Saturday, January 11, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaMột số dự báo về xu hướng và diễn biến tiếp theo...

Một số dự báo về xu hướng và diễn biến tiếp theo của tình hình Biển Đông cuối 2019 và đầu 2020

Trong thời gian tới, xu hướng ổn định chung ở Biển Đông nhìn chung sẽ tiếp tục duy trì, tuy nhiên do các hành động đơn phương và tính toán của các bên nên có khả năng sẽ bùng phát những diễn biến phức tạp và có thể thường xuyên bất ổn.

Giới nghiên cứu các nước cho rằng tình hình Biển Đông sẽ diễn biến theo xu thế và tùy thuộc vào bốn nhân tố sau:

Một là, cạnh tranh quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông sẽ gia tăng. Hiện nay, sự can dự của Mỹ ở Biển Đông chủ yếu là thông qua các chiến dịch tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không (FONOP) và các cuộc tập trận song phương, đa phương với các đối tác, đồng minh trong và ngoài khu vực. Từ năm 2019 đến nay, Mỹ đã tăng đáng kể tấn suất, phạm vi và quy mô các hoạt động FONOP ở Biển Đông bất chấp những phản ứng từ Trung Quốc. Mỹ đã tuyên bố sẽ đối phó với lực lượng tàu cá “dân sự” và các lực lượng bán quân sự của Trung Quốc như đối với hải quân. Mỹ cũng đang xúc tiến việc triển khai các hệ thống tên lửa tầm xa ở khu vực để khẳng định sự vượt trội so với Trung Quốc. Để đối phó với Mỹ và đồng minh, Trung Quốc sẽ tăng cường triển khai quân đội tại các đảo nhân tạo do nước này bồi đắp, khuyến khích sự tham gia của các lực lượng trên biển để củng cố hiện diện và chiếm đóng đối với các thực thể này, cũng như ưu thế vượt trội của Trung Quốc đối với Mỹ và các nước.

Hai là, các động thái đơn phương của Trung Quốc và một số nước trên thực địa và trên bàn đàm phán. Như chúng ta đã chứng kiến, Trung Quốc đã hành xử một cách độc lập, bất chấp luật pháp và phản ứng của các bên ở Biển Đông. Những hành động như vậy khiến tình hình căng thẳng phức tạp. Những hành động này cũng tiềm ẩn nguy cơ va chạm cao nếu các bên không kiềm chế. Như vụ việc Trung Quốc triển khai nhóm tàu khảo sát vào vùng thềm lục địa của Việt Nam và ngăn cản hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế. Hành động tương tự cũng diễn ra đối với Malaysia và Philippines. Bất chấp sự can dự của ASEAN kể từ năm 1992, Trung Quốc phần lớn đã vi phạm đáng kể các chuẩn mực theo Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) của ASEAN năm 2002 và sau đó nước này cũng vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) thông qua những hoạt động như xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo trên quy mô lớn. Nhìn chung, những hành động như của Trung Quốc đã tạo ra những mối đe dọa mới đối với an toàn hàng hải và gây cản trở cho tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử các bên ở Biển Đông (COC), dẫn đến căng thẳng tái diễn.

Ba là, sự khác biệt về tham vấn và đàm phán COC do quan điểm của một số nước như Campuchia, Lào, Philippines trong vấn đề này còn chịu sự chi phối, tác động lớn từ Trung Quốc. Trung Quốc muốn COC cũng trên cơ sở nguyên tắc đàm phán song phương giữa một bên là Trung Quốc và bên kia là ASEAN, không bao gồm sự tham gia của các nước bên ngoài như Mỹ, EU, Nhật Bản… Điều này không phù hợp với xu thế và mong muốn của các nước ASEAN. Vì Biển Đông có ảnh hưởng tác động đến lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Nếu đàm phán song phương theo kiểu Trung Quốc, giá trị thực sự của COC sẽ bị méo mó, hoặc sẽ không thể đạt kết quả do sự phân hóa nội bộ các nước ASEAN của Trung Quốc. Vai trò của ASEAN cũng như quan hệ giữa khối này với TQ là một nhân tố quan trọng.

Bốn là, hợp tác hàng hải và phát triển chung giữa các nước có thể bị đình trệ do sự thiếu lòng tin và ý trí chính trị của các nước và do sự phá vỡ chủ nghĩa dân tộc thuần túy. Các nước buộc phải chọn lựa bên nào để theo giữa Mỹ và Trung Quốc. Vì vậy, Biển Đông sẽ thành khu vực cạnh tranh chiến lược giữa một bên là chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với một bên là “Vành đai, con đường” và “Con đường tơ lụa” trên biển của Trung Quốc. Mỹ – Trung sẽ cạnh tranh dẫn đến đối đầu trực tiếp hoặc gián tiếp, hay sẽ thoả hiệp dựa trên chia phần lợi ích của các quốc gia nhỏ hơn vẫn là những kịch bản đang cần xác định rõ. Từ đó mới định lượng các yếu tố tích cực hoặc tiêu cực đến những quốc gia liên quan và đề ra chính sách ứng phó phù hợp cho các nước khu vực.

Tóm lại, dù Biển Đông diễn biến theo chiều hướng nào thì một thực tế chắc chắn là các quốc gia ven biển phải đứng trước lựa chọn hành động đơn phương, tăng cường an ninh biển và kéo cả khu vực vào xung đột, hay là xây dựng các nguyên tắc, thể chế và xác định các vấn đề tiếp cận mở. Xu hướng đơn phương và quân sự hóa ở Biển Đông đang gia tăng hiện nay chính là mối đe dọa an ninh con người cho toàn khu vực. Trung Quốc sẽ phản ứng quyết liệt hơn để ngăn các nước tuần tra vì tự do hàng hải trên Biển Đông, có thể có va chạm nhỏ giữa các nước tranh chấp và leo thang thành sự cố lớn. Vì vậy, để có giải pháp lâu dài cho Biển Đông, rất cần những nỗ lực chung của tất cả các nước.

RELATED ARTICLES

Tin mới