Trong chuyến thăm Nga kéo dài 5 ngày (02-06/10/2019) vừa qua, Tổng thống Philippines Duterte đã gây sự chú ý của dư luận khi đưa ra đề nghị các công ty dầu khí của Nga, mà cụ thể là Tập đoàn dầu khí thuộc sở hữu nhà nước Rosneft, tham gia vào các dự án hợp tác khai thác năng lượng ở Biển Đông. Các nhà quan sát cho rằng triển vọng của thoả thuận này phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc.
Về thông tin liên quan hoạt động hợp tác khai thác chung ở Biển Đông giữa Philippines và Nga
Phát ngôn viên, kiêm Cố vấn pháp lý của Tổng thống Philippines Duterte Salvador S. Panelo cho biết Tổng thống đã mời Tập đoàn Rosneft và các nhà lãnh đạo giới dầu mở của Nga, đầu tư vào Philippines, đặc biệt là liên quan đến phát triển dầu khí ở Biển Đông và đảm bảo với các quan chức này rằng các khoản đầu tư của họ an toàn ở Philippines và Chính quyền Philippines sẽ không dung thứ cho tội phạm tham nhũng, quan liêu.
Trước cuộc họp của Duterte với các Giám đốc điều hành của Rosneft, Đại sứ Philippines tại Nga Carlos Soreta cũng cho rằng các công ty năng lượng của Nga quan tâm đến hoạt động khai thác dầu khí ở Philippines và bất kỳ thỏa thuận nào với Nga đều không thể làm tổn hại quyền của Manila trong khu vực. “Họ đã sẵn sàng làm điều đó theo luật của chúng tôi. Họ không phải là một bên đưa yêu sách. Nếu họ đến, nó sẽ là sự công nhận đầy đủ các quyền chủ quyền của chúng tôi và quyền thăm dò khai thác của chúng tôi”, phát biểu của Đại sứ Philippines tại Nga Carlos Soreta đăng trên tờ Rappler của Philippines.
Về khả năng và triển vọng hoạt động hợp tác khai thác chung ở Biển Đông giữa Philippines và Nga
Vai trò của các công ty dầu khí Nga ở Biển Đông đã được chú ý kể từ tháng 7 vừa qua khi Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát hải dương 8 xâm phạm chủ quyền Việt Nam trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế ở phía Nam Biển Đông. Nhóm tàu Trung Quốc đã tìm cách ngăn cả, quẫy nhiễu hoạt động của giàn khoan dầu Việt Nam và Rosneft gần Bãi Tư Chính. Đây là khu vực nằm hoàn toàn trong vùng thềm lục địa của Việt Nam được pháp luật quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) thừa nhận, không có bất kỳ tranh chấp nào với các nước.
Năm 2018, Trung Quốc cũng đã đe doạ và sử dụng quân sự để buộc Tập đoàn dầu khí Repsol của Tây Ban Nha ngừng hoạt động hợp tác thăm dò dầu khí ở Biển Đông với Việt Nam. Tuy nhiên, trong trường hợp hiện nay, Rosneft dường như không hề nao núng và cho thấy dấu hiệu sẽ có hành động tương tự như công ty Repsol của Tây Ban Nha. Giới quan sát nhận định, Trung Quốc sẽ không đối xử với các dự án thăm dò dầu khí của Nga giống như cách đối xử với công ty Tây Ban Nha hay Nhật Bản. Vì vậy, điều này cho thấy chiến lược của Philippines hiện nay là muốn hợp tác với Nga để làm đối trọng với Trung Quốc.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng Nga sẽ chỉ coi Việt Nam là đối tác quan trọng, truyền thống ở Đông Nam Á để cùng triển khai các dự án hợp tác dầu khí thay vì mở rộng hoạt động tương tự với Philippines, vì Nga không muốn đụng chạm lợi ích với Trung Quốc. Năm 2016, Nga cũng là nước tuyên bố phản đối Phán quyết của Toà Trọng tài thường trực trong vụ kiện yêu sách đường lưỡi bò giữa Philippines và Trung Quốc. Các quan chức Nga, cũng như giới lãnh đạo của Rosneft và Gazprom, hai công ty năng lượng hàng đầu có các dự án chung với Việt Nam, rất kín tiếng về hoạt động của họ tại các khu vực ngoài khơi của Việt Nam. Nga có lợi ích rõ ràng ở Biển Đông, song khó có khả năng Nga chấp nhận xung đột với Trung Quốc để mở rộng hoạt động và hiện diện ở vùng biển này. Điều này giải thích cách Nga thể hiện tiếng nói hạn chế trong vấn đề này suốt những năm qua.
Mặc dù là một điểm bất đồng giữa Bắc Kinh và Mátxcơva, các hoạt động của các công ty Nga ở Biển Đông khó có thể làm mất ổn định mối quan hệ chiến lược quan trọng giữa Trung Quốc và Nga và hai quốc gia này thực sự cần nhau trong các vấn đề lớn hơn. Hoạt động của nhóm tàu Trung Quốc quanh Bãi Tư Chính của Việt Namm hiện nay có thể chỉ đơn thuần là dấu hiểu của Trung Quốc muốn nói rằng Bắc Kinh đang theo dõi những gì mà Nga đang làm ở khu vực.
Tóm lại, về tương lai liệu có các thoả thuận hợp tác khai thác chung dầu khí giữa Philippines và Nga hau không còn khó đoán định, song chắc chắn rằng quyết định của hai bên sẽ phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc. Vì vậy, thông tin mà Tổng thống Duterte vừa đưa ra có thể chỉ nhằm thăm dò dư luận hoặc nâng cao giá trị chuyến thăm Nga của ông cũng như đa dạng hoá chiến lược của nước này trong các thoả thuận hợp tác khai thác chung, như với Trung Quốc, vốn đang gây nhiều tranh cãi và phản ứng trái chiều tại Philippines.