chuyên gia quân sự, các loại vũ khí mà Trung Quốc phô trương trong ngày 1/10 thể hiện những tiến bộ vượt bậc của quân đội Trung Quốc, để có thể “đứng đầu thế giới vào năm 2049”, mục tiêu mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề ra khi nước này tròn 100 tuổi. Việc khoe những tiến bộ về vũ khí, khí tài là một thông điệp mạnh mà Trung Quốc muốn gửi đến thế giới, nhất là những quốc gia bị coi là “đối tượng”. Các nhà phân tích cũng đánh giá đây là một lời cảnh báo rõ ràng đối với phương Tây và một dấu hiệu cho thấy tiến bộ quân sự của Trung Quốc đang diễn ra với tốc độ nhanh – đã đến lúc Bắc Kinh có khả năng đối đầu với Mỹ ở Thái Bình Dương. Đối với các nhà quan sát quân sự phương Tây, cuộc diễu binh rầm rộ vừa qua cho dư luận thế giới có cái nhìn đầu tiên về một số loại vũ khí nguy hiểm nhất của Trung Quốc và chú ý đến những cách Trung Quốc qua mặt Mỹ trong nhiều lĩnh vực công nghệ.

Trong khi đó, chuyên gia Bryan Clark, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Đánh giá Ngân sách và Chiến lược (CBSA), đồng thời là một chuyên gia về chiến tranh dưới biển, nhận định nhiều khả năng thiết bị lặn không người lái của Trung Quốc (HSU-001) được sử dụng để do thám và thu thập thông tin tình báo chứ không thực hiện các sứ mệnh vũ trang. Phía Trung Quốc chưa đưa ra bình luận về HSU-001 nhưng giới phân tích cho rằng, nó chắc chắn rất hữu ích cho Trung Quốc về mặt chiến lược. Tuy nhiên, thiết bị trên của Trung Quốc còn nhiều hạn chế và nó không đủ lớn để mang đạn cỡ lớn ngoài động cơ, pin và các hệ thống điện tử cần thiết để di chuyển dưới nước trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng.

Chuyên gia Richard Fisher, Jr., một nhà nghiên cứu uyên thâm về các vấn đề quân sự châu Á tại Trung tâm Đánh giá và Chiến lược Quốc tế Mỹ nhận định, các thiết bị quân sự thể hiện trong cuộc diễu binh này đã chứng tỏ sự thay đổi trong sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Rất rõ ràng rằng, như chúng ta đã xác định, Trung Quốc đang tiến hành sự bành trướng quân sự lớn. Và ngày càng thấy rõ mục tiêu của Trung Quốc là trở thành bá chủ quân sự toàn cầu và trở thành quốc gia hùng mạnh nhất hành tinh về quân sự. Theo ông Richard Fisher, Jr, DF-41 rất đáng chú ý vì nó có thể mang tới 10 đầu đạn hạt nhân. Lữ đoàn tên lửa này có 18 tên lửa như vậy, vì vậy nó có thể gia tăng 180 đầu đạn hạt nhân cho kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Vị chuyên gia quân sự này nói, Trung Quốc đang chế tạo ba loại tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng mang 10 đầu đạn hạt nhân, điều này sẽ làm tăng thêm 540 đầu đạn hạt nhân cho kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Ông nói, chúng ta có thể bắt đầu thấy rằng Trung Quốc hoàn toàn có khả năng đưa số lượng đầu đạn hạt nhân của họ tiếp cận Mỹ và Nga. Theo quan điểm của ông, Trung Quốc luôn có tham vọng có kho vũ khí hạt nhân nhiều hơn Mỹ và Nga, chỉ có điều trước đây họ không có nguồn tài chính để thực hiện được điều đó. Ngoài ra, ông Fisher cũng cho rằng loại tên lửa siêu thanh DF-17 được phô diễn trong cuộc diễu binh sẽ là thách thức nghiêm trọng đối với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ; đồng thời dự đoán Trung Quốc sẽ triển khai bố trí tên lửa DF-17 cùng với loại DF-16 đã có trước đó. DF-16 là tên lửa đạn đạo tầm trung có tầm bắn 1.000 km có thể bay rất cao, sau đó lao xuống. Nếu họ phóng đồng thời cả tên lửa đạn đạo và tên lửa siêu thanh tầm thấp, điều này sẽ gây áp lực lớn cho hệ thống phòng thủ tên lửa, hoặc có thể là mấu chốt để đánh bại hệ thống phòng thủ tên lửa. Liệu hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD hoặc Patriot pac-3 hiện tại liệu có thể đối phó hiệu quả với mối đe dọa này hay không thì vẫn chưa rõ. Đáng chú ý, ông Richard Fisher cho rằng cuộc diễu binh này nhằm uy hiếp Đài Loan và Mỹ; khẳng định diễu binh là một hình thức tuyên truyền của quân đội; cũng có thể nói rằng nó là sự phô diễn vũ lực trong một cuộc đấu tranh chính trị và quân sự rộng lớn hơn. Cuộc diễu binh này có rất nhiều mục tiêu cần nhằm tới. Rõ ràng, mục tiêu nó nhằm tới đầu tiên là Đài Loan. Đặc biệt là thông qua việc phô diễn nhiều tên lửa và máy bay chiến đấu kiểu mới, Trung Quốc muốn truyền tải thông điệp rằng: nếu Bắc Kinh quyết định tiến hành một cuộc tấn công vào Đài Loan, Đài Loan sẽ bị đánh bại về quân sự. Một mục tiêu khác là Mỹ. Trung Quốc hy vọng khi họ sử dụng vũ lực đánh Đài Loan, Mỹ sẽ không dám hỗ trợ Đài Loan.

RELATED ARTICLES

Tin mới