Trong tuyên bố được phát đi ngày 16-10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tỏ ra vô cùng giận dữ, cảnh báo sẽ trả đũa Mỹ nếu các dự luật liên quan Hong Kong chính thức trở thành luật.
Hai dự luật và một dự thảo nghị quyết không ràng buộc pháp lý đã dễ dàng vượt qua Hạ viện Mỹ trong cuộc bỏ phiếu rạng sáng 16-10 (giờ VN). Với số phiếu tán thành tuyệt đối 100%, Hãng tin Reuters dẫn lời các nhà lập pháp Mỹ nói họ sẽ không thay đổi lập trường cứng rắn với Bắc Kinh sau 4 tháng biểu tình bất ổn ở Hong Kong.
Chờ Thượng viện thông qua
Dự luật dân chủ và nhân quyền Hong Kong cho phép Washington tiếp tục đối xử Hong Kong như một thực thể độc lập khỏi Trung Quốc đại lục sau năm 1997. Nó quy định nếu Hong Kong trở nên ít tự chủ hơn sau khi được Anh trao trả, tổng thống Mỹ có quyền thay đổi các đối xử đặc biệt về thương mại và tài chính với thành phố này.
Dự luật đang chờ được Thượng viện thông qua này yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ phải đánh giá mức độ tự chủ chính trị của Hong Kong mỗi năm, từ đó làm cơ sở điều chỉnh hoặc chấm dứt các ưu đãi thương mại đặc biệt của Mỹ dành cho thành phố. Dự luật cũng mở đường cho việc xác định và trừng phạt các cá nhân làm suy yếu quyền tự chủ của Hong Kong.
Dự luật bảo vệ Hong Kong mang tính thời sự hơn khi yêu cầu cấm bán các thiết bị quân sự và kiểm soát đám đông sang đặc khu này, với lo ngại các thiết bị có thể được sử dụng để chống lại người biểu tình. Hạ viện Mỹ cũng thông qua một nghị quyết tái khẳng định sự ủng hộ với người biểu tình và lên án các hành vi “can thiệp” của Trung Quốc.
Tháng 6-2019, sau khi nghị sĩ Chris Smith trình dự luật dân chủ và nhân quyền Hong Kong, phản ứng của Bắc Kinh cũng đã vô cùng giận dữ.
Bắc Kinh “sẽ có biện pháp đáp trả”
Chỉ vài tiếng sau khi các dự luật trên được thông qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng phản đối đầy giận dữ, gọi động thái trên là một quyết định “sai lầm”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ có các biện pháp đáp trả quyết liệt để bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích của mình, cảnh báo nếu các dự luật được thông qua sẽ đẩy quan hệ Mỹ – Trung xuống vực thẳm mới.
Trung Quốc xem các dự luật là một âm mưu chính trị can thiệp vào công việc nội bộ của nước này và ngăn chặn quyền phát triển chính đáng của người Trung Quốc.
“Cái gọi là các vấn đề nhân quyền và dân chủ không hề có ở Hong Kong, nhưng một số người ở Mỹ đang dựng lên chuyện này với dự định độc ác là phá hủy sự thịnh vượng và ổn định của Hong Kong, ngăn cản quyền phát triển của Trung Quốc. Các nghị sĩ Mỹ đã phớt lờ sự thật, đổi trắng thay đen khi mô tả các hành động đốt phá và tấn công bạo lực là hệ quả của việc thiếu dân chủ và nhân quyền ở Hong Kong. Đó rõ ràng là một tiêu chuẩn kép”, ông Cảnh Sảng lập luận.
Đại diện Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Macau thuộc Chính phủ Trung Quốc cũng lên tiếng trong ngày 16-10, cáo buộc tình hình hiện nay ở Hong Kong là do Mỹ ủng hộ lực lượng đối lập. “Nếu không có sự can thiệp của Mỹ, Hong Kong sẽ thịnh vượng và ổn định hơn”, một đoạn tuyên bố của văn phòng này nêu rõ.
Đáng chú ý hơn cả là phản ứng của chính quyền Hong Kong. Trong một phản hồi dài gửi đến Mỹ, chính quyền Hong Kong “lấy làm tiếc” vì Hạ viện Mỹ đã thông qua các dự luật, đồng thời nhắc lại các nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” và luật cơ bản vẫn đang được thực thi nghiêm túc tại Hong Kong. Tuyên bố của chính quyền Hong Kong cũng cảnh báo các nhà lập pháp nước ngoài không nên can thiệp vào vấn đề nội bộ của đặc khu này “dưới bất kỳ hình thức nào”.
Lãnh đạo Hong Kong phải phát biểu qua video thu sẵn
Trưởng đặc khu Hong Kong, bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga), đã phải trở về văn phòng của mình phát thông điệp chính sách thường niên qua video thu sẵn sau khi bà bị các nghị sĩ đòi dân chủ cho Hong Kong ngăn cản không cho phát biểu trực tiếp tại trụ sở Hội đồng lập pháp ngày 16-10.
Trong phát biểu sau đó, bà Lâm cam kết sẽ có thêm các dự án phúc lợi xã hội mới cho người dân Hong Kong. “Chúng tôi sẽ tạo thêm cơ hội sở hữu nhà cho tất cả người dân ở tất cả các nhóm thu nhập, để họ tin rằng Hong Kong là nhà thật sự của họ”, bà Lâm khẳng định.