Tuesday, December 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaChính sách Biển Đông của Philippines là thất thường?

Chính sách Biển Đông của Philippines là thất thường?

Từ khi lên cầm quyền ở Philippines năm 2016, Tổng thống Duterte tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc, cố tranh thủ ông Tập Cận Bình với hy vọng Trung Quốc sẽ dành cho Philippines sự hỗ trợ mạnh mẽ về kinh tế, tài chính do vậy ông Duterte đã có những phát biểu dịu giọng với Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông, tạm thời không đề cập đến phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông mà theo đó, Philippines giành thắng lợi.

Tháng 11/2018, trong chuyến thăm Philippines của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Philippines và Trung Quốc đã ký Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông, theo đó 2 bên sẽ thành lập một Ủy ban liên chính phủ song phương để thảo luận các vấn đề cụ thể liên quan. Tuy nhiên, gần 1 năm qua, hai bên chưa có những bước tiến cụ thể để triển khai Bản ghi nhớ, kể cả việc thành lập Ủy ban liên chính phủ song phương.

Mặt khác, trong thời gian gần 1 năm qua, nhất là từ đầu năm 2019 đến nay đã xảy ra không ít những vụ việc phức tạp trên Biển Đông giữa 2 bên như Trung Quốc cho nhiều tàu chấp pháp và tàu dân quân biển bao vây đảo Thị Tứ mà Philippines đang chiếm đóng ở Trường Sa; uy hiếp tàu cá Philippines ở khu vực bãi cạn Scarborough; đâm chìm tàu cá, rồi bỏ mặc 22 ngư dân Philippines lênh đênh trên biển trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Philippines; trong tháng 7 và tháng 8/2019, nhiều lần tàu khảo sát Trung Quốc đi sâu vào vùng biển của Philippines…. Điều này buộc ông Duterte có những phát biểu cứng rắn hơn trên vấn đề Biển Đông.

Gần đây, sau chuyến thăm Trung Quốc hồi cuối tháng 8/2019 lại rộ lên các thông tin về việc Philippines cùng Trung Quốc hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông. Nói chuyện với các nhà báo ở Philippines hôm 10/9/2019, ông Duterte cho biết ông Tập đã hứa chia cho Philippines phần lợi lớn hơn với một dự án khai thác dầu khí chung trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Theo ông Duterte, trong chuyến thăm ông Tập Cận Bình đã một lần nữa cự tuyệt phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài và đề nghị “hãy dẹp sang một bên các tuyên bố chủ quyền” để hợp tác với các công ty Trung Quốc khai thác dầu khí và nếu tìm được gì, “chúng tôi (Trung Quốc) sẽ rộng lượng, chia cho các ông (Philippines) 60%, chúng tôi chỉ lấy 40%.”

Liên quan đến vấn đề này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh cho biết “Hai bên đã loan báo việc thành lập một Ủy ban thường trực liên chính phủ và một toán làm việc giữa các công ty có liên quan từ cả hai nước về vấn đề hợp tác khai thác dầu khí.”

Nhiều quan chức Philippines mạnh mẽ đả kích Tổng thống Duterte, đánh đổi chủ quyền biển đảo lấy lợi ích kinh tế và chấp nhận khai thác dầu khí chung với Trung Quốc trong khu đặc quyền kinh tế Philippines trên Biển Đông. Phó Tổng thống Philippines (cũng là lãnh đạo phe đối lập) Leni Robredo lên án Tổng thống Philippines là “cực kỳ vô trách nhiệm” khi cân nhắc khả năng gạt sang một bên “chiến thắng vẻ vang của Philippines trước tòa án trọng tài” để hợp tác với Bắc Kinh khai thác năng lượng chung trong khu đặc quyền kinh tế Philippines. Bà Leni Robredo nhấn mạnh “Bảo đảm một tương lai tốt đẹp hơn cho con cháu chúng ta có lẽ là nhiệm vụ quan trọng nhất, khó khăn nhất của bất cứ chính phủ nào. Bán rẻ tương lai ấy để đạt một thỏa thuận khai thác dầu khí chung với Trung Quốc là một cách làm đáng hổ thẹn, để trốn tránh trách nhiệm đó.”

Trước làn sóng chỉ trích, Người phát ngôn phủ Tổng thống Philippines Salvador Panelo, giải thích với các nhà báo rằng ông Duterte chỉ muốn nói ông sẽ “để sang một bên” vấn đề, nhưng “không từ bỏ đòi hỏi chủ quyền” và phán quyết của Tòa Trọng tài là đề tài đang được thảo luận giữa hai nước.

Thực hư thế nào chúng ta cùng chờ xem, song việc “cùng khai thác” với Trung Quốc không hề đơn giản, kể cả khi 2 bên đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc, thành lập Ủy ban liên chính phủ song phương thì đi vào thảo luận các vấn đề cụ thể mới thực sự khó khăn bởi luật pháp của Philippines quy định rất rõ ràng. Nếu đúng là Trung Quốc sẽ cho Philippines hưởng 60% lợi nhuận như ông Duterte nói thì vô hình chung Trung Quốc thừa nhận đây là vùng biển của Philippines, điều này khó có thể xảy ra vì mục tiêu xuyên suốt của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông là “chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp cùng khai thác”.

Qua vụ kiện Biển Đông mà Philippines khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài theo Phụ lục 7 của UNCLOS, có thể thấy các chuyên gia luật pháp Philippines hoàn toàn đủ năng lực pháp luật và bản lĩnh để không rơi vào cái bẫy “cùng khai thác” ở Biển Đông theo quan điểm của Trung Quốc.

Mặc dù, có những phát biểu với những lời lẽ bất nhất (lúc thì ca ngợi, lúc thì lên án Trung Quốc), song một điều có thể khẳng định là bản thân ông Duterte chưa bao giờ nói “từ bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài” mà chỉ nói tạm gác lại. Ngay cả trong hội đàm với ông Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, Tổng thống Duteter đã đề cập trực tiếp đến phán quyết 12/7/2016 như đã hứa trước chuyến thăm. Kể cả khi ông Tập Cận Bình khước từ thì ông Duterte còn khẳng định “phán quyết của Tòa Trọng tài là cuối cùng, mang tính ràng buộc và không thể phản đối”.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng việc đưa ra những phát biểu bất nhất có thể là một cách làm của chính quyền Duteter nhằm đạt được lợi ích cao nhất cho Philippines và trên thực tế cách làm này nhiều khi đã phát huy hiệu quả.

Chúng ta còn nhớ, khi mới nhận chức, ông Duterte có nhiều phát biểu thiếu thiện cảm với Mỹ, thậm chí nói rằng sẽ “cự tuyệt” với Mỹ, song trên thực tế quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Philippines vẫn tiếp tục được thúc đẩy; có lúc ông Duterte đã từng nói sẽ hủy bỏ các cuộc diễn tập chung với Mỹ, nhưng thực tế không phải vậy các chiến hạm của Mỹ tiếp tục ra vào các cảng biển của Philippines và diễn tập chung trên biển giữa Philippines và Mỹ vẫn diễn ra đều đặn thậm chí ngay ở khu vực gần bãi cạn Scarborough. Mặt khác, Mỹ lại còn hỗ trợ Philippines nhiều hơn trong việc tăng cường năng lực quản lý biển.

Ngày 24/9/2019, trong cuộc thảo luận với cựu ngoại trưởng Australia Kevin Rudd tại New York, Mỹ, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin nhấn mạnh mối quan hệ giữa Philippines và Mỹ là “cỗ máy vĩnh cửu của nỗ lực và sáng tạo”, người dân và quân đội Philippines ủng hộ sự hiện diện của Mỹ; khẳng định “liên minh quân sự với Mỹ rất vững chắc, chúng tôi hy vọng không chỉ bằng lời nói mà còn bằng các cam kết vật chất. Chúng ta không thể thấy bất kỳ con đường nào phía trước và một châu Á với bất kỳ cam kết tự do nào mà không có sự hỗ trợ của quân đội Mỹ”.

Ngay trong đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc, với tư cách là nước điều phối quan hệ ASEAN – Trung Quốc, ông Duteter và các quan chức Philippines nhiều lần phát biểu ủng hộ việc sớm đạt được COC theo đề nghị của Trung Quốc. Tuy nhiên, gần đây nhất khi phát biểu tại sự kiện của Hiệp hội châu Á tại New York, Mỹ hôm 24/9/2019, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin lại có những chỉ trích đối với Bắc Kinh liên quan đến đàm phán COC. Ông Teodoro Locsin nhấn mạnh”Bắc Kinh muốn đạt Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông theo kiểu chỉ Đông Nam Á và Trung Quốc thực hiện với nhau, các nước bên ngoài không được can thiệp. Một thỏa thuận như vậy sẽ ngầm công nhận bá quyền của Trung Quốc”; một bộ quy tắc như vậy sẽ giống như “sống chung với bá quyền hoặc chăm sóc, cho rồng ăn ngay trong phòng ngủ”.

Ngay trong vụ việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, rồi bỏ mặc ngư dân Philippines lên đênh trên biển mà Philippines đã xử lý đưa ra công luận và Liên hợp quốc, bao gồm cả việc ông Duterte lên tiếng phản đối mạnh mẽ, buộc Trung Quốc phải có lời xin lỗi công khai ngay trước chuyến thăm Trung Quốc của ông Duterte hồi tháng 8 vừa rồi cũng làm chúng ta đáng khâm phục bởi lẽ Trung Quốc hiếm khi hạ mình để xin lỗi công khai như vậy. Có lẽ Hà Nội cần phải học tập cách làm này của Manila bởi đã rất nhiều tàu cá, ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc hành xử thô bạo khi đang đánh bắt ở ngư trường quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Vậy phải chăng chính sách Biển Đông của Philippines là thất thường? với tư cách một người nghiên cứu, tôi cho rằng không. Philippines có sự nhất quán trong bảo vệ các vùng biển và quyền lợi của mình ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế. Cho dù thế nào thì phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài là không thể đảo ngược; phán quyết không chỉ là căn cứ pháp lý cho Philippines bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán của họ ở Biển Đông mà còn là một phát triển mới của luật pháp quốc tế, trong đó áp dụng UNCLOS vào thực tế tranh chấp ở Biển Đông.

Trong bối cảnh tình hình Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp, các quốc gia đều đặt lợi ích quốc gia mình lên trên hết thì cách làm của ông Duterte và chính quyền Philippines liên quan đến vấn đề Biển Đông có thể được coi như chiến thuật. Những phát biểu với lời lẽ bất nhất về Biển Đông, về quan hệ giữa Philippines với Trung Quốc và với Mỹ của ông Duterte có thể tạo ra sự hoài nghi về sự thiếu nhất quán của chính quyền của ông Duterte, gây sự chỉ trích từ chính nội bộ của Philippines.

Tuy nhiên, để có thể đưa ra được câu trả lời chính xác cho câu hỏi liệu chính sách Biển Đông của Philippines có phải thất thường, thiếu nhất quán hay không cần có sự nghiên cứu một cách kỹ càng, thấu đáo hơn từ cách nhìn thực tế, khách quan. Cho dù ông Duterte có muốn xích lại gần Trung Quốc xem nhẹ vấn đề Biển Đông hơn người tiền nhiệm thì những tiếng nói của các nhà lập pháp, của đảng đối lập và các chuyên gia luật sẽ là yếu tố quan trọng để cân bằng lại chính sách Biển Đông của Philippines.

RELATED ARTICLES

Tin mới