Tuesday, November 5, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThương chiến Mỹ - Trung có thể gây thiệt hại 700 tỷ...

Thương chiến Mỹ – Trung có thể gây thiệt hại 700 tỷ USD toàn cầu năm 2020

Tân giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cảnh báo rằng cuộc thương chiến kéo dài giữa 2 nền thương mại lớn nhất thế giới có thể gây thiệt hại 700 tỷ USD toàn cầu trong năm tới, quy mô ngang ngửa nền kinh tế Thụy Sĩ.

Theo Newsweek, bà Kristalina Georgieva, người mới nhậm chức giám đốc điều hành IMF hồi tháng trước, đã đưa ra cảnh báo trên trong bài phát biểu về bức tranh tài chính toàn cầu hôm 8/10. Chuyên gia này cho rằng nền kinh tế toàn cầu đã đi tới giai đoạn đồng loạt phát triển chậm lại. IMF dự đoán 90% thế giới sẽ chứng kiến tăng trưởng chậm hơn trong năm 2018.

“Hai năm trước, nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu tăng trưởng đồng bộ. Tính bằng tổng sản phẩm quốc nội GDP, gần 75% thế giới chứng kiến đà tăng tốc. Hiện thời, nền kinh tế thế giới đang chứng kiến quá trình đi xuống. Xu hướng giảm đồng loạt này đồng nghĩa với việc tăng trưởng năm nay sẽ hạ xuống mức thấp nhất kể từ đầu thập kỷ này”, bà Georgieva nhận định.

Giám đốc IMF cho rằng bức tranh ảm đạm này đến từ ảnh hưởng quốc tế của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. “Kết quả đã rõ ràng. Tất cả mọi người đều thua trong cuộc thương chiến. Với nền kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng của chiến tranh thương mại có thể gây ra sự tổn hại 700 tỷ USD vào năm 2020, ngang với quy mô của toàn bộ nền kinh tế Thụy Sĩ”, bà Georgieva cho hay.

Dự đoán của giám đốc IMF đến sau khi hiệp hội quốc gia về kinh tế kinh doanh Mỹ (NABE) công bố khảo sát hồi đầu tuần cho thấy các chuyên gia tin rằng tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ giảm ở mức dưới 2% (1,8%) vào năm 2020, so với chỉ số 2,9%  năm 2018 và 2,3% năm 2019.

Phần lớn các chuyên gia tham gia khảo sát chỉ ra rằng chính sách thương mại là yếu tố gây nguy hiểm lớn nhất cho việc suy thoái kinh tế. Tổng cộng, 53% chuyên gia cho rằng căng thẳng thương mại là yếu tố chủ chốt dẫn tới viễn cảnh ảm đạm về tăng tưởng GDP.

Thương chiến Mỹ – Trung bắt đầu từ năm ngoái đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt dù 2 bên đang nối lại đàm phán. Gần đây nhất, trong các cuộc họp với Mỹ, các quan chức cấp cao Trung Quốc thông báo số vấn đề họ sẵn sàng đàm phán giảm đáng kể, cho thấy họ đang muốn thu hẹp quy mô đàm phán với Mỹ. 

Bloomberg dẫn một nguồn tin nói rằng các vấn đề mà Trung Quốc muốn bỏ qua được cho là cam kết về cải tổ chính sách công nghiệp hay trợ cấp chính phủ, hai trong những yêu cầu “then chốt” của Mỹ để thông qua thỏa thuận. 

Trong khi đó, Mỹ vẫn khẳng định quan điểm hướng tới một thỏa thuận toàn diện với Trung Quốc. Giới quan sát cho rằng sự khác biệt trong quan điểm và hệ tư tưởng có thể trở thành trở ngại cho việc 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ  kết thúc cuộc thương chiến căng thẳng.

RELATED ARTICLES

Tin mới