Sunday, January 5, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaHợp tác vận tải hàng hải Nga - Ấn Độ đi qua...

Hợp tác vận tải hàng hải Nga – Ấn Độ đi qua Biển Đông, dấu hiệu tích cực của sự quan tâm đến hòa bình, ổn định của khu vực

Ngày 04/09/2019, tại Diễn đàn kinh tế Phương Đông (EEF) được tổ chức ở thành phố Vladivostok của Nga, hai nước Nga và Ấn Độ đã ký Bản ghi nhớ về lập tuyến vận tải hàng hải mới, trong đó có đoạn đi qua Biển Đông, nơi diễn ra những tranh chấp lãnh thổ quyết liệt giữa Trung Quốc với các nước láng giềng trong những năm qua, trước sự chứng kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Tuyến hành trình trên dài 10.460km sẽ kết nối Thành phố Vladivostok ở vùng Viễn Đông của Nga với Thành phố Chennai, phía đông Ấn Độ, nó rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển của tàu vận tải hàng hóa giữa hai nước so với tuyến đường biển dài hơn 16.000km nối giữa thành phố Saint Petersburg và Mumbai hiện nay. Xung quanh sự kiện này, giới chuyên gia và học giả nghiên cứu đặt ra nhiều câu hỏi và đánh giá bước đầu về ý đồ của hai nước cũng như tác động của nó đến tình hình Biển Đông.

Câu hỏi đầu tiên là tại sao Nga – Ấn lại tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau, trong đó có việc mở tuyến vận tải hàng hải đi qua Biển Đông. Có thể kể ra 3 lý do cơ bản sau:

Một là, cả Nga và Ấn Độ đều nhận thấy rằng, trong quan hệ chính trị giữa hai nước với nhau, dường như hai bên ít xảy ra các vấn đề mâu thuẫn, xung đột. Gần đây, Bộ trưởng Các vấn đề đối ngoại của Ấn Độ S.Jaishankar đã khẳng định, quan hệ Nga – Ấn vẫn là một nhân tố tương đối ổn định trong quan hệ quốc tế kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đến nay.

Hai là, hai nước đang tăng cường hợp tác kinh tế chặt chẽ với nhau, điển hình là việc gần đây Thủ tướng Narendra Modi đã tham gia EEF với tư cách như một khách mời chính nhằm thúc đẩy sự đầu tư của các doanh nghiệp Ấn Độ vào vùng Viễn Đông của Nga. Ấn Độ cam kết sẽ cung cấp cho Nga một khoản vay “chưa từng có tiền lệ” lên tới 1 tỷ USD để phát triển vùng Viễn Đông giàu tài nguyên của nước này.

Ba là, thực tế cho thấy, cả Ấn Độ và Nga đều có lợi ích chung trong việc giảm sự phụ thuộc vào Mỹ và Trung Quốc đối với những vấn đề có tầm quan trọng trong khu vực. Trong khi Ấn Độ đang bị Mỹ “lôi kéo” nhằm tăng cường quan hệ đối tác quân sự qua nhiều sáng kiến khác nhau, thì sự gắn kết chiến lược gần đây của Nga với Trung Quốc cũng chưa có gì chắc chắn sẽ đảm bảo lâu dài. Đây là lý do quan trọng nhất khiến hai nước gia tăng quan hệ.

Với những lý do trên, có thể khẳng định rằng, hợp tác Nga – Ấn giống như một kết quả đã được định trước. Cả New Delhi và Moscow đều có thể nhận được những lợi ích lớn từ sự hợp tác này trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh gia tăng căng thẳng địa chính trị ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đó là việc Trung Quốc không có dấu hiệu sẽ giảm sự hiện diện quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Mỹ vẫn tiếp tục kêu gọi các quốc gia “cùng chí hướng” phối hợp theo dõi các động thái của Bắc Kinh.

Tại khu vực phát triển năng động nhất thế giới này, cả Nga và Ấn Độ đều có chiến lược riêng để thực hiện những toan tính cho lợi ích của mình. Nếu như New Delhi muốn tránh tác động của sự đối đầu địa chính trị Mỹ-Trung,thì Moscow ấp ủ một chiến lược “hấp dẫn” dưới hình thức của EEF nhằm thu hút và xây dựng mối quan hệ chiến lược với các nước châu Á khác để hạn chế sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng đang tìm cách đa dạng hóa các sự lựa chọn ngoài việc tham gia vào các sáng kiến của Mỹ, đồng thời ưu tiên hướng tiếp cận dựa trên cơ sở đánh giá về nhiều bên liên quan. Điều này cũng được Nga thực hiện để phù hợp với các lợi ích của mình bởi Moscow hiểu rằng, tốt hơn hết là không nên “đặt tất cả trứng vào một giỏ”. Nga đang xem xét đến việc mở rộng quan hệ với các nước châu Á khác như Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia thay vì chỉ dựa vào Trung Quốc trong các vấn đề liên quan đến Viễn Đông, Trung Á và châu Á nói chung.

Sự hợp tác của Ấn Độ và Nga đã phản ánh những thực tế địa chính trị mới trong môi trường quốc tế đa cực và đa lợi ích. Tuy nhiên, giữa bối cảnh cạnh tranh, can dự và kiềm chế Mỹ – Trung vẫn chưa “hạ nhiệt”, Nga – Ấn cần hành động nhiều hơn để duy trì sự hợp tác này một cách lâu dài và thực tế. Mối quan hệ này nếu được thúc đẩy ngày càng chặt chẽ hơn thì nó không chỉ nâng quan hệ song phương giữa hai nước lên một mức độ mới, mà còn đem đến những kỳ vọng về việc các vấn đề trong khu vực sẽ được giải quyết hiệu quả.

Về việc hai nước hợp tác mở tuyến vận chuyển hàng hải mới, trong đó có đoạn đi qua Biển Đông, có hai lý do cơ bản: Thứ nhất, do Biển Đông nằm trên tuyến giao thông đường biển (hàng hải) huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, châu Âu – châu Á, Trung Đông – châu Á; là tuyến đường vận tải biển nhộn nhịp thứ hai thế giới; hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới bằng đường biển thì có tới 45% trong số đó phải đi qua Biển Đông với giá trị thương mại khoảng 5.300 tỷ USD. Trong khi đó, Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới và thứ ba châu Á, hơn 55% giao thương của nước này đi qua các tuyến hải lộ quan trọng của châu Á và eo biển Malacca. Năm 2016, lượng hàng hóa của Ấn Độ đi qua khu vực này đạt gần 190 tỉ USD, nên rõ ràng Ấn Độ có lợi ích chiến lược lớn ở Biển Đông. Thứ hai, theo Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, tuyến đường vận tải hàng hải theo kế hoạch hợp tác này phù hợp với chính sách “Hành động Hướng Đông” của Ấn Độ để vừa đảm bảo trục hàng hải của Ấn Độ, vừa góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ kinh tế và chính trị của quốc gia Nam Á này với các nước Đông Nam Á.

Câu hỏi thứ hai mà giới chuyên gia, học giả nghiên cứu đặt ra là, trong bối cảnh Biển Đông đang có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là việc Trung Quốc có nhiều hành động phi pháp ở khu vực này, thì liệu việc hợp tác vận tải hàng hải giữa Nga và Ấn Độ có tác động làm cho tình hình ở Biển Đông càng thêm phức tạp không.

Trả lời câu hỏi này, hầu hết chuyên gia trong khu vực cho rằng, động thái này của Nga và Ấn Độ là một dấu hiệu mang tính tích cực, bởi mấy lẽ sau đây: (1) Trong hơn hai tháng qua, việc Trung Quốc ngang nhiên đưa tàu vào Biển Đông ngăn cản hoạt động dầu khí bình thường của Việt Nam, Malaysia cũng như đưa nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 cùng tàu bảo vệ xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của dư luận và chính phủ các nước trong và ngoài khu vực, trong đó có Mỹ, liên minh châu Âu (EU), Anh, Pháp, Đức… Nay Nga và Ấn Độ ký bản ghi nhớ về việc mở tuyến vận tải hàng hải mới trong đó có đoạn đi qua Biển Đông cho thấy, Biển Đông ngày càng được quốc tế hóa, thu hút sự quan tâm của nhiều nước, nhất là những nước có lợi ích sát sườn trong khu vực này. Hành động này của Ấn Độ và Nga chẳng khác gì một lời lên tiếng khẳng định rằng hai nước này có lợi ích đương nhiên tại đây và những hành động bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc tại Biển Đông không thể được chấp nhận. Trung Quốc không thể và cũng không dễ gì thực hiện được mưu đồ “độc chiếm” Biển Đông như họ toan tính. Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra bản chất sự hợp tác hàng hải Nga – Ấn liên quan đến Biển Đông: “Giống như doanh nghiệp có nhiều cổ đông, đối tác tham gia, càng nhiều cổ đông, đối tác lớn thì tính độc quyền càng giảm đi”. Nó cũng cho thấy, khi Biển Đông được quốc tế hóa, có sự tác động mạnh mẽ từ bên ngoài, ít nhất Bắc Kinh cũng phải tính toán thận trọng và có bước lùi mang tính chiến thuật. (2) Nga và Ấn Độ đã có sự chuyển biến nhất định trong quan điểm đối với vấn đề Biển Đông. Việc hình thành tuyến vận tải hàng hải mới trước tiên là vì lợi ích của hai nước Nga và Ấn Độ, nhưng dẫu có vậy thì sự hiện diện của tàu hàng hai nước khi đi qua đây vẫn khẳng định một điều: Biển Đông không phải của riêng ai.

Đối với Nga, động thái hợp tác với Ấn Độ lần này chứng tỏ Nga đã có thái độ chuyển biến nhiều hơn. Trong 5 năm bị Mỹ và các nước phương Tây bao vây, cấm vận (từ năm 2014), có lúc kinh tế Nga cực kỳ khó khăn và họ cần phải tìm kiếm sự hợp tác với Trung Quốc để chống đỡ. Chính vì vậy, Nga buộc phải “nhân nhượng” Trung Quốc ở một số vấn đề. Nhưng thực chất sự “nhân nhượng” đó chỉ là để giải quyết bài toán lợi ích.

Việc Nga ký kết hợp tác với Ấn Độ để mở tuyến vận tải hàng hải mới trong đó có đoạn đi qua Biển Đông cho thấy, Moscow đã có thái độ tích cực hơn, nó chứng tỏ một điều rằng, Nga đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất về kinh tế, và có lẽ giờ đây, khi đã đỡ khó khăn, Moscow sẽ không chỉ bắt tay với Bắc Kinh mà còn cần mở ra nhiều “ngách” khác, đó là cái hay của việc hợp tác lần này giữa Nga và Ấn Độ.

Về phía Ấn Độ, quan điểm của nước này đối với vấn đề Biển Đông từ trước đến nay rất rõ ràng. Tuy nhiên, gần đây mối quan tâm này càng được New Delhi chú trọng hơn. Trong chuyến thăm Nhật Bản của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh gần đây, hai bên đã ra tuyên bố chung, trong đó có xem xét đến tình hình Biển Đông. Xét về mặt lợi ích, với hơn 55% giao thương của Ấn Độ đi qua tuyến hàng hải quan trọng như eo biển Malacca, khiến New Delhi có lợi ích chiến lược ngày càng tăng tại Biển Đông, đặc biệt là lợi ích về vận chuyển hàng hóa.

Câu hỏi thứ ba mà dư luận quan tâm là, ngoài lợi ích về kinh tế, phải chăng Nga – Ấn Độ mở tuyến vận tải hàng hải đi qua Biển Đông còn nhằm thách thức Trung Quốc khi họ mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực?

Như đã biết, lâu nay Bắc Kinh đã đưa ra tuyên bố “chủ quyền” đơn phương trên phần lớn diện tích ở Biển Đông. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố “chủ quyền” phi lý ở Biển Đông. Đi cùng với đó, từ lâu Bắc Kinh cũng đã bác bỏ việc bất kỳ đối tác nước ngoài nào vào khai thác trữ lượng dầu khí trong vùng biển “tranh chấp”. Thỉnh thoảng, Trung Quốc còn triển khai các tàu quân sự và phi quân sự để cản trở hoạt động thăm dò dầu khí của nước ngoài tại đây. Hành động này của Trung Quốc không chỉ làm cho tình hình trong khu vực trở nên bất ổn, mà trong một chừng mực nào đó, gián tiếp đe dọa lên lợi ích của Ấn Độ và Nga. Theo nhiều chuyên gia, việc Ấn Độ và Nga hợp tác mở tuyến vận tải hàng hải đi qua Biển Đông là “hướng đi tốt trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng khẳng định vị trí của mình trong khu vực và có ý định độc chiếm tuyến đường hàng hải huyết mạch này của thế giới”.

Theo ông Rajeev Ranjan Chaturvedy – thành viên thỉnh giảng tại Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, New Delhi cảm thấy “khó chịu” với sự quyết đoán mới của Trung Quốc và sự khẳng định mạnh mẽ của Bắc Kinh về các yêu sách lãnh thổ của họ ở Biển Đông, nên việc Ấn Độ hợp tác với Nga mở tuyến vận tải hàng hải mới trong đó có đoạn đi qua Biển Đông là động thái “ngầm” nhằm phản đối các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trong khu vực này.

Ông Hu Zhiyo – chuyên gia nghiên cứu thuộc Học viện Khoa học xã hội Thượng Hải, Trung Quốc cũng cho rằng: “Moscow đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng tại châu Á, việc hợp tác với New Delhi sẽ giúp đối phó với ảnh hưởng của Bắc Kinh ở mức độ nào đó. Đây là tín hiệu cho thấy hợp tác Nga – Ấn đã tới giai đoạn quan trọng” và “do Nga đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng sang châu Á, nên hợp tác với Ấn Độ ở mức độ nhất định có thể đối chọi với ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á”.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Abhijit Singh – người đứng đầu Cơ quan nghiên cứu sáng kiến chính sách hàng hải tại Quỹ Nghiên cứu Người quan sát ở New Delhi, các quan chức Ấn Độ thường nêu bật lợi ích thương mại và kinh tế quan trọng của nước này tại Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh các tranh chấp chủ quyền ở khu vực này cần phải được giải quyết bằng giải pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế và Ấn Độ không có ý định đi xa hơn nữa trong vấn đề Biển Đông. Nói cách khác, trong giai đoạn hiện nay, Ấn Độ không muốn thách thức tham vọng “độc chiếm” Biển Đông của Trung Quốc, mà chỉ muốn “đóng vai trò quan trọng trong khu vựcđể đảm bảo lợi ích kinh tế, thương mại và chiến lược về lâu dài”.

Xét cho cùng, hòa bình, hợp tác và phát triển là nguyện vọng và mong muốn của các nước trong và ngoài khu vực. Sự kiện Nga và Ấn Độ ký kết biên bản ghi nhớ về tuyến vận tải hàng hải mới, trong đó có đoạn đi qua Biển Đông là dấu hiệu tích cực, nó không chỉ vì lợi ích của hai nước, mà ở một góc độ nào đó còn là sự cảnh báo, ngăn chặn đối với các thế lực đang có ý đồ muốn biến Biển Đông thành “ao nhà” của riêng mình.                                                                     

RELATED ARTICLES

Tin mới