Saturday, May 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMỹ và đồng minh vận động để Đài Loan gia nhập Tổ...

Mỹ và đồng minh vận động để Đài Loan gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới

Trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm mọi cách để cô lập, từng bước tiến tới thống nhất với Đài Loan, khiến Mỹ phải triển khai chiến dịch vận động ủng hộ Đài Bắc gia nhập Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Mỹ và đồng minh ủng hộ Đài Loan

Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều, phái đoàn Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc (2/5) đã phát động hoạt động “Tweet cho Đài Loan” trên Twitter và ủng hộ Đài Loan gia nhập WHO. Theo đó, vụ việc bắt đầu vào ngày 1/5, Cục Các tổ chức quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (IO Bureau) đã phát động chiến dịch #TweetForTaiwan (Tweet cho Đài Loan) trên Twitter và liên tục tung ra một số tweet trong vài giờ liên tiếp để ủng hộ Đài Loan tham dự Hội nghị Y tế Thế giới (WHA) sắp diễn ra. Một trong những bản tweet còn tương tác với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. IO Bureau đã ca ngợi những thành tựu của Đài Loan trong việc chống lại dịch bệnh viêm phổi do coronavirus mới, cho rằng thế giới cần đến kinh nghiệm của Đài Loan trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh. Dòng tweet chỉ ra rằng trước năm 2017 Bắc Kinh không phản đối việc Đài Loan tham gia WHA với tư cách là quan sát viên và đặt câu hỏi tại sao thái độ của Trung Quốc lại thay đổi.

Phái đoàn thường trực của Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc sau đó đã hưởng ứng chiến dịch “Tweet cho Đài Loan”, khẳng định mục đích thành lập Liên hợp quốc gồm 193 thành viên là để phục vụ “tất cả các tiếng nói” và hoan nghênh “nhiều quan điểm và cách nhìn”, thúc đẩy quyền con người; “việc cấm Đài Loan bước vào các cơ quan của Liên Hợp Quốc không chỉ xúc phạm niềm tự hào của người dân Đài Loan, mà còn sỉ nhục các nguyên tắc của Liên Hợp Quốc”. Tuy nhiên, tweet này không đề cập đến việc Đài Loan có nên gia nhập Liên hợp quốc hay không.

Truyền thông Mỹ cũng đã trích dẫn lời các nhà ngoại giao và hồ sơ cuộc họp nội bộ của WHO cho thấy chính quyền của Tổng thống Trump đang tìm kiếm sự hỗ trợ của đồng minh để “khôi phục địa vị quan sát viên của Đài Loan tại WHA” và có kế hoạch cùng với Nhật Bản, Australia và Anh gửi thư cho Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom, yêu cầu WHO mời Đài Loan tham dự WHA. Truyền thông Nhật Bản cũng dẫn lời các nguồn tin chính phủ nói rằng Thủ tướng Shinzo Abe bắt đầu cố gắng kêu gọi dư luận quốc tế ủng hộ sự tham gia của Đài Loan vào WHO với mục đích nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ, Australia tuyên bố họ sẽ ủng hộ Đài Loan quay trở lại WHO làm quan sát viên. Theo đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (1/5) cho biết nước này sẽ ủng hộ Đài Loan tham gia WHO với tư cách là quan sát viên hoặc khách mời và điều này phù hợp với chính sách một Trung Quốc của Australia. Người phát ngôn này cũng cho biết, thách thức từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đòi hỏi một phản ứng toàn cầu và kiên quyết. Do đó, WHO cần duy trì mối quan hệ làm việc chặt chẽ với tất cả các cơ quan y tế trên toàn cầu.

Trung Quốc lên tiếng

Để đáp trả Mỹ, Người phát ngôn của Trung Quốc đã bác bỏ tuyên bố của Hoa Kỳ, viết Nghị quyết 2758 của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã khôi phục chiếc ghế hợp pháp của Trung Quốc đại lục tại Liên hợp quốc và khẳng định chính sách một Trung Quốc của Liên hợp quốc; cho rằng “Phái đoàn thường trực của Hoa Kỳ tại Liên hợp quốc lấy cớ hoan nghênh đa nguyên quan điểm để ủng hộ Đài Loan là không thể chấp nhận”; đồng thời chỉ trích Hoa Kỳ “vi phạm nghiêm trọng Nghị quyết 2758 của Đại hội đồng Liên hợp quốc và ba Thông cáo chung Trung – Mỹ, can thiệp nghiêm trọng vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc và làm tổn thương tình cảm của 1,4 tỷ người Trung Quốc” và bày tỏ “sự bất mãn mạnh mẽ và kiên quyết phản đối”. Bên cạnh đó, Phái đoàn Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc cũng cáo buộc Hoa Kỳ “nhiều lần sử dụng thủ đoạn thị thực để ngăn chặn hoặc trì hoãn sự tham gia của các quốc gia thành viên có liên quan và đại diện xã hội dân sự tham gia các hoạt động của Liên hợp quốc”, cho rằng lập luận của Hoa Kỳ là “giả dối”. Trung Quốc cũng cáo buộc Hoa Kỳ chuyển sự chú ý và trốn tránh trách nhiệm của mình bằng cách tạo ra các chủ đề trong khi đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành.

Không những vậy, Phái đoàn Trung Quốc tại Geneva ngày 2/5 đã công bố phát biểu của phát ngôn viên Lưu Ngọc Ấn (Liu Yuyin) trên trang web bác bỏ bài viết của Hoa Kỳ liên quan đến Đài Loan. Bà Lưu Ngọc Ấn, cho rằng các quan chức nội các cấp cao của Hoa Kỳ “đã ngang nhiên tiếp xúc với chính quyền Đài Loan, ủng hộ ‘khu vực Đài Loan’ gia nhập WHO và tham gia WHA, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc ‘một Trung Quốc’ và ‘Ba Thông cáo chung Trung – Mỹ’. Trung Quốc bày tỏ quan ngại nghiêm trọng và kiên quyết phản đối”. Đồng thời tái khẳng định “khu vực Đài Loan” là một phần của Trung Quốc, việc tham gia vào các tổ chức quốc tế, bao gồm các hoạt động của WHO, phải được xử lý theo nguyên tắc “một Trung Quốc”. Chính quyền của Đảng Dân Tiến Đài Loan kiên trì theo đuổi “Đài Loan độc lập” và không ngần ngại “dĩ dịch mưu độc” (sử dụng dịch bệnh để mưu cầu độc lập), từ chối công nhận “Đồng thuận 92” dẫn đến việc không có cơ sở chính trị để “khu vực Đài Loan” tham gia WHA. Bà cũng yêu cầu “nước liên quan” nhận rõ tình hình, tuân thủ nguyên tắc “một Trung Quốc” và ngừng sử dụng dịch bệnh để thao túng các vấn đề liên quan đến Đài Loan.

Đài Loan đáp trả cứng rắn

Đáp trả tuyên bố của phía Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đài Loan Âu Giang An (Ou Jiangan) nhấn mạnh Đài Loan và Trung Quốc không lệ thuộc nhau, chính phủ Trung Quốc đại lục chưa bao giờ cai trị Đài Loan, vì vậy họ không có quyền đại diện cho dân chúng Đài Loan trong các tổ chức quốc tế; chỉ có chính phủ dân cử ở Đài Loan mới có quyền đại diện tại WHO và chịu trách nhiệm trước người dân Đài Loan; đồng thời chỉ trích WHO nên “vứt bỏ sự kiểm soát của chính phủ Trung Quốc” và để Đài Loan tham gia đầy đủ vào cuộc chiến chống COVID-19, nhấn mạnh đừng để sự can thiệp chính trị không thích hợp của Trung Quốc trở thành chướng ngại trong cuộc chiến chống virus của toàn thế giới.

Trong khi đó, Steven Solomon, cố vấn pháp lý của WHO, cho rằng WHO công nhận nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc như “một đại diện hợp pháp của Trung Quốc”, phù hợp với chính sách của LHQ kể từ năm 1971, và câu hỏi liên quan tới việc Đài Loan tham dự dành cho 194 nước thành viên của WHO.

Được biết, Đài Loan từng tham dự WHA với tư cách quan sát viên trong khoảng thời gian 2009-2016, trong lúc quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc ấm lên. Tuy nhiên, kể từ khi bà Thái Anh Văn trở thành lãnh đạo Đài Loan, Trung Quốc đã ngăn chặn Đài Loan tham gia vào các hoạt động của WHO. Mỹ hiện đang ủng hộ mạnh mẽ việc Đài Loan tham gia WHA với tư cách quan sát viên, đây cũng là một vết rạn nứt trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump – người ra sức chỉ trích cách ứng phó dịch COVID-19 của Trung Quốc và WHO.

RELATED ARTICLES

Tin mới