Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiLý do Trump - Tập 'ngừng bắn'

Lý do Trump – Tập ‘ngừng bắn’

“Lệnh ngừng bắn” chiến tranh thương mại vào cuối tuần trước giúp Trump – Tập có chiến thắng vào thời điểm đang chịu nhiều áp lực.

Trong nhiều tháng qua, Trump gây áp lực với Bắc Kinh bằng cách đánh thuế nặng với mong muốn đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện, nhằm giải quyết một loạt lo ngại của Mỹ về cách Trung Quốc quản lý nền kinh tế. Trong khi đó, các quan chức cấp cao Trung Quốc đáp trả các đòn áp thuế của Trump và nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải có điều kiện tiên quyết là Mỹ xóa bỏ hoàn toàn thuế quan.

Tuy nhiên, ngày 11/10, hai bên quyết định rằng thỏa thuận một phần còn tốt hơn không có. Họ thống nhất một thỏa thuận sơ bộ rằng Trung Quốc mua thêm nông sản Mỹ và thực hiện một số bước mở cửa nền kinh tế, đổi lấy việc Mỹ để từ bỏ kế hoạch tăng thuế tuần tới. Động thái này sẽ giúp làm dịu cuộc chiến thương mại đã gây thiệt hại đáng kể cho hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ông Tập Cận Bình đang phải đối mặt với các cuộc biểu tình bạo lực trên đường phố ở Hong Kong cũng như giá hàng hóa trong nước tăng mạnh. Còn Trump rất muốn một câu chuyện để chuyển hướng dư luận khỏi cuộc điều tra luận tội và một loạt nghi ngờ về liên lạc giữa đội ngũ của ông với Ukraine. Cả hai lãnh đạo ngày ngày đối mặt với những tin tức kinh tế tiêu cực vì cuộc chiến thương mại đang đè nặng lên đầu tư sản xuất và kinh doanh.

“Rõ ràng là chiến tranh thương mại Mỹ – Trung lâm vào bế tắc”, Edward Alden, chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại nói. “Tại thời điểm này, không bên nào thấy việc leo thang căng thẳng có thể đem về lợi ích gì. Tổng thống muốn một sự kiện tích cực để có lợi cho chiến dịch tranh cử năm 2020 và người Trung Quốc muốn điều tương tự vì lý do kinh tế”.

Trump và các cố vấn bác bỏ chiến tranh thương mại gây ra thiệt hại kinh tế ở Mỹ. Tuy nhiên, các bằng chứng ngày càng khó bỏ qua. Đầu tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo chiến tranh thương mại Mỹ – Trung có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 700 tỷ USD vào năm 2020 – tương đương với quy mô của toàn bộ nền kinh tế Thụy Sĩ.

Khi chiến dịch tái tranh cử của Trump đang đến gần, ông và các cố vấn ngày càng ý thức về sự cần thiết phải hạn chế bất kỳ thiệt hại kinh tế nào, đặc biệt với đối tượng cử tri quan trọng như nông dân, những người phải thiệt hại nhiều nhất trong cuộc chiến.

Kinh tế nông nghiệp Mỹ rơi vào suy thoái do sụt giảm mạnh về doanh số bán hàng sang Trung Quốc các mặt hàng chủ đạo như đậu nành, thịt lợn và ngô. Trong khi chính quyền đã cố gắng giảm bớt thiệt hại bằng hai vòng hỗ trợ tài chính, nông dân ngàycàng  mong muốn Nhà Trắng chấm dứt chiến tranh thương mại, nói rằng khoản trợ cấp không đủ để bù đắp cho doanh số bị mất.

Nỗi đau đó có nguy cơ trầm trọng hơn vào tuần này. Trước khi có thỏa thuận “ngừng bắn” hôm 11/10, Trump lên kế hoạch tăng thuế từ 25% lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng hóa. Nếu điều đó xảy ra, Trung Quốc nhiều khả năng trả đũa, dẫn đến hệ quả là người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ sắp bước vào mùa nghỉ lễ sẽ chịu thiệt.

Còn về phần ông Tập, giá thực phẩm tăng cao đã trở thành vấn đề lớn ở Trung Quốc. Dịch tả lợn châu Phi đã khiến giá thịt lợn cũng như các sản phẩm thay thế như thịt bò và thịt cừu tăng mạnh. Khi công chúng Trung Quốc bắt đầu hỏi “thịt bò ở đâu”, các nhà đàm phán thương mại có câu trả lời: Nó có thể đến từ Mỹ, cùng với rất nhiều thịt lợn, đậu nành và thực phẩm khác.

Nhưng trong khi thỏa thuận có lợi cho một số ngành công nghiệp nhất định, nó ít khả năng đảo ngược những chia rẽ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Với thỏa thuận mới này, Mỹ vẫn giữ mức thuế áp đặt trong 16 tháng qua đối với một loạt các ngành công nghiệp Trung Quốc. Điều đó có thể khiến nhiều công ty vẫn nỗ lực chuyển việc sản xuất khỏi Trung Quốc, có thể sang Mỹ nhưng nhiều khả năng là các đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á.

Eswar Prasad, giáo sư chính sách thương mại tại Đại học Cornell, nói rằng thỏa thuận giúp không có lệnh trừng phạt mới nào được đưa ra nhưng không giải quyết được các rạn nứt cơ bản giữa hai nước. “Khó có thể cho rằng động thái này là bước xuống thang căng thẳng thật sự”, Prasad nói.

Trump hôm 11/10 cho biết Trung Quốc đồng ý mua 40 – 50 tỷ USD hàng hóa nông sản Mỹ hàng năm, trong khi mức trước chiến tranh thương mại là khoảng 24 tỷ USD. Không thể đảm bảo Trung Quốc có tiếp tục đồng ý nhượng bộ hay không khi nước này đang trong thời điểm nhạy cảm chính trị. Ba tuần tới, phiên họp của Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc gồm 204 thành viên sẽ diễn ra. Đây là cuộc họp đầu tiên kể từ tháng hai năm ngoái.

Ông Tập chịu trách nhiệm lớn về tình trạng mối quan hệ Mỹ – Trung cũng như tình trạng nền kinh tế Trung Quốc. Để xử lý các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ, ông Tập đã chọn một ủy ban đảng Cộng sản mà ông đích thân giám sát và để một trong những cố vấn thân cận nhất, Phó thủ tướng Lưu Hạc, phụ trách.

“Trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan hiện nay, ông ấy cần phải có câu trả lời cho các thành viên Ủy ban Trung ương dự cuộc họp”, cựu biên tập viên Deng Yuwen của một tạp chí đảng ở Bắc Kinh, viết.

Vẫn có nguy cơ thỏa thuận Mỹ – Trung sụp đổ sau khi Ủy ban Trung ương Đảng họp. Bắc Kinh dường như đang phòng ngừa rủi ro đó. Truyền thông nhà nước Trung Quốc không mô tả những điều hai bên thống nhất là một thỏa thuận thực tế. Bản thân ông Trump cũng nói rằng các chi tiết pháp lý của thỏa thuận vẫn chưa ngã ngũ và chưa được trình bày ra văn bản.

Trung Quốc và Mỹ từng đạt được hai thỏa thuận “ngừng bắn”, lần đầu tiên vào tháng 12 ở Buenos Aires và lần thứ hai vào tháng 6 tại Osaka. Thỏa thuận Buenos Aires kéo dài 5 tháng trong khi thỏa thuận Osaka sụp đổ trong một tháng.

“Điều gì cũng có thể xảy ra”, Trump trả lời khi được hỏi liệu thỏa thuận có thể sụp đổ trước khi hai bên ký kết tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở Chile vào tháng tới hay không. “Điều đó có thể xảy ra. Nhưng tôi không nghĩ mọi chuyện sẽ diễn biến theo hướng đó. Tôi nghĩ chúng tôi biết nhau rất rõ”.

RELATED ARTICLES

Tin mới