Friday, January 10, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTổng thống Philippines Duterte tính toán gì khi lần thứ hai thăm...

Tổng thống Philippines Duterte tính toán gì khi lần thứ hai thăm Nga?

Chuyến thăm Nga của Tổng thống Philippines Duterte kéo dài 5 ngày (02-06/10/2019) với trọng tâm là thảo luận với Nga về thúc đẩy hợp tác an ninh quốc phòng, kinh tế, đầu tư, giao thông vận tải, nông nghiệp và nhân đạo. Đây là chuyến thăm thứ hai của ông Duterte tới Nga sau chuyến thăm đầu tiên vào tháng 5/2017 vốn bị cắt ngắn do các vụ tấn công khủng bố tại miền Nam Philippines.

Tổng thống Philippines Duterte gặp gỡ Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev. Nguồn: RT

Gặp gỡ các nhà lãnh đạo Nga

Tổng thống Duterte đã gặp Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tại Matxcova để thảo luận vấn đề thúc đẩy hợp tác hai nước về kinh tế, đầu tư, giao thông vận tải, nông nghiệp và nhân đạo. Ông Duterte cũng gặp người đồng cấp nước chủ nhà Vladimir Putin tại thành phố Sochi nhằm đánh giá tình trạng mối quan hệ song phương. Phát biểu trước chuyến thăm, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nêu rõ hai bên sẽ xác định những cách thức nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực an ninh và quốc phòng, chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực, chống tội phạm xuyên quốc gia. Hai bên cũng thảo luận về các diễn biến khu vực và toàn cầu ảnh hưởng tới Philippines và Nga như những điểm chủ chốt hội tụ các lợi ích quốc gia.

Tăng cường quan hệ, mở rộng đối tác thương mại, đầu tư

Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Nga – Philippines ở Matxcova, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết hợp tác kinh tế với Nga đem lại nhiều lợi ích, trước hết góp phần tạo thêm nhiều việc làm tại Philippines. Trong khuôn khổ chuyến thăm Nga của Tổng thống Duterte, hai bên đã ký 10 hiệp định hợp tác trị giá 6,6 triệu USD. Ông Duterte nói “quan hệ kinh tế của chúng ta đang phát triển. Đối với Philippines, Nga là thị trường đầu tư và thương mại ưu tiên. Tôi rất hài lòng khi trao đổi kinh tế hai nước đang tăng lên. Năm ngoái (2018), tổng thương mại lên tới 1 tỷ 360 triệu USD”. Ngoài ra, Tổng thống Philippines Duterte đã mời các công ty Nga đầu tư, nhắc lại rằng Philippines cung cấp nhiều ưu đãi thuế khác nhau. Doanh nghiệp Nga sẽ được miễn thuế thu nhập trong khoảng thời gian từ 4 đến 6 năm. Công dân Nga cũng có thể xin thị thực lao động đặc biệt cho người nước ngoài, đang làm việc tại Philippines.

Tăng cường hợp tác an ninh, quốc phòng, cân bằng quan hệ nước lớn

Hai bên đã thảo luận về những cách thức nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực an ninh và quốc phòng, chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực, chống tội phạm xuyên quốc gia. Hai bên cũng thảo luận về các diễn biến khu vực và toàn cầu ảnh hưởng tới Philippines và Nga. Chuyến thăm cũng mở ra những hợp đồng mua bán vũ khí giữa Nga và Philippines. Đáng chú ý, tại Diễn đàn doanh nghiệp Nga – Philippines, Bộ Năng lượng Philippines và Tập đoàn hạt nhân quốc gia Rosatom của Nga đã ký thỏa thuận nghiên cứu khả năng xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Philippines. Ngoài ra, Nga đã đề xuất với Philippines dự án xây dựng một nhà máy điện hạt nhân nổi. Được biết, Philippines đã xây dựng một nhà máy điện hạt nhân vào thập niên 1980 của thế kỷ trước để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng, song nó đã không bao giờ đi vào hoạt động do lo ngại thảm họa trong nhiều thập kỷ. Trong khi đó, nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên của Nga đã cập cảng Pevek ở Bán đảo Chukotka thuộc Viễn Đông vào tháng 9/2019 và dự kiến sẽ bắt đầu phát điện trước cuối năm nay.

Chuyến thăm cho thấy điều gì?

Chính sách đối ngoại của Tổng thống Philippines Duterte theo đuổi đang gây nhiều “xáo trộn” trong quan hệ với Mỹ, một trong những đồng minh thân cận và lâu đời của Philippines, trong khi lại hướng đến Trung Quốc và Nga. Nhà lãnh đạo Philippines tuyên bố rằng, Manila cần sự hỗ trợ của Nga trong mọi vấn đề thương mại. Không chỉ vậy, Philippines còn tuyên bố sẽ mua vũ khí của Nga và Trung Quốc. Các nhà phân tích nhận định, Tổng thống R.Duterte đang áp dụng chính sách “nhất cử lưỡng tiện”, vừa xoa dịu Trung Quốc, vừa thu hẹp ảnh hưởng của Mỹ. Đằng sau kế sách đó là việc Manila không muốn bị trói buộc vào một quan hệ duy nhất. Rõ ràng việc chấm dứt mối quan hệ đồng minh nhiều thập kỷ với Mỹ không phải là một lựa chọn có lợi cho Manila. Nhưng có một điều chắc chắn là, ông R.Duterte đang tìm kiếm thế cân bằng cho Manila giữa các siêu cường và thực tế này sẽ tác động đáng kể đến bức tranh địa chính trị khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới