Các hệ thống như vậy sẽ hạn chế quyền tự do cá nhân của công dân Trung Quốc, đồng thời cho phép Bắc Kinh theo dõi công dân của các quốc gia khác – theo CBS New
Sau khi hàng trăm máy quay video, có khả năng theo dõi và xác định đặc điểm con người, xuất hiện trên đường phố Beograd (Serbia), nhiều người biểu tình bắt đầu lo ngại về sự tham gia của mình vào các hoạt động đấu tranh chống chính phủ – CBS News viết.
Theo chính quyền địa phương, hệ thống theo dõi do công ty Huawei phát triển sẽ giúp giảm tỷ lệ tội phạm. Trong khi đó, những chỉ trích lại nói rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến sự tự do cá nhân, khiến phe đối lập dễ bị trả đũa và cho phép chính phủ Trung Quốc theo dõi các công dân của Serbia.
CBS News lưu ý, các máy quay với công nghệ nhận diện khuôn mặt đang được tích cực chào bán ở hàng trăm thành phố trên thế giới. Sự phổ biến mạnh mẽ đó đang làm nảy sinh những lo ngại về quyền tự do riêng tư của công dân, đặc biệt là ở các quốc gia không đủ sức chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.
“Hệ thống này có thể được sử dụng để theo dõi các đối thủ chính trị và quan sát những người chỉ trích chính quyền. Điều này là hoàn toàn bất hợp pháp” – CBS News dẫn lời ông Rodoljub Sabic, cựu lãnh đạo của Ủy ban Serbia về bảo mật dữ liệu cá nhân.
Về phần mình, Huawei nói rằng hệ thống của họ “tuân thủ tất cả các luật và quy định”. Theo công bố, Beograd đang có kế hoạch lắp đặt số lượng máy quay lên tới 1000 chiếc tại 800 điểm khác nhau của thành phố.
CBS News lưu ý, các hệ thống theo dõi của Huawei thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận trong bối cảnh có những nghi ngại rằng công ty đang cung cấp dữ liệu của mình cho chính quyền Trung Quốc. Cũng vì lý do này, nhiều quốc gia từ chối sử dụng các công nghệ của Huawei. Dẫu vậy, công ty vẫn không gặp vấn đề gì trong việc tìm kiếm khách hàng: ngoài Serbia, còn có Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Ukraine, Azerbaijan, Đức, Pháp và nhiều quốc gia khác.
Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Serbia, nơi Bắc Kinh coi là “cửa ngõ” để vào châu Âu, tăng lên đáng kể trong những năm gần đây thông dự án “Vành đai và Con đường” – CBS News viết. Đáng chú ý, cảnh sát Trung Quốc còn hỗ trợ tuần tra trên các đường phố Beograd. Theo lời giải thích chính thức, thì điều này nhằm giúp đỡ lượng khách du lịch Trung Quốc đang có mặt tại đây.
Những vấn đề tương tự đang xảy ra ở Uganda, nơi Trung Quốc đang đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng địa phương, cũng như ở Kenya: cả hai nước này đều lắp đặt các hệ thống theo dõi của Trung Quốc, và đang phải đối mặt với sự chỉ trích từ phe đối lập.
Theo dữ liệu của Quỹ Carnegie, ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng công nghệ được phát triển ở Trung Quốc để theo dõi công dân: ít nhất 75 quốc gia sử dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo, như hệ thống nhận diện khuôn mặt, và 50 quốc gia trong số đó sử dụng các sản phẩm của Huawei.
“Chúng tôi không muốn sống trong một xã hội như thế. Có rất nhiều câu hỏi: những chiếc máy quay được giấu ở những đâu, chúng tôi phải trả bao nhiều tiền cho chúng và điều gì xảy ra với những thông tin mà họ thu thập?” – CBS News dẫn lời nhà hoạt động nhân quyền người Serbia Ivana Markulic.