Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaSingapore - Indonesia đạt được đồng thuận về giải quyết tranh chấp...

Singapore – Indonesia đạt được đồng thuận về giải quyết tranh chấp trên Biển Đông

Trong chuyến thăm Singapore, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Tổng thống Indonesia Joko Widodo (8/10) đã đạt được thỏa thuận khung về việc giải quyết tranh chấp liên quan quản lý Vùng thông báo bay trên khu vực đảo Riau và huấn luyện quân sự trên Biển Đông.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung sau cuộc gặp, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Tổng thống Indonesia Joko Widodo đều khẳng định hai nước đã đạt được thỏa thuận khung về việc thảo luận hai vấn đề song phương tồn tại lâu nay giữa hai nước về việc quản lý Vùng thông báo bay trên khu vực đảo Riau và huấn luyện quân sự trên Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế.

Nhiều năm qua, Vùng thông báo bay (FIR) trên khu vực đảo Riau vẫn đang được Singapore quản lý dựa trên những thỏa thuận quốc tế nhằm đảm bảo an toàn hàng không. Phía Indonesia đang tìm cách tiếp nhận lại quyền kiểm soát vùng thông báo bay này. Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định Singapore mong muốn hai nước thảo luận vấn đề này theo cách cởi mở và xây dựng. Tổng thống Joko Widodo cho hay Indonesia rất hoan nghênh bộ khung thỏa thuận đàm phán về FIR và cho rằng FIR không chỉ là vấn đề chủ quyền mà còn cần phải đảm bảo yêu cầu về an toàn và hiệu quả hàng không. Về lĩnh vực quân sự, Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định quan hệ quốc phòng hai nước vững chắc và tiếp tục được thúc đẩy ngày càng mạnh mẽ, thể hiện qua hàng loạt các cuộc tập trận chung và trao đổi đoàn giữa các cơ quan quốc phòng. Singapore muốn Indonesia tôn trọng và công nhận quyền của Singapore trong việc tiến hành các cuộc huấn luyện quân sự trên Biển Đông theo Điều 51 của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Indonesia và Bộ Quốc phòng Singapore cũng nhất trí thiết lập cơ chế thường niên về trao đổi và đối thoại quốc phòng là Chương trình Trao đổi Kemhan-Mindef. Theo đó, sáng kiến này sẽ cho phép quân đội hai nước trao đổi thường xuyên những thông tin và quan điểm hai bên, đồng thời tăng cường quan hệ quốc phòng hai nước. Hai nước cũng nhất trí tổ cuộc tập trận chung Huấn luyện Thực địa chống khủng bố năm 2020 tại Indonesia.

Trước đây, trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, Singapore và Indonesia đã có nhiều động thái tích cực nhằm thúc đẩy giải hòa bình các tranh chấp, dựa trên luật pháp quốc tế. Ngày 15/12/2016, Quốc hội Indonesia (DPR) đã phê chuẩn hiệp định phân định biển giữa Indonesia và Singapore, theo đó ranh giới trên biển giữa hai nước được xác định ở phía Đông eo biển Singapore. Hiệp định này xác định đường biên giới trải dài 9,45 km giữa Changi của Singapore và đảo Batam của Indonesia. Sự phê chuẩn này diễn ra sau 27 tháng kể từ khi hiệp định biên giới trên biển giữa hai nước được ký kết vào tháng 9/2014. Đáng chú ý là trong kỳ họp Quốc hội kéo dài 1 tháng, DPR chỉ phê chuẩn 2 dự luật, trong đó có hiệp định với Singapore, trong khi trì hoãn tới 40 dự luật khác. Indonesia coi việc phê chuẩn Hiệp định trên có tầm quan trọng đặc biệt bởi nó giúp phân định ranh giới trên biển nhằm mục đích bảo vệ chủ quyền và bảo tồn sự toàn vẹn lãnh thổ của mình. Hiện nay Indonesia đã giải quyết tất cả các ranh giới hàng hải song phương với Singapore, ngoại trừ ranh giới giữa đảo Bintan của Indonesia và đảo Pedra Branca của Singapore. Singapore cần phải đàm phán phân định ranh giới vùng biển của đảo Pedra Branca với Malaysia sau khi đào nảy được Tòa trọng tài công lý quốc tế (ICJ) tuyên bố là thuộc chủ quyền của Singapore vào tháng 5/2008. Hiệp định vừa được phê chuẩn là hiệp định trên biển thứ ba giữa Singapore và Indonesia.

Các nhà quan sát khu vực đặc biệt chú ý thỏa thuận này bởi hai lý do. Thứ nhất là tình hình quốc nội đang có nhiều diễn biến tại Jakarta. Việc phê chuẩn hiệp ước như là một công cụ giúp nước này vạch ra ranh giới hàng hải. Trên căn bản, Indonesia đã gần như giải quyết hết các vấn đề về biên giới hàng hải với Singapore, trừ quần đảo Bintan của Indonesia và vùng Pedra Branca của Singapore. Sự phê chuẩn này cũng được xem là biểu trưng quan trọng nhìn từ tình hình chính trị quốc nội của Indonesia. Chuyên gia Mustafa Izzuddin của Viện ISEAS, Singapore nhận định, chủ nghĩa dân tộc ngầm đang sôi sục ở xã hội Indonesia đòi hỏi chính phủ phải đảm bảo Indonesia có một đường biên giới rõ ràng để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Thứ hai, vai trò đối ngoại của Indonesia trong bối cảnh tình hình Biển Đông trở nên khó lường và có khả năng sẽ nhiều biến động. Ở vị trí một quốc gia lớn nhất Đông Nam Á, các nước bên ngoài nhìn vào Jakarta như một “người điều phối” tự nhiên của khối ASEAN. Theo chuyên gia Prashanth Parameswaran – biên tập viên chuyên mảng Đông Nam Á và các vấn đề an ninh khu vực châu Á của tờ The Diplomat, Indonesia đối mặt với những thách thức trong việc hiện thực hóa vai trò như một cường quốc mới nổi, đặc biệt là trong cách tiếp cận “cân bằng động” trong bài toán Biển Đông. Khái niệm này được ví von như các nỗ lực nhằm cân bằng các lợi ích của những cường quốc bên ngoài với lợi ích của ASEAN bên trong với nhau.

Không những vậy, giới chuyên gia cho rằng thực hiện ngoại giao biên giới trước hết với các nước láng giềng từ ASEAN là hòn đá tảng trong chính sách ngoại giao của Indonesia. Indonesia và Singapore đã thỏa thuận được với nhau ba hiệp định phân định biển. Vào tháng 5/1973, dưới thời của Chính quyền của Tổng thống Suharto và Thủ tướng Lý Quang Diệu, hai nước đã ký Hiệp định phân định biên giới trên biển dọc theo phần trung tâm của eo biển Singapore. Hiệp định này được Indonesia phê chuẩn vào tháng 12/1973, Singapore phê chuẩn vào tháng 8/1974. Tiếp đó vào tháng 3/2009, hiệp định phân định biên giới thứ hai tại phía Tây của eo biển Singapore, bao gồm vùng biển trải dài giữa bãi Sultan của Singapore và vùng biển Pulau Nipa của Indonesia. Hiệp định thứ hai này được cả hai bên phê chuẩn vào tháng 8/2010. Mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa Thủ tướng Lý Hiển Long và Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono và sau đó là Tổng thống Jokowi Widodo đã giúp cho hai nước nhanh chóng phê chuẩn Hiệp định phân định biên giới thứ 3. Hiệp định này được phê chuẩn chỉ một tháng sau khi hai nhà lãnh đạo có cuộc gặp hẹp đầu tiên vào tháng 11/2016. Sự dễ dàng và nhanh chóng trong việc phê chuẩn của Indonesia cũng có thể là nhờ sự ủng hộ về chính trị trong nước. Chủ nghĩa dân tộc bùng phát trong xã hội Indonesia đòi hỏi chính phủ nước này phải đảm bảo Indonesia có đường biên giới xác định rõ ràng để bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ. Với hiệp định này, Indonesia có thể có điều kiện tốt hơn để quản lý và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

RELATED ARTICLES

Tin mới