Wednesday, June 26, 2024
Trang chủSự thật Trung Hoa70 năm ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa: Lễ...

70 năm ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa: Lễ kỷ niệm hay là màn phô diễn “cơ bắp”?

Một số hình ảnh vệ tinh ngày 28/9 cho thấy tàu sân bay USS Ronald Reagan và một số tàu không xác định của Trung Quốc đang đi lại gần các đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Biển Đông. Người phát ngôn của Hạm đội 7 Mỹ từ chối xác thực vị trí của tàu USS Ronald Reagan, chỉ nói rằng tàu này “đang thực hiện các công việc hàng ngày của mình.”

Trước đó, ngày 26/9, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc phản đối các tàu sân bay trên và nhóm tàu đi theo đang ở Biển Đông để “khoe cơ bắp và leo thang mức độ quân sự hóa tại khu vực.”

Sự hiện diện của tàu Reagan dường như là một nỗ lực của Mỹ dội gáo nước lạnh vào lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường nói rằng quá trình 70 năm qua đã chứng minh rằng các mánh khóe nhỏ được các tàu chiến của các nước xung quanh Trung Quốc sử dụng sẽ không thể cản trở được “sự phát triển vĩ đại của Trung Quốc và lực lượng quân sự Trung Quốc.” [1]

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm này, Trung Quốc sẽ cho diễu hành bộ ba vũ khí mới, bao gồm máy bay tàng hình thế hệ mới, tên lửa hành trình siêu thanh và các lực lượng đặc biệt. Ngoài ra, đoàn diễu hành sẽ còn có một số hệ thống vũ khí truyền thống như các loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. [2]

Trung Quốc, dĩ nhiên, chối bỏ rằng buổi diễu hành này hay là các hoạt động tăng cường quân sự đe dọa đến an ninh và ổn định toàn cầu. Tuy nhiên, sự kiêng dè của các nước trong khu vực trước sức mạnh quân sự của Trung Quốc ngày càng lộ rõ.

Việt Nam là nước phản ứng dữ dội nhất trước các hành động gần đây của Trung Quốc. Phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA) ngày 28/9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh kêu gọi các nước liên quan phải kiềm chế và tôn trọng chủ quyền của các nước trên Biển Đông, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. “Thật đáng báo động khi lợi ích quốc gia hẹp hòi lại được đặt lên trên các giá trị chung; chính trị nước lớn, cưỡng ép, cạnh tranh, và xung đột lại được ưa thích hơn hợp tác, đối thoại và tôn trọng luật pháp quốc tế. Các hành động giảm thiểu nghiêm trọng cam kết chính trị và tài nguyên đã và đang ảnh hưởng to lớn tới hiệu quả và làm suy giảm chủ nghĩa đa phương.” Dù không chỉ đích danh Trung Quốc nhưng Hà Nội hiện chỉ có mâu thuẫn rõ ràng, nổi bật nhất với Trung Quốc do các tàu của nước này xâm phậm bất hợp pháp vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.[3]

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad phát biểu trong tuần vừa qua (23-29/9) rằng Malaysia quá nhỏ để có thể chống lại Trung Quốc lớn mạnh, kể cả khi tàu Trung Quốc thăm dò dầu khí tại vùng biển của nước này bất hợp pháp. “Chúng ta theo dõi các hành động của họ [Trung Quốc], chúng ta báo cáo những gì họ đang làm, nhưng chúng ta không đuổi họ đi hay cố tỏ ra hiếu chiến.” Trong quá khứ, Malaysia đã từng phải cống nạp vàng bạc cho Trung Quốc hàng năm như một biểu tượng của sự phục tùng. “Malaysia đã tồn tại gần Trung Quốc trong 2000 năm. Chúng ta có thể tồn tại vì chúng tôi tự biết cách cư xử. Chúng ta không đi vòng quanh, tỏ ra hiếu chiến khi chúng ta không có khả năng, do đó chúng ta sử dụng các biện pháp khác.” Ông cũng cho rằng “không nên cố làm điều gì mà chắc chắn mình sẽ không thực hiện được, và tìm một phương án khác ít vũ lực hơn thì sẽ tốt hơn và không chọc giận Trung Quốc quá mức vì Trung Quốc cũng đem lại lợi ích cho chúng ta.”[4]

Thêm vào đó, trước phát biểu của Ngoại trưởng Philippines Tedoro Locsin Jr. ngày 28/9 tại UNGA, trang Breibart của Mỹ nhận định rằng phát biểu tuy có đề cập đến Trung Quốc “nhưng chỉ để ca ngợi và cảm ơn Đảng Cộng Sản [Trung Quốc] vì đã đồng ý cho phép Philippines sử dụng vùng đặc quyền kinh tế của mình mà không sử dụng sức mạnh quân sự để tiêu diệt đất nước này.”

Các nước khác có yêu sách chủ quyền tại Biển Đông như Brunei, Malaysia cũng tránh không đề cập đến tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc tại phát biểu của mình trước Đại hội đồng. Để làm hài lòng Trung Quốc, Liên Hợp Quốc không công nhận Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền nên Đài Loan không thể tham dự. Dù Đài Loan cũng ở trong tình trạng tương tự như Palestine nhưng Palestine lại được cho phép dự trong nhiều năm qua. [5]


[1]Japan Times, 29/9.

[2]Nikkei Asian Review, 1/10.

[3]Breibart, 30/9.

[4]Reuter, 28/9.

[5] Breibart, 30/9 (như 3)

RELATED ARTICLES

Tin mới