Năm 2019, sự tham gia của Thái Lan đối với vấn đề tranh chấp Biển Đông được đánh dấu bằng việc nước này đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên tổ chức ASEAN. Nhìn chung, do là nước không liên quan trực tiếp các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông nên Thái Lan vẫn giữ quan điểm trung lập, tìm cách cân bằng các mối quan hệ quốc tế để làm tròn vai của mình.
Với vai trò điều phối, tổ chức các hoạt động của nước Chủ tịch Thái an, ASEAN đã cho thấy tiếng nói mạnh mẽ hơn trong vấn đề Biển Đông
Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 52 (AMM 52) hôm 31/7 tổ chức tại Băng Kok, các nước đã ra Tuyên bố chung, đăng trên trang web của Ban Thư ký quốc gia về ASEAN của Thái Lan, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng cũng như lợi ích của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. “Chúng tôi đã thảo luận về tình hình (ở Biển Đông) và nhiều bộ trưởng bày tỏ quan ngại về các hành vi cải tạo, hoạt động và các sự cố nghiêm trọng trong khu vực đã làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”, theo tuyên bố. Ngoại trưởng các nước ASEAN tái khẳng định việc cần thiết phải tăng cường lòng tin, kiềm chế các hành vi và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, không đe dọa hoặc dùng vũ lực, trong khi tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tranh chấp theo khuôn khổ luật quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Bên cạnh đó, ngoại trưởng các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi toàn bộ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới đạt được Bộ quy tắc ứng xử (COC). “Chúng tôi hoan nghênh những biện pháp thiết thực nhằm giảm căng thẳng, nguy cơ xảy ra tai nạn, hiểu lầm và tính toán sai lầm. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin và tiến hành các biện pháp tăng cường lòng tin giữa các bên. Và chúng tôi nhấn mạnh lại tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982”, theo tuyên bố. Rõ ràng so với các nước như Campuchia, Lào hay thậm chí là Philippines khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, đã có lúc các nước không thể ra được Tuyên bố chung về Biển Đông hoặc bất đồng về quan điểm, lập trường. Vì vậy, việc năm 2019, ASEN ra được Tuyên bố chung và thể hiện quan điểm rõ ràng hơn về tình hình Biển Đông, phần nào cho thấy vai trò tích cực của Thái Lan.
Truyền thông Thái Lan đóng vai trò tích cực trong việc tạo ra tiếng nói chung của cộng đồng quốc tế trước những diến biễn ở Biển Đông
Giới chuyên gia, học giả Thái Lanthúc giục Chính phủ nước này cần tích cực thể hiện vai trò trong việcduy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, trong đó thể hiện quan điểm rõ ràng hơn đối với những hoạt động đơn phươngnhư quân sự hóa, vi phạm chủ quyền các nước ở Biển Đông. Trước mắt, Thái Lan cần nhận thức rõ rằng những diễn biến gần đây nhất cho thấy vấn đề Biển Đông ngày càng phức tạp, đe dọa an ninh cho cả khu vực. Là thành viên ASEAN và là một nước Đông Nam Á, Thái Lan không thể không làm gì. Tranh chấp Biển Đông ngày càng trở nên nổi cộm trong quan hệ ASEAN – Trung Quốc, đe doạ phá vỡ quan hệ hợp tác này nếu căng thẳng tiếp tục leo thang. Và với vai trò Chủ tịch ASEAN, Thái Lan phải có nhiều động thái tích cực để đoàn kết các nước đi đến một tiếng nói chung trong vấn đề Biển Đông. Báo chí, truyền thông Thái Lan cũng quan tâm đề cập thường xuyên những diễn biến ở Biển Đông, cho rằng các nước ASEAN không liên quan trực tiếp đến tranh chấp như Thái Lan, Indonesia và Singapore có thể đóng góp nhiều hơn vào giải quyết tranh chấp, vấn đề Biển Đông có tác động đến an ninh, ổn định của cả khối ASEAN và cả khu vực Tây Thái Bình Dương. Truyền thông Thái Lan cho rằng, các hành động gây căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông là mối đe dọa đối với tất cả các nước trong khu vực. Bởi vậy, các nước ASEAN cần đoàn kết để đối mặt một cách mạnh mẽ, khôn khéo trước sự bành trướng hung hăng này. Trung Quốc đang tiếp tục đẩy mạnh sự hiện diện của mình trên Biển Đông với những hành động khiêu khích không cần thiết. Các tờ báo Thái Lan đã phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc thực hiện bay thử nghiệm ra sân bay xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Báo chí Thái Lan nhận định, đây là hành động làm gia tăng căng thẳng và bất ổn trong khu vực, đồng thời kêu gọi ASEAN đoàn kết hành động, không để tình hình trở nên phức tạp hơn. Khuyến cáo Trung Quốc rất muốn lôi kéo Thái Lan về phía mình vì Bắc Kinh muốn tham gia vào quá trình soạn thảo Quy tắc Ứng xử của các nước tại Biển Đông (COC) với ASEAN ngay từ bước đầu. Trong vụ việc Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát hải dương 8 xâm phạm vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, báo chí Thái Lan đã thể hiện tiếng nói tích cực, phản ánh khách quan, nhìn chung đều lên án hành động coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
Tuy nhiên, quan điểm và lập trường của Thái Lan khi làm Chủ tịch ASEAN vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng từ mối quan hệ với TQ
Như trước đây, Thái Lan tìm cách cân bằng quan hệ với TrungQuốc khi đề cập đến vấn đề Biển Đông. Với vai trò Chủ tịch ASEAN, Thái Lan lại càng trở thành đối tượng tranh thủ và chịu tác động mạnh của Trung Quốc. Trong các chuyến thăm đến Thái Lan, giới lãnh đạo Trung Quốc đều tìm cách lôi kéo Thái Lan ủng hộ quan điểm của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Hồi tháng 8 vừa qua khi tham dự Hội nghị Bộ trưởng ASEAN – Trung Quốc tại Bangkok, để lấy lòng Thái Lan – Chủ tịch ASEAN, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã dùng những từ ngữ hoa mỹ để đề cao vai trò của Thái Lan thông quan việc khẳng định những tiến triển của ASEAN và Trung Quốc trong việc hoàn tất phiên họp giới thiệu đầu tiên về dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử các bên ở Biển Đông (COC) rất được trông chờ để tạo ra một khuôn khổ hành động dựa trên các quy tắc ở Biển Đông. “Chúng ta có thể hoàn thành được phiên họp giới thiệu dự thảo trước thời hạn bởi vì các bên còn lại đã có sự thảo luận thực sự. Kết quả này cần phải được hoan nghênh. Tiến triển này đã cho chúng ta nhiều thời gian hơn cho các phiên họp tiếp theo và củng cố niềm tin của chúng ta và sự quyết tâm mạnh mẽ để cùng nhau xây dựng các quy tắc trong khu vực, vì hòa bình trên Biển Đông” Ngoại trưởng Trung Quốc phát biểu. Rõ ràng đây là những phát biểu nhằm đánh bóng cho chính mình của Bắc Kinh, đồng thời cũng khiến nước chủ nhà Thái Lan hài lòng. Song dường như những gì mà lãnh đạo Trung Quốc nói đi ngược lại tình hình căng thẳng trên Biển Đông gần đây giữa Trung Quốc và một loạt các quốc gia láng giềng khác. Ngoài các vấn đề quốc tế trên, Trung Quốc cũng được xem là lấy lòng Thái Lan khi giảm sự quan tâm đối với anh em cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin-Yingluck Shinawatra khi hai người này về thăm quê hương Trung Quốc hồi đầu năm. Trong đợt bầu cử Quốc Hội Thái Lan hồi tháng 6 và bỏ phiếu bầu thủ tướng nhiệm kỳ mới, Trung Quốc cũng đưa ra các tuyên bố thể hiện sự ủng hộ đối với chiến thắng của Thủ tướng Chan O Cha và đảng cầm quyền.
Năm 2020, Thái Lan sẽ tiếp tục giữ lập trường trung lập trong vấn đề Biển Đông, mặc dù đều tranh đối đầu với TQ nhưng sẽ vẫn nhất quán với quan điểm chung của ASEAN
Mặc dù là nước không có tranh chấp, song Biển Đông có vai trò, tác động trực tiếp đến sự phát triển của Thái Lan. Biển Đông là biển duy nhất nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương,thông qua eo biển Basi (nằm giữa Philippines và Đài Loan) và eo biển Đài Loan. Về phía Tây, Biển Đông thông với Ấn Độ Dương qua eo biển Malacca. Trải qua nhiều thập kỷ trong lịch sử, Biển Đông luôn được coi là con đường thiết yếu vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên thương mại từ Trung cận Đông và Đông Nam Á tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng Biển Đông. Lượng dầu lửa và khí hóa lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama. Hàng năm, có khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản được vận chuyển qua Biển Đông, khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc được vận chuyển bằng đường biển qua Biển Đông. Khu vực Biển Đông có những eo biển quan trọng đối với nhiều nước, trong đó có eo biển Malacca là eo biển nhộn nhịp thứ hai trên thế giới. Do đó, vùng biển này hết sức quan trọng đối với tất cả các nước trong và ngoài khu vực về địa – chiến lược, an ninh, giao thông hàng hải và kinh tế.
Xét về mặt tài nguyên thiên nhiên, Biển Đông rất giàu tài nguyên cả nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật. Về tài nguyên hải sản, với khoảng 2000 loài cá khác nhau và các loài đặc sản khác (tôm, cua, trai, tảo biển,…) là nguồn cung cấp thực phẩm quan trọng không bao giờ cạn nếu biết giữ gìn và bảo vệ. Biển Đông chứa đựng một tiềm năng lớn tài nguyên dầu khí. Toàn bộ thềm lục địa của Biển Đông được bao phủ bởi lớp trầm tích đệ tam dày, có nơi còn lan sang cả dốc và bờ ngoài của rìa lục địa. Các khu vực có tiềm năng dầu khí cao là các bồn trũng Brunei-Saba, Sarawak, Malay, Phattani Thái, Nam Côn Sơn, Mê Công, sông Hồng, cửa sông Hậu Giang. Các khu vực có tiềm năng dầu khí còn lại chưa khai thác là khu vực thềm lục địa ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và bờ biển miền Trung, khu vực thềm lục địa Tư Chính. Khu vực đáy biển thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa còn chứa các mỏ khoáng sản sun phít đa kim, kết cuội sắt mangan. Ngoài ra, biển Đông còn là vùng biển nước sâu rộng lớn, có nhiều tiền đề thuận lợi cho việc thành tạo và tích tụ băng cháy (còn gọi là khí hydrat).
Thái Lan là một nước công nghiệp mới. Tính đến năm 2016, tổng sản phẩm nội địa của Thái Lan là 390.592 USD (đứng thứ 28 thế giới, đứng thứ 9 châu Á và đứng thứ 2 Đông Nam Á sau Indonesia). Thái Lan xuất khẩu nhiều hơn 105 tỷ USD hàng năm. Các sản phẩm xuất khẩu chính bao gồm gạo, hàng dệt may, giầy dép, hải sản, cao su, nữ trang, ô tô, máy tính và thiết bị điện. Thái Lan đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo, mỗi năm xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo tinh chế. Vì vậy tuyến đường biển đối với Thái Lan hết sức quan trọng, giúp nền kinh tế nước này vươn ra bên ngoài và ngược lại. Một khi Biển Đông bất ổn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của Thái Lan.