Sunday, November 17, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaCảnh sát biển châu Á tăng cường hợp tác đối phó với...

Cảnh sát biển châu Á tăng cường hợp tác đối phó với thách thức an ninh phi truyền thống

Trong những năm gần đây, tình hình an ninh phi truyền thống trên biển ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, đe dọa nghiêm trọng an ninh hàng hải và hoạt động của tàu thuyền các nước khi qua lại vùng biển này.

Cảnh sát biển châu Á tích cực hợp tác chia sẻ kinh nghiệm

Tại Hội nghị Những nhà đứng đầu các Cơ quan Cảnh sát biển châu Á lần thứ 15 ((HACGAM 15; 7-10/10) ở thủ đô Colombo, Srilanka, 72 đại biểu đến từ 24 nước và tổ chức quốc tế đã chia sẻ đánh giá về tình hình an ninh biển và đề xuất các biện pháp ứng phó các thách thức an ninh phi truyền thống trong khu vực; đồng thời chia sẻ và trao đổi quan điểm kinh nghiệm trong xây dựng năng lực giữa các nước thành viên.

Được biết, HACGAM là diễn đàn để các Cơ quan thực thi pháp luật chia sẻ đánh giá về tình hình an ninh biển và đề xuất các biện pháp ứng phó các thách thức an ninh phi truyền thống trong khu vực như: IUU; Buôn lậu vũ khí; Buôn bán người; Tội phạm xuyên biên giới; Buôn bán động vật hoang dã; Buôn bán và vận chuyển trái phép ma túy… Đồng thời chia sẻ và trao đổi quan điểm kinh nghiệm trong xây dựng năng lực giữa các nước thành viên. Hội nghị có 72 đại biểu đến từ 24 nước và tổ chức quốc tế. HACGAM lần đầu được tổ chức tại Nhật Bản năm 2004 trên cơ sở sáng kiến của Nhật Bản. HACGAM được tổ chức thường niên gồm có hội nghị cấp làm việc và hội nghị cấp lãnh đạo. Từ năm 2004 đến nay đã có 14 hội nghị được tổ chức. Nội dung của HACGAM được xây dựng trên cơ sở kết quả trao đổi của bốn trụ cột hợp tác trong khuôn khổ HACGAM gồm: Tìm kiếm cứu nạn trên biển; bảo vệ môi trường biển; ngăn chặn và kiểm soát hành động trái phép trên biển và xây dựng năng lực.

Bên lề Hội nghị HACGAM 15, đoàn Cảnh sát biển Việt Nam đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Cảnh sát biển Indonesia; Cảnh sát biển Malaysia; Lực lượng Phòng vệ biển Philippine; Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản; Lực lượng Biên phòng Australia; Trung tâm Chia sẻ thông tin chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại châu Á (ReCAAP). Tại mỗi cuộc tiếp xúc, hai bên đều nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy sự hợp tác trên cơ sở xây dựng các Bản ghi nhớ, hợp tác, nhằm tăng cường chia sẻ thông tin, hợp tác huấn luyện, đào tạo nâng cao năng lực cho lực lượng thực thi pháp luật của mỗi nước.

Lực lượng cảnh sát biển ASEAN cũng tăng cường phối hợp

Thời gian gần đây, cùng với diễn biến tình hình Biển Đông ngày càng phức tạp, vấn đề an ninh phi truyền thông trong khu vực cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức mới, buộc các nước ASEAN và các nước bên ngoài khu vực phải tăng cường hiện diện trong khu vực. Điều này làm gia tăng nguy cơ xảy ra va chạm trên biển và hợp tác giữa các bên thiếu chặt chẽ. Do đó, đại diện các nước ASEAN và Australia, Ủy ban châu Âu (EC, 12-13/3/2019) đã bàn về việc xây dựng quy tắc hướng dẫn và ứng xử chung cho các lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Các đại biểu đánh giá thảo luận này có ý nghĩa cấp thiết trước sự gia tăng nhanh chóng của lực lượng cảnh sát biển ở khu vực. Việc đưa ra quy tắc ứng xử chung sẽ giúp nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động của các lực lượng nói trên, giúp ngăn ngừa sự cố có thể phát sinh. Đại diện Australia cho rằng các nước cần thiết lập cơ chế để bảo vệ trật tự trên biển, EC cam kết tăng hợp tác bảo đảm an ninh ở châu Á, trong đó an ninh biển là một ưu tiên. Về lĩnh vực nghề cá, đại diện các nước nhấn mạnh yêu cầu phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân, bảo đảm an toàn và đối xử nhân đạo với họ. Trong khi đó, đại diện Việt Nam đề xuất tập trung thảo luận về các biện pháp khả thi giúp tăng hợp tác giữa các bên, góp phần bảo đảm ổn định, an ninh và tự do đi lại trên các vùng biển và đảm bảo an toàn cho người đi biển.

Giới chuyên gia nhận định, một trong những lợi thế của việc triển khai lực lượng cảnh sát biển trong các hoạt động bảo vệ chủ quyền là lực lượng này được trang bị vũ khí hạng nhẹ, thông thường chỉ có pháo cỡ nhỏ hoặc súng máy. Điều này giúp giảm thiểu nguy cơ xảy ra xung đột thảm họa trên Biển Đông. Tuy nhiên, nếu các vụ xung đột xảy ra nhiều hơn hoặc mức độ nguy hiểm gia tăng, chúng có thể leo thang thành các vụ việc căng thẳng có sự tham gia của cả lực lượng hải quân. Những động thái có thể làm gia tăng nguy cơ xung đột như sử dụng tàu cảnh sát biển để đánh chìm tàu thương mại, gây ra thương vong lớn, hay triển khai tàu cảnh sát biển để vận chuyển lực lượng từ các căn cứ trên Biển Đông, hoặc ngăn chặn khai thác dầu khí tại các khu vực tranh chấp, từ đó vấp phải hành động phản kháng có vũ trang.

Đáng chú ý, giới chuyên gia cho rằng Cảnh sát biển ASEAN ngoài việc tăng cường hợp tác với các nước để đối phó với các mối đe dọa, thách thức về an ninh phi truyền thống, còn tăng cường năng lực cho Cảnh sát biển để đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông. Để đối phó các hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông, nhiều quốc gia Đông Nam Á đang tăng cường năng lực của lực lượng cảnh sát biển. Lực lượng cảnh sát biển đã trở thành vùng đệm chiến lược quan trọng giữa hải quân ở ASEAN. Ngoài các mối đe dọa như cướp biển, khủng bố, tội phạm có tổ chức và đánh bắt cá bất hợp pháp, lý do chính khiến các quốc gia gia tăng lực lượng bảo vệ bờ biển của họ là chiến lược biển hung hăng của Trung Quốc, bao gồm xây dựng các tiền đồn quân sự và tiến hành hoạt động đánh bắt xa trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác. Ngoài ra, việc sử dụng hình thức thực thi pháp luật cho phép các quốc gia duy trì sự hiện diện và bảo vệ các yêu sách chủ quyền trên biển mà không làm leo thang căng thẳng khi đụng độ với Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới