Những đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông chẳng những gây căng thẳng với các nước láng giềng, mà còn tạo nguy cơ làm gián đoạn một trong những tuyến đường hàng hải quan trọng nhất thế giới.
Tuyến đường hàng hải có vai trò sống còn với thế giới
Mới đây, tờ Asia Today của Hàn Quốc có đăng bài viết với tựa đề “Việt Nam bảo vệ hòa bình ở Biển Đông”, trong đó khẳng định: “Biển Đông là tuyến hàng hải quan trọng trên thế giới. Hành động, yêu sách chủ quyền với hơn 80% diện tích Biển Đông của Trung Quốc gây xung đột, bất ổn, đe dọa hòa bình, tự do hàng hải và hàng không tại vùng biển này. ASEAN và cộng đồng quốc tế cần lên tiếng đối với những hành động khiêu khích đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc”.
Đây là phân tích rất xác đáng bởi Biển Đông có tầm quan trọng và vị thế địa chiến lược trọng yếu không chỉ đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ bao quanh, mà còn đối với khu vực Đông Á và thế giới. Trước hết vì Biển Đông nằm trên tuyến hàng hải huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, châu Âu – châu Á, Trung Đông – châu Á. Đây là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ 2 trên thế giới và điểm gần nhất của tuyến vận tải biển này chỉ cách Côn Đảo chừng 38km.
Theo thống kê, hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển, 45% trong số đó phải đi qua Biển Đông. Mỗi ngày có khoảng 300 tàu vận tải các loại đi qua khu vực này, bao gồm 200 tàu chở dầu, 50% số tàu này có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% từ 30.000 tấn trở lên.
Nhiều nước và nền kinh tế ở khu vực Đông Á và trên thế giới phụ thuộc sống còn vào con đường biển này. 1/3 lượng dầu thô và hơn 1/2 lượng khí hóa lỏng của Mỹ được chuyên chở qua Biển Đông. Với Nhật Bản, khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hóa xuất khẩu của nước này được vận chuyển qua Biển Đông. Trung Quốc có 29/39 tuyến hàng hải và khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu được vận chuyển qua vùng biển này.
Mới tháng 9 vừa rồi, Nga và Ấn Độ thống nhất mở tuyến đường biển mới chạy qua Biển Đông. Biên bản ghi nhớ về tuyến hàng hải mới này được ký kết tại Diễn đàn kinh tế Phương Đông (EEF) ở thành phố Vladivostok (Nga) trước sự chứng kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Theo đó, nhờ đi qua Biển Đông, hành trình từ Vladivostok tới thành phố Chennai của Ấn Độ chỉ còn 10.460km, rút ngắn đáng kể so với 16.000km từ giữa thành phố Saint Petersburg (Nga) tới Mumbai (Ấn Độ) hiện nay.
Các chuyên gia kinh tế cảnh báo nếu khủng hoảng xảy ra ở Biển Đông, các loại tàu biển phải chạy theo đường mới hoặc vòng qua Nam Australia thì cước phí vận tải thậm chí sẽ tăng gấp 5 lần và không còn đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Yêu sách và cách hành xử của Trung Quốc khiến thế giới lo ngại
Chính vì thế, yêu sách cũng như cách hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông khiến thế giới hết sức lo ngại. Điều gì xảy ra khi yêu sách “đường lưỡi bò” – “đường chữ U” 9 đoạn chiếm tới 80% diện tích Biển Đông bị áp đặt trên thực tế? Khi đó, toàn bộ quyền kiểm soát với vùng trời, vùng biển và đáy biển trong “đường lưỡi bò” sẽ nằm trong tay Trung Quốc. Mọi hoạt động kinh tế, giao thương đường biển, đường không trong khu vực đều dưới sự điều khiển của Trung Quốc.
Dù hiện tại Trung Quốc chưa đủ lực để áp đặt mọi tham vọng của mình, nhưng cách hành xử của họ cho phép người ta đoán được tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh. Việc Trung Quốc cản trở Việt Nam thực hiện các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình, ngang nhiên đưa nhóm tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 xâm phạm EEZ và vùng thềm lục địa của Việt Nam cho thấy Bắc Kinh đang âm mưu biến vùng biển của nước khác thành của mình dưới yêu sách “đường lưỡi bò”.
Năm ngoái, khi Trung Quốc triển khai tên lửa hành trình chống hạm và phòng không trên đảo nhân tạo xây dựng trái phép tại đá Chữ Thập, Vành Khăn và Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, diễn tập cất hạ cánh với máy bay ném bom H-6K trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, dư luận quốc tế đã cảnh báo nguy cơ Trung Quốc sẽ tuyên bố lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
Theo luật pháp quốc tế, vùng biển quốc tế trên Biển Đông là nơi tàu thuyền, máy bay có thể tự do qua lại mà không phải chịu sự kiểm soát của bên nào, thì với việc đơn phương thiết lập ADIZ trên Biển Đông, Trung Quốc có thể yêu cầu mọi máy bay dân sự phải báo cáo lộ trình bay, thiết lập liên lạc hai chiều và chịu sự kiểm soát của họ tại khu vực này. Tương tự như việc Bắc Kinh thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông hồi năm 2013, khiến Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ phản đối.
Chính vì thế, Biển Đông không chỉ là vấn đề song phương giữa Trung Quốc với các nước có yêu sách chủ quyền, không còn là vấn đề của khu vực mà là vấn đề đa phương liên quan đến nhiều nước trong và ngoài khu vực. Theo ông Toshihiro Nakayama, Giáo sư về quản lý chính sách ở Đại học Keio, Nhật Bản là nước “rất dễ bị tổn thương” trước những diễn biến tiêu cực trên Biển Đông bởi hơn 90% giao thương của Nhật Bản lệ thuộc vào vận chuyển bằng đường biển. Nếu con đường hàng hải đó bị chặn hoặc nếu một quốc gia đơn lẻ nào đó làm chủ vùng biển đó thì Nhật sẽ rơi vào tình thế dễ bị tổn thương.
Bà Sarah Kirchberger thuộc Viện Chính sách An ninh thuộc Đại học Kiel, Đức, thì nhận định rằng, đối với các nước châu Âu, vấn đề Biển Đông không quan hệ lắm đối với lợi ích sát sườn của họ trừ một vài nước như Anh, Pháp, nhưng cách hành xử ngày càng chuyên chế và quả quyết của Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực đã khiến châu Âu quan ngại, một số người từng chủ trương thỏa hiệp với Trung Quốc đã thay đổi quan điểm.
Nhiều nước phản ứng và có hành động thách thức yêu sách của Trung Quốc
Việc Trung Quốc không tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 mà áp đặt theo luật pháp của mình đã khiến nhiều nước phản ứng và có hành động thách thức các yêu sách của Trung Quốc. Trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do (FOIP), Mỹ nhấn mạnh đến sự hợp tác của 4 cường quốc trong khu vực là Mỹ-Nhật-Ấn-Australia và kêu gọi sự can dự mạnh mẽ hơn từ các nước châu Âu, nhất là Anh và Pháp, để đảm bảo cấu trúc an ninh trong khu vực trước mối đe dọa từ Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, Mỹ liên tục đưa tàu chiến vào sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên Biển Đông nhằm mục đích như bà Reann Mommsen – phát ngôn viên Hạm đội 7 của hải quân Mỹ tuyên bố là nhằm “thách thức các yêu sách quá quắt trên biển và bảo toàn quyền tiếp cận vào tuyến đường biển theo quy định của luật quốc tế”.
Với Việt Nam, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước trong giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông là bằng biện pháp hòa bình, trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS. Theo đó, đối với các vấn đề chỉ liên quan đến Việt Nam và một quốc gia khác thì giải quyết song phương; với các vấn đề liên quan đến nhiều nước, nhiều bên, liên quan đến tự do, an toàn hàng hải thì cần sự bàn bạc của các bên liên quan.
Trên các diễn đàn đa phương, Việt Nam đã nỗ lực cùng các quốc gia trong khu vực và quốc tế xây dựng và thực hiện các cơ chế hợp tác, thúc đẩy hòa bình, hòa giải, ngăn ngừa xung đột. Chúng ta luôn tích cực đấu tranh bảo vệ luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS. Theo đó, Việt Nam kiên trì yêu cầu “tôn trọng pháp luật quốc tế, UNCLOS”, coi đây như một nguyên tắc để giải quyết và xử lý các tranh chấp liên quan đến biển đảo.
Việt Nam cũng nỗ lực đưa nguyên tắc này vào các văn kiện của ASEAN, kể cả “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC); “Tuyên bố 6 điểm ngày 20-7-2012 của ASEAN về Biển Đông”; dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Phương hướng đó sẽ tiếp tục được Việt Nam thực hiện khi đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021.